Luật Xây dựng mới giúp giảm lãng phí, thất thoát

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi có nhiều thay đổi nhằm hạn chế tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước, kể cả lãng phí hữu hình lẫn lãng phí vô hình.

Quy định riêng cho dự án dùng vốn nhà nước

Chiều 31/3, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các sở - ngành, doanh nghiệp các tỉnh phía Nam về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Tại hội thảo, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày chi tiết điểm mới quan trọng nhất của Luật Xây dựng (sửa đổi) so với luật hiện hành là đổi mới phương thức quản lý và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước. Ông Dũng cho rằng: “Dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau cần được quản lý theo phương thức khác nhau”.

Ông Trịnh Đình Dũng,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị

Theo ông, Luật Xây dựng 2003 chưa phân biệt rõ phương thức, nội dung đầu tư, phạm vi quản lý cũng như trách nhiệm các chủ thể trong quản lý dự án sử dụng vốn các nguồn vốn khác nhau. Điều này chính là nguồn cơn gây ra lãng phí, thất thoát khi xây dựng dự án dùng vốn nhà nước.

Bởi nguồn vốn nhà nước là nguồn vốn sở hữu toàn dân mà nhà nước chỉ là đại diện quản lý chứ không phải là chủ sở hữu. Các nguồn vốn khác, chính họ là chủ đầu tư, quyết định đầu tư nên họ quản lý nguồn vốn rất chặt chẽ, thất thoát rất ít. Trong khi đó, nguồn vốn nhà nước quản lý theo chế độ ủy quyền.

Khi 1 đơn vị được ủy quyền làm chủ đầu tư dự án, họ có quyền quyết định và từ đó nảy sinh ra tình trạng thông đồng giữa nhà tư vấn, nhà thầu… và làm đội giá công trình lên. Ông Trịnh Đình Dũng cũng cho biết thêm là có rất nhiều dự án xây dựng mà cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện thất thoát từ 1% - 10%, thậm chí có dự án còn hơn mức đó.

Tình trạng thất thoát trên chỉ là 1 trong những hình thức lãng phí hữu hình. Theo ông Dũng còn có nhiều hình thức lãng phí vô hình khác trong hoạt động xây dựng. Chẳng hạn như tình trạng quy hoạch dự án không đúng chỗ, quy mô không phù hợp, quyết định đầu tư cảm tính, xây dựng tự phát của địa phương… dẫn đến khai thác công trình không hiệu quả cũng gây nên lãng phí rất lớn nguồn vốn nhà nước.

Do đó, trong dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng điều chỉnh nhiều điều khoản để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quản lý dự án xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Cụ thể như: Bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để tránh tình trạng xây dựng tự phát; Quản lý chất lượng xây dựng tiền kiểm để tránh tình trạng thông đồng nâng giá, nâng khống khối lượng…; Xây dựng các ban quản lý dự án chuyên nghiệp để nâng cao trình độ nhân viên ban quản lý, có đơn vị chịu trách nhiệm tới cùng đối với dự án…; Đổi mới cơ chế quản lý chi phí…

Giấy phép xây dựng và nhà ở xã hội vẫn “nóng”

Tại hội thảo, doanh nghiệp, ban ngành các tỉnh phía Nam cũng đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo. Trong đó, giấy phép xây dựng và nhà ở xã hội vẫn là những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho thủ tục giấy phép xây dựng vẫn còn rất nhiêu khê. Ông đề nghị Bộ Xây dựng có danh sách cụ thể các công trình được miễn giấy phép xây dựng. Ông cũng đề nghị các khu dân cư đã có quy hoạch chi tiết 1/500 thì không cần giấy phép xây dựng để giảm thời gian làm thủ tục cho nhà đầu tư.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng đồng tình. Ông cho biết Sở Xây dựng TP đã có thống kê và thấy thời gian ngắn nhất để làm xong thủ tục đầu tư 1 dự án xây dựng là 21 tháng, dài thì lên đến 27 tháng, trung bình là 2 năm. Theo ông, cần ngồi lại để xem từng bước khiếm khuyết chỗ nào để cải tiến, rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư.

Đại biểu Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ thì quan tâm đến thời hạn bảo hành công trình xây dựng. Theo ông thì với thời hạn bảo hành 1 – 2 năm như hiện nay là quá ngắn đối với những công trình quy mô lớn, tuổi thọ dài. Ông đề xuất: “Thời hạn bảo hành ít nhất là phải bằng 1/10 tuổi thọ của công trình”.

Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kiến nghị tăng cường các quy định giám sát chủ đầu tư dự án xây dựng để bảo vệ khách hàng, người sử dụng. Ngoài ra, ông cũng kiến nghị bắt buộc chủ đầu tư, nhà thầu phải mua bảo hiểm công trình để khỏi phải lo lắng chuyện bảo hành khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu để xuất chỉ nên quy định bắt buộc mua bảo hiểm đối với các công trình có quy mô lớn chứ không phải tất cả.

Ông Lê Hoàng Châu cũng đề xuất các dự án xây dựng nhà ở xã hội nếu đã xây theo thiết kế nhà mẫu được duyệt thì không cần phải xin giấy phép xây dựng để giảm 1 bước thủ tục cho nhà đầu tư. Ông Trương Anh Tuấn cũng đồng tình và cho rằng: “Chúng ta đã xác định nhà ở xã hội là loại hình ưu tiên phát triển thì Luật Xây dựng cần có những điều khoản riêng để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội”.

Đoàn công tác giám
sát thực tế công trình xây dựng dự án nhà ở xã hội HQC Plaza
Đoàn công tác giám sát thực tế công trình xây dựng dự án nhà ở xã hội HQC Plaza

Trước đó, trong sáng ngày 31/3, đoàn làm việc gồm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM cũng đã đến giám sát thực tế công trình xây dựng dự án nhà ở xã hội HQC Plaza của công ty CP Địa ốc Hoàng Quân (quận 8, TPHCM). Tại đây, lãnh đạo công ty Hoàng Quân cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Phát biểu kết luận chuyến công tác, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Sở Xây dựng. Ông nhận định có rất nhiều ý kiến hay và thiết thực, đoàn sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp trên cùng những thực tế mà đoàn khảo sát được để có đánh giá chính xác đối với dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.

Tùng Nguyên