1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Lỏng tay” với giáo viên, học sinh đội bảng xếp hạng

(Dân trí) - Có trường ĐH dân lập tuyển sinh 12 ngành nhưng chỉ có 3 giảng viên trình độ thạc sỹ. Có trường đào tạo 800 sinh viên nhưng chỉ 6 giảng viên trong biên chế… Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận “lỏng tay” quản lý các trường CĐ, ĐH ngoài công lập.

Đăng ký 20 tiến sĩ, thực dạy chỉ có 1 thạc sĩ

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) nêu quan điểm về chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng ngoài công lập. Theo ông Dũng, nhiều trường không thực hiện đúng cam kết trong đề án thành lập được duyệt. Nhiều trường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm rất nghèo nàn, không đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đặc biệt, số lượng và trình độ đội ngũ giáo viên cơ hữu không đúng với đề án thành lập.

Ông Dũng nêu nhiều ví dụ các trường vẽ ra dự án đội ngũ giáo viên khác xa thực tế. Có trường đại học dân lập tuyển sinh đào tạo 12 ngành nhưng chỉ có 3 giảng viên có trình độ thạc sỹ. Một trường cao đẳng kỹ thuật khác trình một danh sách nhân lực hoành tráng với gần 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ, 62 cử nhân. Nhưng thực tế, kiểm tra bảng lương tại nhà trường, chỉ vỏn vẹn 18 giảng viên, trong đó duy nhất một người là thạc sĩ.

Đại biểu Dũng bày tỏ băn khoăn, với đội ngũ như vậy, chất lượng đào tạo đến đâu. Có cần thiết lập trường theo phong trào như thế, trách nhiệm của cơ quan quản lý?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn, trong thời gian ngắn vừa qua, số trường cao đẳng, đại học hình thành gần gấp đôi những năm trước. Số lượng lớn các trường ra đời như vậy do nhiều yếu tố. Về nhu cầu xã hội, hiện Việt Nam mới đạt tỷ lệ 190 sinh viên/1 vạn dân, so với Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì chỉ bằng 1/3 - 1/2.

Các trường dân lập khi hình thành đều tuân thủ quy chế của Bộ. Quy trình hoạt động, ngay cả khi đã được cấp phép lập trường mà không đủ giáo viên cũng chưa được tuyển sinh. Tuy vậy, Bộ trưởng Giáo dục cũng thừa nhận thực trạng, có trường đào tạo 800 sinh viên nhưng chỉ có 6 giảng viên trong biên chế. Yêu cầu về tỷ lệ giáo viên như vậy không đảm bảo. Nhiều trường liệt kê tên giáo viên thỉnh giảng rất nhiều nhưng thực tế không tham gia giảng dạy.

Phương án Bộ trưởng Nhân đặt ra là trực tiếp duyệt điều kiện thành lập. Theo đó, số giáo viên cơ hữu phải đảm bảo 60% chứ không chỉ 30% như hiện nay. Ông Nhân cũng cho biết, với các trường mới thành lập, Bộ sẽ kiểm tra 3 năm liên tục việc thực hiện các cam kết đã duyệt.

Thông sang vấn đề chất lượng giáo viên, đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) “mổ xẻ”, số lượng giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn ngày càng tăng, nhưng kết quả giáo dục lại không như mong muốn. Chỉ số giáo dục của Việt Nam đứng thứ 79/129, nhiều học sinh có bằng cấp, nhưng chất lượng không tương xứng.

Không đi trực diện vào câu hỏi của bà Bình, ông Nhân cho rằng, bồi dưỡng giáo viên rất quan trọng. Những ngày này, Bộ và các địa phương đang giới thiệu những điển hình trong giảng dạy. Tại TPHCM có trường hợp giáo viên chỉ dạy môn giáo dục công dân nhưng rất hấp dẫn, thậm chí có học sinh cảm động đã bật khóc. Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh đến việc giáo viên bồi dưỡng lẫn nhau để nâng cao chất lượng.

Phá sản đề án chỗ ở cho 60% sinh viên

Cũng liên quan đến bậc học đại học, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phân tích, chỉ có 20-25% sinh viên đại học, cao đẳng có chỗ ở nội trú, còn lại phải ở ngoại trú. Chi phí cho sinh viên ngoại trú cao hơn sinh viên nội trú mỗi tháng lên tới 400-500 ngàn khiến cho các gia đình hết sức khó khăn. Chưa hết, nhiều chỗ ở ngoại trú có môi trường phức tạp khiến các em từ những học sinh ngoan đã trở thành hư hỏng.

Giải pháp gì để thời gian tới có chỗ ở cho sinh viên là câu hỏi đại biểu Thường đặt ra.

“Lỏng tay” với giáo viên, học sinh đội bảng xếp hạng - 1
 Đại biểu Phạm Xuân Thường đặt vấn đề chỗ ở cho SV ngoại tỉnh. (Ảnh: Lê Anh Tuấn).

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, kí túc xá cho sinh viên là vấn đề bức xúc. Theo ông Nhân, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng chỗ ở cho sinh viên với mục tiêu đáp ứng 60% nhu cầu. Tuy nhiên, cho đến lúc này có thể nhìn nhận, mục tiêu không đạt được. Điều này một phần có trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng cũng có nguyên nhân từ kinh phí.

Ông Nhân nhấn mạnh, không nên để nhà trọ tự phát theo kiểu thế nào cũng ở mà phải có tiêu chí. Hiện tại Bộ Giáo dục đang nghiên cứu để có tiêu chí nhà trọ cho sinh viên.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) lại quan tâm đến giáo dục mầm non. Theo ông Cuông, bậc học này là cái nền, cái gốc của sự học, liên quan đến việc hình thành tư duy, nhân cách nhưng dường như ít nhận được sự quan tâm của Bộ. Trong khi đó, Bộ lại tập trung phát triển khá tràn lan hệ thống trường đại học, cao đẳng, rồi còn chương trình đào tạo cấp tốc 2 vạn tiến sĩ gây xôn xao dư luận.

Ông Cuông “vặn”: “Có phải Bộ GD-ĐT đang làm quy trình ngược, chỉ lo cho phần ngọn mà ít chú ý đến phần gốc của việc đào tạo con người?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải thích, 25 năm tiến hành phổ cập giáo dục tiểu học đã ngốn 32% ngân sách dành cho ngành. Từ năm 2000 tiến hành phổ cập THCS cũng liên tục phải chi hơn 20% ngân sách phân bổ, muốn chi nhiều nữa cho bậc mầm non nhưng không đủ kinh phí.

Đại biểu Cuông tái chất vấn, cho rằng Bộ trưởng chưa đi thẳng vào vấn đề. Nhiều lần ĐBQH kiến nghị đưa bậc học này vào Luật Giáo dục nhưng Bộ trưởng tỏ ra khá thờ ơ với lý do khó cái này cái kia. Xin hỏi thẳng Bộ trưởng có quan tâm, có xem đó là vấn đề quan trọng?

“Xin báo cáo là rất quan tâm. Vì thế, khi về làm Bộ trưởng, tôi đã lập tức đề xuất chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi” - ông Nhân đáp lời ngay. Bộ trưởng GD-ĐT xin được thông cảm về… lộ trình, vì mục tiêu hiện tại chưa phải là bậc học này.

Phương Thảo - Cấn Cường