Lợi dụng xăng tăng giá, “cắt cổ” khách hàng

Giá xăng tăng 800 đồng/lít tất nhiên có tác động đến thị trường. Những mặt hàng, dịch vụ trực tiếp sử dụng xăng dầu chắc chắn tăng giá. Tuy nhiên, còn có một thực tế khác, đó là nhiều kẻ lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hoá dịch vụ, với mức “cắt cổ”.

Từ ngày tăng giá xăng dầu đến nay, hành khách đi các tuyến TPHCM đến các tỉnh đều bị nhà xe lấy tiền thêm từ 3.000 đồng - 5.000 đồng. Họ cho rằng  xăng dầu tăng giá quá cao nên phải lấy tiền khách cao hơn. Hành khách cũng bị tâm lý giá xăng dầu tăng nên dễ dàng chấp nhận.

 

Các loại xe du lịch dịch vụ cũng vậy. Trước đây bao một chuyến TPHCM - Vũng Tàu, giá 600.000 đồng, nay phải trả 800.000 đồng. Hỏi vì sao tăng, câu trả lời cũng là do giá xăng dầu. Xe ôm cũng không thua, tranh thủ thu thêm 20 - 30% so với giá cũ.

 

Nhưng nếu làm một phép tính sẽ thấy là xăng tăng một, nhưng dịch vụ tăng mười. Đơn cử như chặng từ TPHCM đi Long Khánh (Đồng Nai) dài 80km, một xe khách 30 chỗ tiêu thụ hết tối đa 15 lít xăng. Giá xăng tăng 800 đồng/lít, 15 lít chỉ chi phí thêm 12.000 đồng. Nhà xe lại mượn cớ tăng giá xăng dầu, thu thêm ít nhất 2.000 đồng/người, thì cũng được 60.000đồng - vượt xa so với số tiền chi cho tăng giá xăng dầu trên thực tế.

 

Một chuyến xe du lịch thuê bao từ TPHCM đi Vũng Tàu, cả đi và về 240km, mất khoảng 20 lít xăng. Tính theo giá xăng mới thì phải chi thêm tổng cộng 16.000đồng, nhưng chủ xe lại tính thêm với khách khoảng 100.000 đồng/ chuyến.

 

Ngày 6/7, Bến xe Miền Đông (TPHCM) đã tổ chức họp hiệp thương với các doanh nghiệp, đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh khu vực TPHCM về điều chỉnh giá cước vận chuyển hành khách. Các đơn vị thống nhất tăng giá vé từ 7 - 10%. Nếu tính tăng giá vé với tỉ lệ này, hành khách cũng chịu thiệt như đã phân tích ở trên.

 

Tương tự như ngành vận tải, nhiều mặt hàng khác ở chợ như rau dưa, tôm cá và các loại khác, người bán cứ tự nhiên tăng giá, rồi đổ cho xăng dầu lên. Người tiêu dùng cũng tự nhiên chấp nhận, nhưng không mấy ai tính toán để thấy rằng, số tiền mà họ phải bỏ thêm cho cái sự tăng ảo cao hơn nhiều lần, so với mức tăng thật. Vì vậy, khi giá xăng tăng, người dân, viên chức, lao động ngoài việc bị thiệt một lần do hàng hoá tăng giá khách quan (tiền lương, tiền công không thay đổi), họ còn bị thiệt thêm một lần do gian thương lợi dụng tăng giá xăng để... “cắt cổ”.

 

Theo Lê Thanh Phong
Lao Động