Lo ngại ga tàu điện ngầm làm hỏng Hồ Gươm

(Dân trí) - “Đặt ga tàu điện ngầm đặt cạnh Hồ Gươm “như một mũi kim cắm thẳng vào tử huyệt”. Hàng vạn người ra vào không gian Hồ Gươm mỗi ngày biến nơi đây thành một sân ga lộn xộn”, KTS Nguyễn Xuân Anh, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) lo ngại.

Ngày 8/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiếm trúc - văn hóa lịch sử Hồ Gươm. Tại đây, nhiều kiếm trúc sư lo ngại cho việc giữ gìn cảnh quan ở khu vực này một cách thu động của thành phố đang làm “tầm thường hóa” các mô hình khai thác không gian Hồ Gươm và làm lu mờ dấu ấn di sản.

Lu mờ dấu ấn di sản

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng, Hồ Gươm trước hết là biểu tượng của ký ức ngàn năm đô thị, chứng kiến và lưu dấu ấn của cả thời tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc… và toàn bộ lịch sử hiện đại của Thủ đô. Trong suốt chiều dài lịch sử nó luôn là không gian trọng yếu.

Hồ Gươm điểm đến quen thuộc của người Hà Nội cũng như cả nước
Hồ Gươm điểm đến quen thuộc của người Hà Nội cũng như cả nước

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh hiện nay những nỗ lực giữ gìn Hồ Gươm của thành phố Hà Nội mới chỉ dừng lại ở mức thụ động, chứ chưa có những giải pháp cơ bản để ứng phó với những đổi thay, yêu cầu của thời đại. Thực trạng thấy rõ nhất là sự chuyển đổi phương thức giao thông, từ thành phố “trên xe hai bánh” giờ đã tràn ngập ô tô. Còn Hồ Gươm giống như một bùng binh giao thông lớn của những trục đường quan trọng. Nhiều công trình xung quanh hồ bị tách khỏi cảnh quan và không gian công cộng bởi giao thông.

Dải không gian quanh hồ có diện tích hạn chế và bị phân mảnh bởi làn giao thông, không thể đáp ứng tổ chức sự kiện lớn tập trung đông người. Khu vực cạnh phía Bắc hồ vẫn được dùng làm bãi đỗ xe buýt và chỗ đỗ taxi, gây lộn xộn và khói bụi.

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh cũng lo ngại trong tương lai, nếu ga tàu điện ngầm đặt tại đây sẽ “như một mũi kim cắm thẳng vào tử huyệt”. Hàng vạn người bốn phương ra vào không gian Hồ Gươm mỗi ngày sẽ biến nơi đây thành một sân ga lộn xộn.

Ngoài ra, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh cho rằng, các công trình như Hàm cá mập, nhà hàng Thủy Tạ, Long Vân và nhiều nhà ống cao vút đều là các biểu hiện của những ý đồ sử dụng thấp kém đang khai thác trên nền một không gian đắt giá. Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh cũng nhìn nhận, các dấu tích lâu đời của các triều đại xưa xung quanh hồ cũng không còn nhiều, do vậy cần được làm nổi bật.

Phố đi bộ để đánh thức cảm xúc

Đưa ra hàng loạt thách thức lớn, song kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh cho rằng, Hồ Gươm phải thích ứng với những biến động của thời đại để mãi là một di sản sống, một trái tim của Thủ đô. Để làm được điều đó, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh đề nghị biến 3/4 đường phố khu vực quanh Hồ Gươm thành không gian đi bộ. Kế hoạch này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sẽ là cơ hội giao lưu lớn. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh, đây là một chiến lược dài hạn và rất khó khăn vì phương tiện xe máy đang rất nhiều ở khu vực này.

Du khách đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm dịp 10/10/2010
Du khách đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm dịp 10/10/2010

Kiến trúc sư Tô Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội - cho biết, ý tưởng biến hồ Gươm thành khu vực đi bộ đã được nêu ra nhiều. Thực hiện ý tưởng này, Hồ Gươm phải là nơi tập trung các không gian di tích đặc sắc, có nhiều khu mua sắm và được kết nối với hệ thống giao thông ở các khu vực khác. Đặc biệt, nơi đây sẽ không có bệnh viện, trường học, khu nhà cao tầng mà chỉ có các trung tâm mua sắm phục vụ du khách.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, một số di tích như đền Ngọc Sơn, công viên Lý Thái Tổ, khu Tràng Tiền chưa thực sự hấp dẫn. Không gian đô thị Hồ Gươm khá hoàn chỉnh, được kết nối với hệ thống giao thông các vùng khác, nhưng khả năng tiếp cận trong các khu vực khác còn hạn chế, du khách gặp nhiều bất tiện về chỗ gửi xe ô tô, xe máy tại nơi này.

Mặt khác khu vực này đang có nhiều trụ sở cơ quan, ít thuận lợi cho việc tổ chức đi bộ. Do vậy, nếu muốn biến Hồ Gươm thành nơi đi bộ thì sẽ còn rất nhiều việc phải làm, cần lập quy hoạch và thực hiện theo lộ trình từng bước. “Hà Nội sẽ dần trở thành một thành phố đa trung tâm, nhưng không nơi nào sánh được với khu vực Hồ Gươm - nơi có vị trí lịch sử cuốn hút. Vì vậy, việc phát triển không gian đi bộ sẽ phát huy giá trị vốn có của Hồ Gươm”, ông Tuấn nói.

Kiến trúc sư Vũ Hiệp, đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, Hồ Gươm đang thiếu một tuyến đường đi bộ thực sự đẳng cấp, làm hình mẫu cho cả thành phố và là điểm nhấn cho các hoạt động trong khu vực, kiểu như Huchette ở Paris, phố Third ở Los Angeles, phố Malaya Sadovaya ở Saint Petersburg.

Sau quá trình khảo sát, kiến trúc sư Vũ Hiệp đề xuất tổ chức lại đoạn đường cuối phố Đinh Tiên Hoàng thành tuyến đường đi bộ và thiết kế lại cảnh quan cho thật đẹp. Luồng giao thông cơ giới sẽ được đi thẳng ra phố Hàng Dầu và Cầu Gỗ. “Giao thông hồ Gươm cần một khoảng nghỉ, một điểm lặng nhẹ nhàng để suy nghĩ và đánh thức cảm xúc”, kiến trúc sư Vũ Hiệp nói.

Theo kế hoạch từ đầu năm 2013, nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ được đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội) - vị trí sát ngay hồ Gươm. Vị trí nhà ga đặt sát hồ Gươm được cho là sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn di tích quanh hồ như tháp Bút, đền Bà Kiệu, đồng thời tạo điều kiện để hành khách tiếp cận thuận tiện các địa điểm văn hóa, lịch sử khu vực hồ Gươm...

Toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 có tổng chiều dài 11,5km, trong đó có 8,5km ngầm và 3km trên cao. Dự kiến, năm 2017 tuyến sẽ có bốn toa tàu, sau năm 2017 sẽ tăng lên sáu toa, tới năm 2020 tàu sẽ vận chuyển khoảng 535.000 lượt hành khách mỗi ngày.

Tuyến metro số 2 sẽ xuất phát từ Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng qua khu vực phố cổ (Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào) tới phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc ở đường Trần Hưng Đạo.

Quang Phong