Hà Nam:

Lò gạch thủ công vẫn vô tư “hành” dân

(Dân trí) - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trước năm 2010 song đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Duy Tiên (Hà Nam) vẫn tồn tại nhiều lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân.

Lò gạch “hành” dân

 

Theo phản ánh của người dân xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, từ năm 2008 đến nay, cuộc sống vốn bình yên của họ bị đảo lộn, căn bệnh ung thư ngày càng gia tăng đáng báo động.
 
Lò gạch thủ công vẫn vô tư “hành” dân  - 1
Những lò gạch thủ công vẫn còn hoạt động trên địa bàn xã Mộc Bắc

 

Cùng thời gian này, trên địa bàn xã Mộc Bắc, hàng chục lò gạch thủ công đang hoạt động gây ra hiện tượng khói bụi ảnh hưởng đến đời sống an sinh của người dân.

 

Có mặt tại xã Mộc Bắc, theo quan sát của phóng viên, dọc bờ sông Hồng, đoạn chạy qua địa bàn xã Mộc Bắc, hàng chục lò gạch thủ công vẫn đứng sừng sững bất chấp thời gian. Xung quanh là những nương ngô của người dân đang đến kỳ trổ bông. Vào những buồi sáng, mùi than từ các lò gạch tràn xuống khu dân cư, bụi đen bám đầy trên trần nhà. 

 

Ông Trần Mạnh Hùng, thôn Dĩ Phố, xã Mộc Bắc bức xúc: “Gia đình tôi thầu bãi trồng ngô dọc sông. Từ năm 2008, khi các lò gạch thủ công đi vào hoạt động nên mùa nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều vụ ngô mất trắng không có thu hoạch. Các chủ lò gạch có bồi thường nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng không thấy xử lý. Những khi lò hoạt động, mùi than xộc vào không sao chịu đựng nổi”.

 

Trước tình trạng các lò gạch thủ công hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất. Người dân trong xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Duy Tiên. Tuy nhiên cho đến nay các lò gạch thủ công vẫn chưa được dẹp bỏ. Người dân hết sức lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò gạch thủ công.

 

Hiện tại trên địa bàn xã Mộc Bắc còn tồn tại gần 30 lò gạch thủ công với công suất hàng triệu viên/năm. Trong đó tập trung nhiều nhất tại các thôn Hoàn Dương, Yên Hòa.
 
Lò gạch thủ công vẫn vô tư “hành” dân  - 2
Đến bao giờ những lò gạch thủ công như thế này mới được xóa bỏ

 

“Phớt lờ” Quyết định của Thủ tướng

 

Trong Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa việc sự dụng đất canh tác và xây dựng các lò gạch thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn. Từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005 và các khu vực khác trước năm 2010. 

 

Quyết định của Thủ tướng đã rõ, tuy nhiên trên thực tế thì chính quyền, các ngành chức năng huyện Duy Tiên dường như đang “phớt lờ” Quyết định này. Đến thời điểm này, tuy đã gần hết năm 2010, nhưng trên địa bàn huyện Duy Tiên vẫn tồn tại hàng chục lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.

 

Ông Hoàng Đức Cảnh, Bí thủ Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc giải thích: “Theo hợp đồng đã ký thì các lò gạch đang tồn tại trên địa bàn xã đến năm 2011 mới hết. Tất cả những lò gạch trên đã có nghị Quyết của HĐND xã và huyện đã đồng ý. Chúng tôi cũng đã biết Quyết định của Thủ tướng, nhưng đây là tồn tại của những năm về trước. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên tỉnh nhưng tỉnh cũng đã thông cảm để cho địa phương thực hiện hết hợp đồng với các chủ lò gạch. Trước mắt là thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó. Nó cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhưng cái khó là chưa có cơ quan chuyên môn nào vào khẳng định cả”. 

 

Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Văn Liên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Tiên cho biết: “Các lò gạch đang hoạt động trên địa bàn đã được UBND tỉnh cấp phép. Về phía huyện, với trách nhiệm của địa phương, sau khi kiểm tra cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, thẩm định dự án đúng theo quy hoạch được duyệt. Khi xem xét tất cả đều có cam kết về bảo vệ môi trường”. 

 

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét bằng lò thủ công ở ven các đô thị phải thực hiện xong trước năm 2005, còn các khu vực khác là trước năm 2010. Tuy nhiên khi được hỏi thì ông Liên khẳng định: hạn cuối xóa bỏ tất cả các lò gạch là hết năm 2010.

 

Ông Liên cũng công nhận tình trạng sản xuất gạch thủ công trên địa bàn có ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, còn mức độ ảnh hưởng đến năng suất thì chưa thống kê được. Địa phương chỉ là cấp trung gian đứng ra giải quyết và yêu cầu bồi thường cho dân. Trong quá trình sản xuất và lưu thông có gây bụi măc dù các đơn vị đã có biện pháp  như phun nước chống bụi. Trước mắt, địa phương có trách nhiệm theo dõi để có kiến nghị, phản ánh lên trên để có hướng xử lý. 

 

Duy Tuyên