“Lên dây cót” thu hồi tài sản các vụ án lớn, phức tạp

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa lập kế hoạch để thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án lớn, phức tạp liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, Phạm Thanh Bình,…

 


Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình phải nộp 651 triệu án phí và liên đới bồi thường số tiền 542 tỷ đồng nhưng đến nay mới thi hành xong án phí và bồi thường khoảng 1,73 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình phải nộp 651 triệu án phí và liên đới bồi thường số tiền 542 tỷ đồng nhưng đến nay mới thi hành xong án phí và bồi thường khoảng 1,73 tỷ đồng.

 

Triển khai thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giải quyết các vụ việc thi hành án thu hồi tài sản cho Nhà nước, Tổng cục Thi hành án dân sự mới ban hành Kế hoạch số 3790/KH-TCTHADS về việc chỉ đạo giải quyết thi hành án các vụ việc thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Theo đó, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ động kiểm tra, chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành án. Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn khi các Cục Thi hành án dân sự địa phương xin ý kiến, hướng giải quyết nghiệp vụ, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết.

“Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thi hành án, trực tiếp nắm bắt tình hình tại các địa phương. Xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên thiếu tinh thần trách nhiệm, có vi phạm trong việc tổ chức thi hành (nếu có)”- văn bản nêu rõ.

Bên cạnh đó, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao trách nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ thi hành án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chi cục.

Đối với các vụ có giá trị thi hành lớn, phức tạp, tài sản thi hành án ở nhiều địa bàn thì Cục Thi hành án phải rút lên để tổ chức thi hành… Đồng thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự những vụ việc có khó khăn, vướng mắc, những vụ việc phức tạp.

Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, kết quả thu hồi cho trong các vụ án lớn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu do số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản để thi hành án có giá trị rất nhỏ (trường hợp Phạm Thanh Bình - cựu Chủ tịch và Trần Văn Liêm- cựu Tổng giám đốc Vinashin) hoặc không đủ bảo đảm thi hành án (ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, số tiền phải thi hành là gần 14.000 tỷ đồng, nhưng ước tính sơ bộ, tài sản kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án khoảng 500 tỷ đồng).

Vẫn có trường hợp án tuyên không rõ, khó thi hành hoặc khi chuyển giao bản án, cơ quan tòa án không chuyển giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tang, tài vật của vụ việc (ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như).

Có trường hợp, bản án tuyên kê biên tài sản, nhưng tài sản kê biên thuộc diện tài sản chung với người khác (ví dụ như tài sản của Dương Chí Dũng trong vụ Vinalines); tài sản không thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án (ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như - tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền mua tài sản).

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Tổng cục Thi hành án dân sự do cơ chế quản lý tài sản của công dân còn thiếu minh bạch, hiệu quả, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt. Do đó khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân, gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền.

Hành lang pháp lý về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng chưa được cụ thể hóa, hạn chế hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước nói riêng, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung.

“Một số vụ việc, quá trình tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền không kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của đương sự (trường hợp Phạm Thanh Bình trong vụ Vinashin). Một số việc, bản án mới có hiệu lực thi hành, cơ quan thi hành án mới thụ lý ra quyết định thi hành án, mới đang tiến hành các trình tự, thủ tục bước đầu, chưa thu được kết quả (vụ Huỳnh Thị Huyền Như, thụ lý từ tháng 3/2015)”- Tổng cục Thi hành án dân sự trả lời PV Dân trí.

 

Khẩn cấp, kịp thời kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản

Để góp phân nâng cao kết quả, hiệu quả thi hành án các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, Bộ Tư pháp kiến nghị đã kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác thi hành án dân sự như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính, Luật Đấu giá tài sản, để qua đó bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật thi hành án dân sự, nâng cao tính khả thi của các bản án, quyết định, nhất là đối với việc thi hành phần trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự.

Đồng thời đề nghị VKSND Tối cao, TAND Tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tư pháp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự. VKSND Tối cao tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm sát đối với hoạt động thi hành án dân sự; TAND Tối cao quan tâm trả lời, giải thích hoặc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, chỉ đạo TAND các cấp, các thẩm phán tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, trong đó có việc xem xét tính khả thi trước khi phán quyết phần trách nhiệm dân sự.

Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của người phạm tội trong quá trình tiến hành tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra, tránh trường hợp người phạm tội tẩu tán tài sản và đảm bảo khả năng thu hồi được nhiều nhất tài sản sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực và được tổ chức thi hành.

 

Thế Kha