“Lấy phiếu để đánh giá uy tín, bỏ phiếu thể hiện sự bất tín nhiệm”

(Dân trí) - “Quy định bỏ phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp về thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn lấy phiếu là thể hiện sự đánh giá của cử tri đối với những người mình bầu ra nên không chỉ áp dụng với Chính phủ” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.

Đề án bỏ phiếu tín nhiệm đã chính thức trình xin ý kiến Quốc hội. Hiện có nhiều ý kiến băn khoăn, “can gián” ở khía cạnh, phạm vi cán bộ sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, chỉ tính riêng ở “cấp” Quốc hội như dự kiến cũng là quá rộng. Việc lấy phiếu như thế sẽ trở thành dàn trải, hình thức?

Theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 4 cũng như Hiến pháp hiện nay cũng đã quy định là Quốc hội giám sát tất cả các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Luật tổ chức Quốc hội cũng nêu nội dung Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, có loại trừ ai đâu.

Nếu người cán bộ nào đó có vấn đề mà Quốc hội cần xem xét thì đó là việc bỏ phiếu. Còn lấy phiếu tín nhiệm là sự thăm dò, đánh giá của dư luận đối với tín nhiệm của những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc dánh giá của dư luận áp dụng đối với tất cả các chức danh.

Nhưng đúng là bây giờ chúng ta phải khoanh lại phạm vi. Tính tất cả các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn thì tới hơn 400 người. Trong khuôn khổ một kỳ họp, lấy phiếu như thế, đúng là nếu không cẩn thận sẽ dàn trải, hình thức, không tập trung được vào các chức danh có vị trí chủ chốt mà pháp luật đã có những quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ.

Vậy nên bây giờ, dự thảo Nghị quyết mà UB Thường vụ Quốc hội trình đã đưa ra 2 phương án, trong đó, một phương án chỉ đề xuất lấy phiếu với 49 vị trí lãnh đạo chủ chốt thôi, còn lại ủy quyền lại cho Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội tiến hành.
 
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Đề án nhấn mạnh nguyên tắc công khai chỉ số tín nhiệm.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: "Đề án nhấn mạnh nguyên tắc công khai chỉ số tín nhiệm".

Cũng có ý kiến cho rằng nên tách bạch việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Ở Quốc hội chỉ nên thực hiện hoạt động bỏ phiếu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thực ra, quy định về bỏ phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp của ta về thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Điều đó có nghĩa là những người có chuyện này chuyện nọ, dư luận không đồng tình, cử tri phản đối và các đại biểu Quốc hội (ví dụ 20% số đại biểu như quy định) đề nghị, hoặc các UB, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trực tiếp UB Thường vụ Quốc hội thấy rằng người này là cần phải được Quốc hội xem xét về tín nhiệm, tức là bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Được biết, kinh nghiệm ở các nước thường chỉ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm bất thường (bất tín nhiệm) chứ không tổ chức lấy phiếu đống loạt như đề án chúng ta đang xây dựng?

Ở các nước, đề án lấy phiếu tín nhiệm do nhiều tổ chức khác nhau tiến hành, tùy tình hình. Có một tổ chức xã hội cũng có thể lấy phiếu trong dư luận về ông A, ông B nào đó, chứ phải chỉ có nhà nước tổ chức. Nhưng đã đưa ra Quốc hội bỏ phiếu là theo tinh thần bất tín nhiệm.

Nếu tổ chức lấy phiếu chỉ để cho “phải đạo” thì phải chăng, chúng ta nên sửa ngay Hiến pháp, quy định Quốc hội chỉ bỏ phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ để hoạt động này đi vào thực chất?

Đó là đối với các nước có thể chế “tam quyền phân lập” - lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau. Còn ở ta, quyền lực Nhà nước thống nhất, tập trung ở Quốc hội. Quốc hội bầu ra tất cả các chức danh chứ không phải chỉ có cơ quan hành pháp. Trong đó có cả Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, tới đây còn có cả Tổng kiểm toán nhà nước. Rồi các vị trí Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước…  cũng đều do Quốc hội bầu ra để thực hiện chức trách, nhiệm vụ do người dân ủy thác. Vậy nên nếu quy định chỉ bỏ phiếu tín nhiệm với cơ quan hành pháp thì cũng chưa hẳn

Có thể nói đây là sự đánh giá của cử tri, của nhân dân đối với những người mình bầu ra để xem thử những người đó có hoàn thành chức trách nhiệm vụ quyền hạn được giao hay không, chứ không phải chỉ ở khối cơ quan lập pháp hay là hành pháp.

Khi tổ chức lấy phiếu như vậy, kết quả có được hiện thị công khai trên màn hình như khi Quốc hội biểu quyết thông qua luật, Nghị quyết?

Dự thảo Nghị quyết đã nêu rõ việc công khai chỉ số tín nhiệm. Và tôi nghĩ rằng đã công khai trong Quốc hội có nghĩa là cũng công khai cả trên phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân được biết. Lúc đó mới có cơ sở để thực thi bỏ phiếu tín nhiệm. Còn hình thức thể hiện trên bảng, trên màn hình hay phương tiện gì khác không quan trọng.

Vấn đề giữa Đảng và Quốc hội sẽ được xử lý thế nào trong trường đưa một cán bộ lãnh đạo cấp cao nào ra bỏ phiếu tại nghị trường?

Ban tổ chức TƯ hiện đang được xây dựng một đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong đảng và các chức danh khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm mà UB Thường vụ trình lần này. Đây không phải là nghị quyết duy nhất mà tới đây còn có nghị quyết của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng nữa. Nghị quyết này cũng sẽ có hiệu lực từ năm tới để cùng thực hiện đồng bộ với Nghị quyết của Quốc hội.

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

P.Thảo (thực hiện)