Lấy nhau ở tuổi 91

Vượt qua tất cả những dị nghị của dư luận và sự cản trở của con cháu trong gia đình, cuối cùng, dù đã cùng 91 tuổi, cụ bà Bùi Thị Vinh và cụ ông Hà Văn Tới (cùng thuộc xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã có thể sống bên nhau như ước nguyện...

Lấy nhau ở tuổi 91
Vượt qua biết bao gian truân, cuối cùng cụ Vinh và cụ Tới đã có thể vui vẻ sống bên nhau.

Đến xã Phú Phụng, tôi hỏi tìm nhà cụ bà Bùi Thị Vinh, ai cũng lắc đầu. Chợt nhớ cái tên “bà mụ Bảy”, nói cái là ai cũng ồ lên. Hóa ra bà mụ Bảy là một người “nổi tiếng” và quá quen thuộc, thân thiết với bà con ở đây, trước rất lâu chuyện lùm xùm tái giá ở tuổi 91.

Một người trong xã giải thích: Cái tên “bà mụ Bảy” có từ thời trẻ, khi bà Vinh làm “mụ vườn”, đỡ đẻ không công cho những người trong xóm. Không chỉ đỡ đẻ giúp mọi người, bà mụ Bảy còn nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Bởi vậy ngoài người con gái ruột tên là Liên, cụ còn hai người con nuôi khác, tất cả đều có gia đình và cuộc sống riêng, thỉnh thoảng họ mới ghé thăm hỏi và chăm sóc cho cụ.

Tình yêu không có tuổi

Một người dân ở chợ Phú Phong đưa tôi vào tận nhà “vợ chồng bà mụ Bảy”. Trên đường đi, bà kể: Chồng cụ Vinh mất đã 43 năm, phải sống trong cô đơn, thiếu vắng người bầu bạn tâm sự. Còn cụ ông Hà Văn Tới (tên thường gọi là Út Mười) có đến 8 người con, hầu hết được cụ Vinh đỡ đẻ. Nhờ ân tình đó và do cả hai gia đình vốn là những con chiên ngoan đạo, thường xuyên gặp nhau trong những lần đi lễ nhà thờ, nên từ mấy chục năm bà mụ Bảy và vợ chồng ông Út Mười thân thiết như ruột thịt.

Chuyện đến đây thì chân chúng tôi đã chạm sân ngôi nhà nhỏ, thấp, vách tường, mái tôn đã cũ, trong khoảnh đất hẹp nằm cặp dưới chân cầu Phú Phụng. Cửa rào không đóng, bên trong nhà hai cụ đang ngồi ở bàn giữa, và đang chuyện gì đó rất vui vẻ. Trên hai gương mặt già nua phủ đầy nếp nhăn và đồi mồi ấy, tôi có thể nhận ra ánh lấp lánh hạnh phúc. Bây giờ thì tôi mới thấu hiểu thế nào là “tình yêu không có tuổi”.

Đã ở tuổi “cửu thập”, dáng đi có phần lụm khụm, nhưng giọng nói của hai cụ nghe vẫn còn rất rõ, khỏe khoắn. Cụ Tới làm cử chỉ xấu hổ khi nghe tôi hỏi về tình yêu của mình với cụ Vinh, rồi kể: “Chuyện xảy ra từ cách đây gần 1 năm, sau khi tui mãn tang vợ. Thời điểm đó buồn quá nên ngày nào cũng đi nhà thờ và gặp dịp bà ấy cũng thường xuyên đi lễ”. Sau thời gian gần gũi, họ đi đến quyết định đến nhà thờ Phú Phụng để xin cha xứ làm phép. Thế nhưng...

Suýt… tự tử vì bị ngăn cản

Ngày đôi bạn già dắt nhau ra nhà thờ, người con gái ruột của cụ Vinh đã đến phản đối kịch liệt, ngăn cản không cho hai người làm lễ kết hôn. Chị này còn mắng cụ Tới đủ điều và cho rằng cụ đến với cụ Vinh chẳng qua là có ý đồ về tài sản (cụ Vinh có số tiền mặt khoảng 200 triệu đồng đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng và đứng tên sở hữu nhà cửa, đất đai). Cụ Tới chỉ biết lặng lẽ ra về.

Lấy nhau ở tuổi 91 - 2

Căn nhà cụ Vinh – nơi hai cụ đang chung sống với nhau.

Hơn 90 tuổi đời, lại bị đứa con gái của người mình thương “xúc phạm”, nỗi đau đó thật quá sức chịu đựng đối với cụ! Cụ Vinh còn đau buồn hơn. “Sau đận đó, tôi từng có ý định ra nhà thờ xin rửa tội để... tự tử vì không chịu được buồn và giận các con không hiểu, thông cảm cho mình” - cụ cười móm mém. Có hôm vì giận các con, cụ Vinh đã khóa kín cửa nhà, ai gọi cũng không lên tiếng. Tưởng cụ bỏ đi đâu, mọi người hoảng sợ chạy đi tìm kiếm khắp nơi. “Toàn bộ tài sản tui đều viết sẵn trong di chúc sẽ để lại cho đứa con gái ruột của mình, làm sao có chuyện ổng đến với tui là để dòm ngó tài sản. Vậy mà nó cứ...” - cụ Vinh kể.

Cũng từ hôm ấy, mối quan hệ thân thiết bao năm giữa hai gia đình bị rạn nứt. Những người con của cụ Tới cũng bắt đầu phản đối chuyện hai cụ đến với nhau, thậm chí đôi bên còn cản trở không cho họ tiếp xúc với người ngoài. Từ hôm xảy ra chuyện đau lòng tại nhà thờ, cụ Tới không còn đến nhà cụ Vinh nữa. Thỉnh thoảng, khi nhớ đến cụ Tới, cụ Vinh lại ghé nhà chơi. Ngoài những lời thăm hỏi, họ chỉ biết gửi gắm nỗi lòng qua ánh mắt.

Đau lòng vì bị con cái ngăn cản đã đành, đôi bạn già lại phải chịu thêm gièm pha của xóm giềng, làng nước. Mấy đứa cháu của cụ Tới mỗi lần đi học thường bị bạn bè chọc ghẹo: “Ê, nghe nói mày có bà nội mới hả?”. Mấy người con của cụ cũng bị người đời móc méo: “Má mới của mày đâu rồi?”. Nhiều người ác khẩu còn lên tiếng: “Ổng với bả già quá rồi, còn “mần ăn” gì được nữa mà bày đặt !”...

Cụ Vinh cười: “Nói thiệt, bao năm nay tui chỉ sống có một mình, những khi đau yếu, bệnh hoạn còn không có ai hay biết, thì nói gì đến được chăm sóc. Tui chỉ mong muốn có được người bạn để tâm sự, chia sẻ với nhau những tháng ngày còn lại mà thôi. Nhưng chuyện nói ra không ai tin, không ai hiểu...”.

Chỉ có cái chết mới chia lìa...

Bằng tất cả tình thương dành cho nhau, hai cụ đã quyết tâm vượt qua những dị nghị, đàm tiếu của dư luận cũng như sự ngăn cản của con cái trong gia đình. Cụ Tới kể cách mình vượt qua: “Những lúc rảnh rỗi, tui thường giải thích với mấy đứa nhỏ, rằng bà Vinh là người ơn của gia đình mình vì đã đỡ đẻ cho các con. Cha đến với bả, ngoài việc hai người có tình cảm với nhau còn là để chia sẻ với nhau những gánh nặng lúc tuổi đã xế chiều, nên các con phải hiểu...”.

Cứ thế, cụ nói riết ngày này sang ngày khác, cho đến lúc các con cụ đồng ý mới thôi! Và chính anh con trai của cụ Tới đã chở cha tới nhà cụ Vinh để... làm lành. Đến lúc này thì hai cụ... không thèm đi đăng ký kết hôn, làm lễ nhà thờ nữa mà về sống với nhau luôn.

Cụ Tới giải thích: “Do không thể tự dưng về sống với nhau, nên lúc đầu tụi tui muốn đi đăng ký kết hôn và ra nhà thờ làm lễ cho đàng hoàng. Bây giờ, sau những chuyện đã xảy ra, tui với bả thấy không cần thiết phải làm vậy nữa. Tui và bả chắc chẳng còn sống được với nhau lâu nữa, nên việc quan trọng nhất bây giờ là sống vui vẻ. Thêm nữa, bà con hàng xóm bây giờ hiểu chuyện tụi tui, họ cũng đồng tình lắm”. Cụ Vinh tiếp lời: “Tháng trước tui vừa đau một trận thập tử nhất sinh, cũng may mà có ổng chăm sóc. Mỗi lúc nhìn thấy ổng bên cạnh là tui vui rồi. Chỉ có người già tụi tui mới hiểu được nhau...”.

“Một ngày của hai cụ bây giờ thế nào?” - tôi tò mò trước khi chia tay. Cụ Tới cười, nhìn qua cụ Vinh: “Thì tui đảm trách việc ra vườn làm cỏ, dọn dẹp nhà cửa, còn bả chuyên lo chuyện bếp núc... Thỉnh thoảng tui trở về nhà cũ xem chừng chuyện gia đình rồi quay trở lại. Chủ nhật đến, tui và bả lại đến nhà thờ cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho nhau và cho gia đình... Chỉ vậy thôi”.

Việc hai cụ về sống với nhau cũng được chính quyền địa phương ủng hộ và chia sẻ. Ông Đinh Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Phú Phụng - nói: “Việc cụ Vinh và cụ Tới đến với nhau là hoàn toàn hợp pháp và là một hiện tượng xã hội bình thường. Tuổi già, lại sống trong cô độc, nên họ rất cần có người bầu bạn, hủ hỉ với nhau qua những tháng ngày còn lại. Đó là điều dư luận không nên dị nghị mà cần phải nhìn nhận bằng sự trân trọng, đáng quý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động con cháu trong gia đình cố gắng tạo điều kiện cũng như chăm lo để cuộc sống của hai cụ thật tốt”.
 
Theo Trần Lưu
Lao động