An Giang:

Lập tổ xử lý nợ vụ đại gia thủy sản ôm tiền tỷ đi nước ngoài rồi biệt tích

(Dân trí) - Liên quan đến việc Tổng giám đốc công ty TNHH SX,TM và DV Thuận An (Tafishco) ôm tiền tỷ của nông dân nuôi cá tra đi nước ngoài nhiều tháng không về, mới đây, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo thành lập Tổ xử lý nợ đối với doanh nghiệp này.

Trước đơn kêu cứu của nông dân về việc Tổng giám đốc công ty Thuận An “ôm” hơn 80 tỷ đồng của nhiều hộ nuôi cá tra trong “chuỗi liên kết” với công ty bỏ đi biệt tích, ngày 10/2, UBND tỉnh An Giang đã có thông tin gửi các cơ quan báo chí về vụ việc.

Cụ thể, theo thông báo này, 29/10/2016, ông Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Thuận An và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh – Tổng Giám đốc Cty (ông Sơn và bà Trinh là vợ chồng) đi Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá nhưng đến nay chưa về Việt Nam. Việc tham dự hội chợ này là theo chương trình xúc tiến thương mại của công ty, cơ quan chức năng đang xác minh sự vắng mặt của người đại diện pháp luật công ty.

Để thực hiện dự án chuỗi liên kết dọc, Công ty Thuận An đã vay ngân hàng Argibank An Giang trên 600 tỷ đồng
Để thực hiện dự án chuỗi liên kết dọc, Công ty Thuận An đã vay ngân hàng Argibank An Giang trên 600 tỷ đồng

Từ khi ông Sơn và bà Trinh vắng mặt, ông Hoàng Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Cty đã điều hành hoạt động của Cty theo giấy ủy quyền. Hiện nay, Công ty Thuận An nhận gia công cho Cty cổ phần Vĩnh Hoàn là chính để trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động của công ty.

Báo cáo gửi đến các cơ quan báo chí nêu rõ: Các hộ dân vay vốn từ Agribank An Giang và bán cá cho Cty Thuận An có 2 dạng. Một dạng thuộc dự án chuỗi và một dạng ngoài dự án chuỗi. Đối với hộ dân nuôi cá trong chuỗi, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Tổ xử lý nợ của dự án này. Thành phần Tổ xử lý bao gồm Sở Công Thương, Sở NNPTNT, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Agribank An Giang và một số đơn vị có liên quan. Tổ xử lý nợ này sẽ có nhiệm vụ xây dựng phương án thu hồi nợ dự án chuỗi và xem xét xử lý từng hộ dân thuộc dự án.


Việc Tổng Giám đốc Công ty Thuận An đi nước ngoài đến nay chưa về đã đẩy nông dân nuôi cá tra vào cảnh nợ nần, cuộc sống vô cùng khó khăn

Việc Tổng Giám đốc Công ty Thuận An đi nước ngoài đến nay chưa về đã đẩy nông dân nuôi cá tra vào cảnh nợ nần, cuộc sống vô cùng khó khăn

Như Dân trí đã thông tin, từ 2014, được sự chấp thuận chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Cty Thuận An đã triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra”. Dự án này có sự tham gia giữa 3 bên gồm: Cty Thuận An, Ngân hàng NNPTNT An Giang và các hộ nuôi cá tra. Trong đó, người nuôi được vay vốn từ Argibank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được Argibank trả tiền thay… Cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán “độc quyền” cho Cty Thuận An, sau đó Cty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng đã trả trước đó.

Trong khoảng 2 năm đầu, bà con nuôi cá rất phấn khởi, vì dự án đã tạo đầu ra hiệu quả, nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho người nuôi cá tra. Tuy nhiên, từ tháng 11/2016, lãnh đạo Cty Thuận An bất ngờ đi “công tác nước ngoài”, sau đó không trở về khiến các hộ nuôi cá lâm vào cảnh điêu đứng.

Vụ việc diễn ra bức xúc đến nỗi, các hộ nuôi cá đã gửi đơn tố cáo đên các cơ quan Trung ương nhờ can thiệp. Hiện tại, có 12 hộ nuôi cá trong dự án nợ ngân hàng tổng số tiền 129 tỷ đồng…

Được biết, dự án đầu tư chuỗi liên kết dọc cá tra do Cty Thuận An thực hiện gồm 2 giai đoạn với tổng diện tích mặt nước thực hiện dự án là 113,5 ha, Cty Thuận An sẽ vay vốn trên 650 tỷ đồng từ Argibank An Giang để thực hiện dự án…

Nguyễn Hành