TPHCM:

Lập đường dây nóng xử lý hành vi chiếu tia laser vào tàu bay

(Dân trí) - Đường dây nóng sẽ giúp Cảng vụ Hàng không miền Nam trao đổi thông tin với công an địa phương để xử lý nhanh các hành vi chiếu đèn laser vào tàu bay sau khi nhận thông tin phản ánh từ phi công.

Chiều 23/8, Cảng vụ hàng không miền Nam tổ chức hội nghị trao đổi về công tác phối hợp đảm bảo an toàn bay với các cơ quan chức năng của TPHCM và tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn các hành vi chiếu tia laser vào tàu bay.

Chiếu tia laser vào buồng lái khiến phi công có thể mất kiểm soát bay tạm thời (ảnh minh họa)
Chiếu tia laser vào buồng lái khiến phi công có thể mất kiểm soát bay tạm thời (ảnh minh họa)

Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, thời gian qua, phi công của một số hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines… phản ánh xuất hiện tình trạng chiếu tia laser vào buồng lái khi tàu bay đang hạ/cất cánh làm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cụ thể, năm 2014 có 15 vụ, năm 2015 có 11 vụ, từ đầu năm 2016 đến nay có 12 vụ.

Hầu hết các trường hợp chiếu đèn laser xảy ra ở 2 đầu đường hạ/cất cánh Tân Sơn Nhất thuộc địa bàn 6 quận (Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp) của TP HCM, từ 19h30 đến khuya.

Đặc biệt, một số phi công hãng hàng không nước ngoài còn phản ánh khi tàu bay hạ thấp độ cao khoảng 1.300 m để vào khu vực phễu bay tiếp cận đường cất/hạ cánh Tân Sơn Nhất thì bị đèn laser chiếu vào buồng lái phi công. Vị trí bị chiếu laser cách đầu đường cất/hạ cánh 25R khoảng 40-45 km, có thể nằm ở địa phận Bình Dương, Đồng Nai.

Ngoài ra, phi công còn phản ánh về trường hợp người dân thả diều (4 trường hợp), dự án chung cư cao tầng có cần cẩu vi phạm tĩnh không (1 trường hợp), sử dụng tàu bay mô hình ở độ cao khoảng 120 m (1 trường hợp).

Tại buổi họp, đại diện quận Thủ Đức cho biết xác định công tác đảm bảo an toàn bay là cực kỳ quan trọng nên đã triển khai một số biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn hành vi chiếu đèn laser vào tàu bay. Đối với các địa phương nằm trên khu vực đường cất/hạ cánh, quận đã lắp biển cảnh báo cấm thả diều, chiếu đèn laser. Ngoài ra các hoạt động văn hóa cũng không được chiếu đèn công suất lớn.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu thì phần lớn các vụ chiếu đèn laser vào tàu bay là do người dân vô tình chứ không cố ý. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền ở trường học, khu dân cư để người dân hiểu những nguy hiểm khi chiếu đèn laser lên không trung gây uy hiếp an toàn bay.

Biển cấm thả diều, chiếu đèn laser tại quận Thủ Đức
Biển cấm thả diều, chiếu đèn laser tại quận Thủ Đức

Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, 18 năm trước xảy ra tình trạng thả diều làm uy hiếp an toàn bay. Song, qua các đợt tuyên truyền thì đến nay hầu như không còn tình trạng thả diều gây uy hiếp an toàn bay. Vì vậy, để ngăn chặn hành vi chiếu đèn laser uy hiếp an toàn bay thì công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng. Cảng vụ Hàng không miền Nam sẽ tiếp thu các ý kiến và triển khai sâu, rộng.

Ông Mậu cho biết thêm, đơn vị sẽ sử dụng bản đồ tĩnh không để phát đến địa bàn các địa phương nằm trên khu vực đường cất/hạ cánh. Đồng thời, lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin trao đổi giữa Cảng vụ hàng không miền Nam với công an các địa phương. Khi phi công báo có tình trạng chiếu đèn laser và cung cấp tọa độ chính xác, Cảng vụ Hàng không miền Nam sẽ báo cho công an địa phương để nhanh chóng đến ghi nhận hiện trường và có biện pháp xử lý.

Quốc Anh