Lao động ĐBSCL dồi dào nhưng thiếu chuyên môn

(Dân trí)- UBND TP Cần Thơ, báo Tuổi trẻ và trường Đại học Tây Đô vừa tổ chức hội thảo tìm giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL tầm nhìn đến 2020.

Hơn 100 đại biểu từ các trường Đại học với 40 bản tham luận tại hội thảo đều đưa ra ý kiến ĐBSCL vẫn là vùng lao động dồi dào nhưng thiếu chuyên môn.

 

Nhiều tham luận đưa ra nhận xét chung: Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 85,6%, nhiều tỉnh chiếm hơn 90% như Đồng Tháp, kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… trong khi đó tỷ lệ chung cả nước là 74,6%.

 

Theo tiến sĩ Trần Thanh Mẫn, UVTƯĐ, Bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch UBND TP Cần Thơ: ĐBSCL có 18 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 10,3 triệu, nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động thấp.

 

Tiến sĩ Đặng Danh Lợi trường Đại học An ninh Nhân dân TPHCM trong tham luận của mình nêu rõ: ĐBSCL hiện có 45,1% số người từ 15 tuổi trở lên ở nông thôn không hoàn thành cấp học nào, 32,8% tốt nghiệp tiểu học, 13,51% có bằng THCS và 5,43% tốt nghiệp PTTH chỉ có 4% dân số ở độ tuồi 20 đến 24 tuổi là sinh viên đại học hoặc sau đại học.

 

ĐBSCL hiện có 11 trường đại học, 1 phân hiệu đại học, 27 trường cao đẳng, 35 trường trung học chuyên nghiệp. tuy nhiên cơ cấu số sinh viên ở các ngành học không cân đối. Ở bậc đại học 69744 sinh viên, số theo học ngành Nông- lâm ngư nghiệp chỉ 10,1%, ở bậc cao đẳng tỷ lệ này là 4,7%; chỉ 5% sinh viên theo học ngành y.

 

Tình trạng sinh viên không tìm được nghề đúng với chuyên môn đào tạo ra trường là phổ biến. Điều đó nói rằng sự gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực giữa các trường, các cơ sở đào tạo nhân lực và những nơi sử dụng lao động chưa đồng bộ.

 

Tại hội thảo các nhà khoa học thống nhất nhận định rằng giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng theo nhu cầu xã hội cho ĐBSCL là cấp bách và có ý nghĩa chiến lược để thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế xã hội cho vùng.

 

PV