Lãnh đạo Sở “ngại” xuống cơ sở quá!

(Dân trí) - “Thắc mắc” này được Bí thư huyện ủy Sóc Sơn Trần Đức Hoàn nêu ra trực tiếp với các lãnh đạo sở, lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ông Hoàn thẳng thắn cho rằng, số Giám đốc Sở xuống huyện của ông chỉ… đếm trên đầu ngón tay.

Ý kiến phát biểu thẳng thắn của ông Hoàn đã nhận được nhiều chia sẻ trong buổi thảo luận tại BCH Đảng bộ TP Hà Nội, ngày 9/7.

Sao GĐ Sở không xuống được một lần?

“Ở huyện sướng nhất là các đồng chí lãnh đạo sở ngành về kiểm tra giúp đỡ”, ông Trần Đức Hoàn, Bí thư huyện Sóc Sơn mở đầu phát biểu góp ý với báo cáo kiểm điểm công tác nửa nhiệm kì của BCH Đảng bộ TP. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, điều đáng buồn là các Giám đốc sở đến với huyện ông lại rất ít ỏi.

“Chúng ta vẫn nói chung chung là xử lí tại chỗ, trực tiếp, vậy vấn đề là ai xử lí. Các đồng chí cứ nói chuyên viên về giải quyết một buổi sáng là xong, nhưng xong sao được. Tôi làm Chủ tịch huyện 10 năm giờ lại sang làm Bí thư, liệu có phải đến khi tôi về hưu các Giám đốc sở mới xuống”, ông Hoàn thẳng thắn.

Vị Bí thư này “băn khoăn”, cả thành phố có 14 quận, huyện tại sao Giám đốc sở không xuống được một lần. “Hiện nay yếu là ở quận, kém là ở xã mà không giúp đỡ chúng tôi thì cứ nói là tháo gỡ, nhưng tháo gỡ được cái gì”, ông Hoàn tiếp tục bày tỏ.

Về bộ máy nhân sự của Hà Nội mở rộng, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cho biết, càng vị trí quan trọng, càng phải làm dân chủ.

 

Cũng theo ông Nghị, BCH Đảng bộ của Hà Nội mới sẽ sớm được công bố trong một ngày gần đây…

 

Bí thư Thành uỷ quán triệt, không để công việc tới đây bị gián đoạn, bởi việc sắp xếp, bố trí cán bộ. Chưa hết, hiện tại đang là lúc nhiều việc nên cán bộ không thể thờ ơ, đủng đỉnh mà phải chọn những việc nổi cộm, bức thiết nhất để giải quyết.

Lãnh đạo “ngại” xuống cơ sở, trong khi thái độ ứng xử của chuyên viên cũng chưa ổn. Theo ông Hoàn, ông thấy rất “lạ” với việc, khi lãnh đạo huyện lên thành phố gặp chuyên viên lại khó hơn rất nhiều so với gặp lãnh đạo sở.

Rất nhiều lãnh đạo sở có mặt tại buổi thảo luận, nhưng không có Giám đốc nào “hồi âm” các ý kiến của ông Hoàn.

Chuyển sang việc phân loại, xếp loại đảng viên ông Hoàn cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng thành tích, chưa thực chất. Thêm nữa, trong sử dụng cán bộ, người làm được việc, nhiều khi không được sử dụng, người không làm được, nhưng không đơn thư có khi lại được cho lên cao hơn. Thậm chí, có nơi còn có trường hợp, người hay nói được xếp “ngồi một chỗ” để không nói nữa.

Phát biểu sau đó, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Công Soái chia sẻ với các phát biểu thẳng thắn, đồng thời khuyến khích các uỷ viên dám nói. Ông Soái cũng bổ sung thêm, trong giải quyết công việc, nhiều khi lãnh đạo thành phố, sở rất thông thoáng, nhưng chuyên viên lại… o bế.

Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, tầng nấc bên dưới nhiều khi còn làm việc theo lề lối cũ. Ông Nghị cho rằng, thủ trưởng tốt, nhưng chuyên viên bên dưới chưa tốt thì thủ trưởng muốn kí nhanh, muốn làm nhanh cũng không được.

“Tiếp xúc với thủ trưởng nhanh nhưng khi thủ trưởng chuyển giao cho cấp dưới lại chậm như cũ là không thể chấp nhận”, ông Nghị nhấn mạnh.

“Ai mà không sốt ruột?”

Ông Trần Huy Sáng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ góp ý, có một vấn đề báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ TP chưa đề cập cụ thể, nhưng hiện đang hết sức nóng bỏng là công tác giải phóng mặt bằng. Hiện tại có rất nhiều những công trình chậm tiến độ vì GPMB, thậm chí có những công trình giá thành đã gấp dự toán ban đầu đến chục lần.

Theo ông Sáng có đến 80 - 90% các kiến nghị của cử tri trong các cuộc tiếp xúc cử tri của 4 cấp liên quan đến vấn đề GPMB; 60 - 70% công sức của bộ máy quận, huyện tập trung vào vấn đề này nên TP cần nhìn nhận đúng mức.

Cũng liên quan đến GPMB, ông Trần Đức Hoàn bổ sung, hiện đang có những biểu hiện né tránh. Nhiều nơi vin vào việc gần đến ngày 1/5, ngày 2/9 rồi sắp tết, sắp đại hội… nên “tạm hoãn” và cứ như vậy, một năm nhanh chóng đi qua. Trên chỉ đạo quyết liệt nhưng bên dưới cứ e ngại như vậy khiến công việc trì trệ.

Lãnh đạo Sở “ngại” xuống cơ sở quá! - 1
Ông Trần Văn Thanh: "Các dự án trong các khu đô thị đã bán hết nhà, còn hạ tầng thì vứt lại cho chúng ta". (Ảnh: MC).
 
Bí thư quận Long Biên, Trần Văn Thanh đề cao sự quyết tâm trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại. Ông đưa lại dẫn chứng về xử lí nhà sai phép, không phép lúc đầu nhiều người còn nghi ngờ, nhưng sau khi xử lí kiên quyết đã tác động đến bộ máy từ thành phố xuống cơ sở, đặc biệt là tác động đến người dân.
 
Dẫn chứng ngay tại quận Long Biên, tỉ lệ xây nhà có phép 6 tháng qua đã đạt 90 - 92% trong khi tỉ lệ lúc mới thành lập quận chỉ đạt 10%. Ông Thanh cũng đề xuất, thành phố phải kiểm tra xem, quận huyện, sở ngành nào chưa chưa xây dựng được qui chế liên thông trong giải quyết công việc.

Đặc biệt, ông đề nghị thành phố tổng kiểm tra các khu đô thị mới. “Các dự án đã bán hết nhà, đã chia hết còn hạ tầng trường học, bệnh viện vứt lại cho chúng ta, ai mà không sốt ruột”, ông Thanh bức xúc.

Một dự án làm nhà ở tại quận Long Biên cũng được vị Bí thư quận này “bận tâm” là dự án làm nhà trên đất của một nhà máy mỳ trước đây ở Sài Đồng. Nhà đã làm xong từ lâu, người chưa đến ở, nhưng đã có “tên” hết và hệ luỵ của điều này theo ông là “ai tin chúng ta”.

Cấn Cường