“Làng thắt cổ” - Thực hư những tin đồn

(Dân trí) - Gần đây, dư luận huyện Yên Thành (Nghệ An) xôn xao bàn tán về làng Xuân Đào ở xã Hồng Thành có rất nhiều người thắt cổ tự tử. Họ gọi tên là “làng thắt cổ” và thêu dệt những chuyện ma quỷ rùng rợn khiến nhân dân hoang mang, lo sợ.

Về Xuân Đào nghe chuyện thắt cổ

 

Làng Xuân Đào như một miếng lá lách khổng lồ ép vào thành ruột là đường huyện lộ 533 nằm cuối huyện Yên Thành. Hai bên đường khá nhiều quán xá và nhà cao tầng nhưng càng đi sâu vào làng càng thấy nhà cửa và cuộc sống của người dân còn nghèo, bình dị và đơn sơ.

 

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những tin đồn ma quỷ, dân làng kéo đến rất đông. Một ông lão ngoài 70 tuổi kể: “Làng Xuân Đào có từ lâu rồi, trước đây làng yên bình lắm nhưng khoảng hai chục năm trở lại nay có rất nhiều người chết vì ung thư và tự tử, đặc biệt là tự tử. Mười năm trở lại đây trung bình 1 năm có 1 người chết vì thắt cổ tự tử. Có ngày trong làng chết 4 người”.

 

Lão xoè tay nhẩm tính: “Ông Thành, anh Vị, ông Thám, ông Hoan, anh Thành, cháu Tương, cháu Khôi, cháu Chiến… đều chết vì thắt cổ. Mà lý do để thắt cổ chẳng có chuyện chi to tát cả. Toàn những cái chết oan uổng…”.

 

Nhiều cái chết tự tử diễn ra liền kề nhau khiến người làng cho rằng đó là do ma quỷ. Kẻ thì đồn rằng ngày xưa có một người đàn bà treo cổ tự tử trên cây nhãn đầu làng, trước lúc chết bà ta nguyền sau này sẽ về bắt cả làng. Và lời nguyền ứng nghiệm.

 

Các cụ già thì cho rằng làng Xuân Đào trước đây có một quần thể đình chùa miếu mạo rất đồ sộ và cổ kính, đặc biệt là chùa Lạc Thiện với những kiến trúc độc đáo vào loại bậc nhất vùng bắc Nghệ An; nhưng do biến thiên của lịch sử, quần thể đình chùa miếu mạo bị phá tanh bành. Tượng chùa bị người ta bê ra giữa đồng, cột chùa dùng làm cầu… Thế nên thần thánh về quở phạt.

 

Những tin đồn trên được dân làng thêu dệt rồi theo tính dị bản của dân gian, truyền đi khắp huyện. Họ thêu dệt lên đến con số 40 người tự tử trong vòng hai mươi năm, nghe vô cùng rùng rợn và hãi hùng!

 

Sự thật và nguyên nhân

 

Chúng tôi trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Trọng Huy, xóm trưởng, và được ông này cho biết: “Khoảng vài chục năm trở lại đây đúng là có nhiều người chết vì ung thư và thắt cổ tự tử làm cho dân làng hoang mang; nhưng chết vì tự tử thì chỉ có 8 người trong vòng 8 năm gần đây, chứ không nhiều như người ta đồn đại. Năm 2000 là năm chết nhiều nhất, có ngày đầu tháng giêng chết 4 người, trong đó 3 người thắt cổ tự tử, một người chết vì ung thư.

 

Ba người tự tử đó, một người thì đã 70 tuổi, già yếu, không biết lý do gì cả; một người trên 30 tuổi, có vợ và 4 con, do bức xúc chuyện gia đình nên thắt cổ chết; một người có biểu hiện của bệnh tâm thần. Mấy năm gần đây, đối tượng tự tử phần lớn tuổi đời còn rất trẻ. Lý do thì nhạt nhẽo, chỉ vì bức xúc bị người khác không hiểu mình, đổ oan cho mình mà đang tâm tước đi mạng sống của mình. Thật là oan uổng”.

 

Chúng tôi vào thăm những hộ gia đình có người thân tự tử. Không ai muốn nhắc lại việc đau lòng đó.

 

Về nguyên nhân xảy ra nhiều cái chết, đặc biệt là thắt cổ tự tử, ở làng Xuân Đào, ông Phùng Thái An, nguyên là Chủ tịch xã Phú Thành (xã Hồng Thành mới tách ra từ xã Phú Thành), nói: “Chết vì ung thư thì trong thời đại công nghiệp này, ô nhiễm nguồn nước và nhiều thứ khác, thì rất nhiều làng bị chứ không riêng gì làng Xuân Đào. Còn hiện tượng thắt cổ thì nó tổng hoà nhiều nguyên nhân chứ không phải một nguyên nhân riêng rẽ nào. Ví dụ do tâm lý không ổn định, áp lực thi cử và do môi trường giáo dục… Chẳng hạn như thi trượt, mặc cảm với bạn bè, sợ bố mẹ mắng; bức xúc vì người khác không hiểu mình về một vấn đề gì đó…

 

Ở Làng Xuân Đào có tỉ lệ người thắt cổ nhiều đáng báo động. Theo tôi  không được để nó thành “dớp”, cứ bế tắc trong cuộc sống là nghĩ đến chuyện tự tử. Cần phải phê phán những cái chết “lãng xẹt” như thế. Cần phải tuyên truyền vận động bà con dẹp những tin đồn ma quỷ nhảm nhí . Trong các gia đình cũng cần phải tư vấn về tâm lý để có biện pháp giáo dục con cái biết vượt qua thất bại và những khó khăn trong cuộc sống. Đã đến lúc các trường học phổ thông cần có chuyên gia về tâm lý để ngăn chặn những kiểu tự tử như vậy từ trong trứng nước”.

 

Hiện nay, không riêng gì làng Xuân Đào, mà ở rất nhiều nơi khác, tình trạng tự tìm đến cái chết, nhất là ở thanh thiếu niên, đã trở nên đáng báo động.

 

Nicolas Bosc, thạc sĩ tâm lý, chuyên gia tư vấn của website Tuvantamly.com.vn cho biết: “Ở Pháp chúng tôi tổ chức cả ngày phòng chống tự tử. Trong ngày này, các chuyên gia sẽ tới cả trường học để tư vấn cho học sinh và hướng dẫn cho giáo viên cách nhận biết và ngăn chặn tình trạng tự tử trong thanh thiếu niên. Tôi nghĩ đây là một hoạt động cần thiết để giúp học sinh cách đối diện với khó khăn và vượt qua những thất bại trong cuộc sống.

 

Một vấn đề của người Việt Nam là dường như các bạn ngại ngùng khi tìm đến bác sĩ tâm lý. Mọi người cho rằng chắc phải tâm thần mới điều trị. Đó là một quan niệm sai lầm. Bạn thấy stress cũng có thể tìm bác sĩ tâm lý, cần một lời động viên, chia sẻ cũng có thể tìm bác sĩ tâm lý. Ở phương Tây, việc này là bình thường. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt hệ thống trung tâm và các nhà tư vấn chuyên môn là vấn đề cần lưu ý. Tuy nhiên trong  trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là ở nông thôn, có thể tận dụng các ngôi chùa thanh tịnh là nơi để người dân tĩnh tâm và trò chuyện với các nhà sư để tìm sự yên bình, thanh thản trong tâm hồn”. (Nguồn: VNN)

 

Tiến Dũng