1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lặng lẽ làng phong ngày cuối năm

(Dân trí) - Những ngày này, người dân trên mọi miền đất nước đang hối hả chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. Nhưng tại làng Vân phong cùi (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhịp sống vẫn yên tĩnh không khác ngày thường...

Làng Vân - lưng dựa núi Hải Vân, mặt giáp biển nên khá biệt lập với bên ngoài. Để đến được ngôi làng này chỉ có 2 cách: gửi xe rồi cắt rừng, đi bộ ven đường sắt khoảng 1 giờ hoặc mất khoảng 30 phút đi bằng thuyền, thúng đón ở bến Nam Ô, men theo vịnh Nam Chơn ra ốc đảo.

 

Theo cụ ông Nguyễn Văn Xứng (75 tuổi, gốc Quảng Ngãi), làng Hoà Vân được thành lập từ năm 1968, đến nay làng đã có 134 hộ, hơn 320 nhân khẩu trong đó còn 40 bệnh nhân.
 
Lặng lẽ làng phong ngày cuối năm - 1

Đón Tết lặng lẽ

 

Dạo quanh Làng Vân suýt quên mất là chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết nếu không thấy mấy nong đựng củ kiệu ít ỏi đang được phơi khô. Anh Lợi (45 tuổi) chia sẻ “Thêm một ít bánh kẹo và 2 đòn bánh tét gởi mua ở ngoài phố. Thế là xong, nhà ít người, mua nhiều không ai ăn”. Còn nhà cụ Phạm Bồng (86 tuổi, quê ở Huế) được các nhà hảo tâm tặng quà bánh, hạt dưa nhưng “Răng như vầy có ăn được mô, chỉ bày đó cho có không khí. Tết nhất cũng như ngày thường, không chuẩn bị hay dọn dẹp chi nhiều”.

 

Khác với những cụ ông hay bác của mình, em Tâm (lớp 8) vừa mới đi mua đồ Tết về hớn hở: “Em mua được mấy cái áo đẹp lắm. Để mua được chừng đó, em phải bắt xe ôm về đến dốc đèo rồi đi bộ qua rừng về làng”. Còn bé Hiếu Thảo (học lớp 1, trường Tiểu học Hải Vân) khoe “Năm nay con được trường phát cho nhiều bánh kẹo, nhưng không có quần áo như mọi năm”.

 

Không khí Tết ở đây có lẽ chỉ đơn giản như vậy. Đây có lẽ là cái Tết cuối cùng họ đón ở làng Vân - nơi đã từng gắn bó trong một thời gian dài.
 
Lặng lẽ làng phong ngày cuối năm - 2
Người dân ở đây phải đi bộ chừng 1 giờ đồng hồ men đường sắt mới tới được nơi có hàng hóa để mua.

 

Tết cũng là dịp chính đáng nhất để người dân làng Vân về quê thăm con cháu, họ hàng, thắp nén nhang cho tổ tiên. Nhưng như bác Hai (62 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) nói: “Về cũng được thôi, không ai cấm cản nhưng mắc công người ta nhòm ngó, xì xầm này nọ, người nhà lại khó sống với lối xóm, buồn lắm. Nên mấy năm nay bác không về”.

 

Mỗi tháng người dân ở đây được thành phố hỗ trợ mỗi người 420.000 đồng. Thui thủi hai vợ chồng già ngày ngày làm bạn với các khóm dứa, trồng cái gì ăn cái nấy, chẳng mấy khi con cháu ra thăm, nên cụ ông Nguyễn Thế Sanh (86 tuổi, quê Đại Lộc, Quảng Nam) đã nói vui rằng “Đau cậy thuốc, già cậy… cây. Trồng cây gì ăn cây nấy chứ không cậy nhờ gì con cái”.

 

Vào làng Vân chỉ thấy người già, họa hoằn lắm mới có một vài thanh niên. Trẻ con nơi này chỉ học ở đây từ mẫu giáo đến hết cấp I, một lớp học chỉ có nheo nhóc vài học sinh lớp 1 ghép chung với vài em lớp 2, 3. Nếu học lên cấp II, cấp III phải ra phố trọ học, thường thì các em học xong có việc làm ổn định thì không quay về nữa. Với họ, làng Vân trở thành một phần ký ức đầy mặc cảm. Bởi cái nghèo và nỗi ám ảnh về “tai tiếng” của căn bệnh ác nghiệt đã đẩy những người trai trẻ nơi đây ra xa nơi mình đã từng sinh ra và có khi chối bỏ cả  những bậc sinh thành. Thế nhưng người Làng Vân tự hào về con cháu họ lắm “Chu choa, nói là con cái làng phong chớ bọn trẻ ở đây học hành giỏi lắm đó nghe, có đứa thạc sĩ, đại học đi làm ngoài thành phố đó”, cụ Hai cười hãnh diện.

 

Mặc dù đã hết bệnh, cái còn lại chỉ là di chứng, nhưng mặc cảm về căn bệnh của mình luôn là nỗi đau tồn tại dai dẳng trong lòng mỗi người Làng Vân. Nên khi đề nghị chụp ảnh, các ông bà lắc đầu, tay xua “Chụp làm gì, nhìn có đẹp gì đâu mà chụp”. Vừa nói cụ Xứng vừa đưa bàn tay đã cụt mất hai ngón của mình cho khách xem.
 
Lặng lẽ làng phong ngày cuối năm - 3
Làng Vân chỉ có “sức sống”, ồn ào khi có tàu đi qua
 
Lặng lẽ làng phong ngày cuối năm - 4
Các lồng bẫy cua được giặt sạch, phơi khô để đón năm mới.

 

Ghé làng Vân những ngày giáp Tết, được những cụ ông, cụ bà, các cô, bác nhiệt tình tiếp chuyện, chỉ dẫn, giúp đỡ…chợt nhận ra rằng khi nghe họ trải lòng sẽ hiểu và yêu hơn con người nơi đây. Có thể họ không lành lặn nhưng dù bị xã hội hắt hủi, xa lánh, họ không hề thù ghét ai, chỉ sống một cuộc đời yên phận, lặng lẽ ở một nơi chỉ dành cho họ.

 

Làng Vân - cái tên thi vị, đẹp như tâm hồn con người nơi đây, ở đấy cuộc sống cứ xoay trong cái vòng đơn điệu, lặng lẽ suốt hơn 40 năm nay.

 

Phạm Bình - Thu Hiền