“Lăn tăn” về hình ảnh biểu tượng của Thủ đô

(Dân trí) - “Cần có căn cứ thuyết phục hơn về lý do lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô chứ không phải là Chùa Một cột hay Tháp Rùa” - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai góp ý khi thảo luận về dự luật Thủ đô.

Tiếp tục “siết” điều kiện nhập cư

Luật Thủ đô trở lại trong chương trình làm luật của Quốc hội, bắt đầu bằng lần thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại UB Thường vụ hôm nay, 17/8. Sau nhiều lần lùi, hoãn và một lần không được thông qua, dự thảo luật do Bộ Tư pháp trình lần này đã có nhiều chỉnh sửa, nhất là ở những nội dung đã từng bị “bác”.

Về quản lý dân cư, dự thảo Luật Thủ đô đưa ra một số quy định khác với Luật cư trú hiện hành, trong đó quy định thêm một số điều kiện chặt chẽ hơn để người tạm trú được đăng ký thường trú tại nội thành.
 
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn  Thế Thảo tại phiên thảo luận.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn  Thế Thảo tại phiên thảo luận.

Theo đó người đang tạm trú ở nội thành được đăng ký thường trú ở nội thành khi đáp ứng đủ các điều kiện: “Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”.

UB Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật nêu quan điểm tán thành với cách xử lý này song vẫn còn có ý kiến băn khoăn vì với quy định đó cũng không thể hạn chế được người dân đến cứ trú tại nội thành Hà Nội. Bởi nếu không được đăng ký thường trú thì công dân vẫn có thể tạm trú tại đó để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc và như vậy áp lực lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội vẫn không được giải quyết.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lập luận, đây không phải là giải pháp tốt nhất. Dù vậy, bà Mai vẫn tán thành với điều kiện phải kèm theo các biện pháp khác mới áp dụng, điều chỉnh được.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Thường vụ thống nhất với quy định để quản lý dân cư, song thiết kế thế nào để mềm mại và đừng vượt quyền của công dân trong Hiến pháp.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, giải pháp hạn chế nhập cư nội thành và tăng mức phạt đã được cân nhắc, thảo luận rất nhiều trước khi trình ra UB Thường vụ.

Khuê Văn Các hay Tháp Rùa?

Một nội dung mới được đề cập là về biểu tượng của Thủ đô. Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành đề xuất lựa chọn biểu tượng là hình ảnh Khuê Văn Các. Theo ông Thi, biểu tượng này là hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam, thể hiện nguyện vọng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai vẫn “lăn tăn”, đề nghị ban soạn thảo cần có căn cứ thuyết phục hơn về những lý do lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô chứ không phải là Chùa Một cột hay Tháp Rùa.

Đối với nội dung các cơ chế đặc thù về tài chính, đa số các ý kiến cũng tán nhằm tạo lập cơ sở pháp lý mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Hà Nội với tư cách thủ đô của cả nước.

Dự thảo luật mới quy định HĐND thành phố được quyết mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng. Theo Chính phủ quy định này là phù hợp.

Chủ nhiệm Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội khóa XII thông qua tháng 6 vừa qua đã lựa chọn và cho phép các thành phố trực thuộc TƯ, trong đó có Thủ đô Hà Nội áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định trong một số lĩnh vực như giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội mà không có ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng.

Trên thực tế, các vấn đề phát sinh trong ba lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mà nguyên nhân của nó chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện pháp luật.

“Hơn nữa, trong quá trình xem xét, thông qua dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung này nhưng đã không được QH chấp thuận. Do đó, nếu lần này đưa nội dung này vào Luật Thủ đô thì cần có sự phân tích lập luận thật thuyết phục” – ông Lý nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.

P.Thảo