Lạm phát đang “bóp méo” chuẩn nghèo

(Dân trí) - Lạm phát vẫn diễn biến phức tạp và đối tượng chịu ảnh hưởng nhất chính là người nghèo. Thế nhưng tỉ lệ hộ nghèo trong những năm gần đây liên tục giảm - điều này được Viện Khoa học lao động và xã hội chỉ ra là không phản ánh đúng thực tế chuẩn nghèo.

Lạm phát cũng có tác động… tích cực?

Theo nhận định của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTB-XH), tình hình lạm phát của Việt Nam có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong vài năm tới. Đặc thù của Việt Nam khi xảy ra lạm phát là giá lương thực, thực phẩm tăng nhanh ở các thành phố lớn.

Lạm phát đã, đang và sẽ đã tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam do gần 72% dân số là nông dân trong đó có 52% tham gia sản xuất lúa gạo (đặc biệt có tới 80% số hộ nghèo tham gia sản xuất lúa gạo). Tuy nhiên, Viện này cho rằng, tác động không có nghĩa là hoàn toàn tiêu cực.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội cho thấy, có khoảng 60% hộ nghèo trong lạm phát tăng được thu nhập, đó chủ yếu là những hộ thuần bán lương thực (lúa gạo), thực phẩm được hưởng lợi từ việc tăng giá.

Và với tốc độ tăng giá như 6 tháng đầu năm 2008 (khoảng 28 - 30%), thu nhập của hộ gia đình làm nông nghiệp sẽ tăng thêm 4,5% do đó theo thống kê sẽ có khoảng 330.000 hộ thoát nghèo, chiếm 12,2% số hộ nghèo cuối năm 2007.

Ngược lại, sẽ có khoảng 222.000 hộ “cận” nghèo bị rơi vào “vùng” nghèo trong đó các hộ dân ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bị tác động nặng nề nhất với 80 - 90% số hộ bị giảm thu nhập. Ngay cả ở khu vực thành thị, các hộ nghèo cũng bị thiệt hại nhiều nhất.

Như vậy, từ lạm phát số hộ thoát nghèo đang nhiều hơn hộ rơi nghèo 108.000 hộ và dự báo tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm, từ 14,6% năm 2007 xuống còn khoảng 13,83% vào năm 2008.

Vấn đề đặt ra liệu con số này có phản ánh đúng thực tế hay không khi mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn được tính theo thu nhập bình quân 1 người 1 tháng với chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010 của Chính phủ: thành thị 260.000 đồng, nông thôn 200.000 đồng trở xuống (Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ).

Nên xác định chuẩn nghèo theo thời giá

Rõ ràng trong bối cảnh lạm phát hiện nay, việc xác định chuẩn nghèo theo thời giá là rất cần thiết. Có như vậy, nó mới phản ánh đúng thu nhập thực tế của người dân còn không tỷ lệ thoát nghèo sẽ tăng nhanh vì chẳng cần phải làm gì chỉ căn cứ yếu tố tăng giá tiêu dùng đã làm cho thoát nghèo rồi.

Chuẩn nghèo của Việt Nam hiện được tính trên cơ sở tổng chi phí cho một rổ hàng tiêu dùng thực phẩm và phi thực phẩm cung cấp 2.100 kcalo cho 1 người trong 1 ngày sử dụng.

Theo tờ trình của Viện khoa học lao động và xã hội, căn cứ vào tốc độ tăng giá thời kỳ 2006 - 2008, năm 2008 dự kiến chuẩn nghèo đối với thành thị là 390 - 400.000 đồng/tháng, nông thôn là 300 - 310.000 đồng/tháng. Nếu áp dụng chuẩn nghèo này, tỉ lệ hộ nghèo sẽ không còn giảm mà phải tăng (thay vì 13,83% theo dự kiến sẽ là lên tới gần 17% trong năm 2008).

Theo Viện này thì việc điều chỉnh chuẩn nghèo theo thời giá về thực chất không phải là nâng chuẩn nghèo bởi lạm phát cao đã làm cho người nghèo khổ hơn và số người nghèo sẽ tăng thêm do tái nghèo hoặc số cận nghèo rơi xuống nghèo.

Lan Hương