“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan

(Dân trí) - Trong những kỷ vật ông Wildeboer mang trở lại Việt Nam, có một cuốn tập ghi sơ yếu lý lịch của anh lính họ Phan và một cuốn sổ tay chép những bài thơ, với nét chữ khác hẳn nhau...Ai là tác giả của “Lá thư xuân”?, câu hỏi ấy vẫn chưa có lời giải.

Sau 43 năm lưu lạc nơi xứ người, chiều ngày 2/4 lần đầu tiên kỷ vật của những người lính cụ Hồ trở về với quê mẹ trên đôi tay của người cựu binh một thời bên kia chiến tuyến. Cảm giác xúc động dâng trào pha lẫn sự mê hoặc lan tỏa từ “Lá thư xuân” càng khiến cho buổi gặp gỡ trở nên hồi hộp, thiêng liêng.
 
“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan
“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan
Hai nét chữ hoàn toàn khác nhau

Cẩn trọng mở chiếc hộp đã gìn giữ như giữ chính con ngươi của mình hơn 40 năm qua, bàn tay run run của người cựu binh người Úc, Laurens Wildeboer nhẹ nhàng đặt hai cuốn sổ và những mảnh giấy đã hoen màu thời gian lên mặt bàn. “Đây là những chiến lợi phẩm tôi thu lượm được từ chiến trường đông bắc Sài Gòn vào tháng 3, năm 1969. Đồ đạc mà tôi lượm được khi đó có cả vũ khí và những ba lô… Tôi đã giữ lại bên mình những cuốn sổ ẩn chứa đầy tình người này, để rồi từ đó đến nay chúng như những hồn ma cứ ám ảnh thôi thúc tôi phải trở lại Việt Nam.”

Ông Wildeboer nghẹn ngào chia sẻ: “Khác với nét hoang tàn đổ nát của 43 năm về trước, giờ đây đất nước các bạn đẹp quá. Tôi vẫn không hiểu tại sao tôi lại tham gia vào cuộc chiến phi lý ấy. Hôm nay, trở lại đây mang theo những kỷ vật này tôi thấy mình như được giải thoát khỏi những ám ảnh, dằn vặt suốt thời gian qua.”
 
“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan
Mang những kỷ vật trở lại Việt Nam, Wildeboer (bên phải) như được giải thoát

Kỷ vật của những người lính Việt Nam được ông Wildeboer mang tới bao gồm: Một cuốn sổ tay còn rất nguyên vẹn, một cuốn tập bìa ngoài ghi rõ “sổ ghi thực phẩm”, bên trong kèm theo bản sơ yếu lý lịch và một chiếc khăn có màu xanh viền hồng. Sơ yếu lý lịch ghi rõ họ và tên của người lính là Phan Văn Ban, họ và tên thường dùng Phan Thanh Hùng, bí danh Phan Thành Nhơn. Anh sinh ngày 22/4/1948, quê quán tại Phước Lộc xã, quận Long Thành, Biên Hòa.

Thượng tá, Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó giám đốc Viện bảo tàng Quân khu 4 cho biết, trước đó, bà đã được phía Úc liên lạc nhờ xác minh địa chỉ của người chiến sĩ trong sơ yếu lý lịch nói trên, qua nhiều tháng lặn lội bà đã lần ra địa chỉ này. Cha mẹ của người lính trên có tên là Phan Văn Lâu và Nguyễn Thị Hiểu. Trong quá trình tham gia chiến đấu, người chiến sĩ này từng nhận được 1 bằng khen, 1 giấy khen dũng sĩ diệt Mỹ và 2 giấy khen diệt cơ giới, tất cả đều trùng khớp với bản sơ yếu lý lịch ông Wideboer đã lượm được.
 
“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan
Cuốn tập ghi thực phẩm, bên trong có sơ yếu lý lịch của người lính họ Phan
“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan
Cuốn sổ với những bài thơ được nhận định là của một người lính Bắc

Cùng với cuốn tập và chiếc khăn có cuốn sổ tay được xem là khá sang trọng trong thời điểm những năm cuối của thập niên 60. Mở đầu cuốn sổ là câu thơ “Ta không như con thuyền chờ đợi/ Gió xuôi rồi buồm mới căng lên", phía dưới là hai chữ in hoa “THANH PHONG” được đánh bóng khối. Cuốn sổ mới được viết vài trang chủ yếu là những bài thơ dạt dào cảm xúc, trong đó có bài Tình đồng chí viết từ tháng 2 năm 1965.

Trước khi những kỷ vật này được đưa về Việt Nam, nhiều người cho rằng chúng đều là của người lính họ Phan. Tuy nhiên, qua đối chiếu cho thấy cùng một thời điểm nhưng nét chữ của người lính họ Phan trong sơ yếu lý lịch và nét chữ của cuốn sổ tay ghi chép những bài thơ hoàn toàn khác nhau.
 
“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan
Thương tá Nguyễn Thị Tiến: "Lá thư xuân là của một người lính quê ngoài Bắc"
 
Qua nghiên cứu và phân tích một số bài thơ trong cuốn sổ tay này, thượng tá Nguyễn Thị Tiến cho rằng: “Đây không phải cuốn sổ của người lính họ Phan ngụ tại Đồng Nai mà là cuốn sổ của một người lính ngoài Bắc. Điều này được chứng minh trong bài “Lá thư xuân” bởi những hình ảnh gắn liền với mùa xuân xứ Bắc như chim én, hoa đào, cái rét hay cách dùng từ ngoài ấy trong này… Vậy tác giả của “lá thư xuân” là ai, vấn đề này chúng tôi sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và xác minh.”
 
“Lá thư xuân” không phải của người lính họ Phan
Ngày 3/4 Wildeboer sẽ về gia đình người lính họ Phan trao kỷ vật
 
Sáng nay (3/4) ông Wildeboer cùng đoàn sẽ mang những kỷ vật thuộc về người lính họ Phan như chiếc khăn quàng hay cuốn tập ghi chép và sơ yếu lý lịch đến thăm gia đình anh. Dự kiến, những kỷ vật này sẽ được trao tận tay cho bà Nguyễn Thị Hiểu người mẹ già đã đằng đẵng chờ tin con hơn 40 năm qua.
 
Phóng viên Dân trí sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin cũng như tham gia vào việc xác minh tác giả của "Lá thư xuân".

Vân Sơn – Trung Kiên