Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

(Dân trí) - Ngày 4/6, Tỉnh ủy Vĩnh Long, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”.

Đây một trong những hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2012).

Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, tại làng Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và nhà nước ta.

Năm 1928, khi mới 16 tuổi, đồng chí Phạm Hùng đã tham gia hoạt động các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Đến tháng 4/1931, đồng chí bị bắt giam và bị đày đi Côn Đảo.

Cách mạng Tháng 8 thành công, đồng chí Phạm Hùng từ Côn Đảo trở về nhận nhiệm vụ mới trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như: Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, UVBCH Trung ương Đảng, UV Bộ Chính trị, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng rồi Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng luôn tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, giàu nghị lực, là một người cộng sản sống trung thực, thẳng thắn, gần gũi với đồng chí, đồng bào nên được nhân dân ta và bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng, cũng như có những đóng góp to lớn cho quê hương Vĩnh Long.

Ban tổ chức hội thảo cho biết, hội thảo khoa học nói về cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng là dịp để người dân hiểu sâu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

                                                                                    Huỳnh Hải