Kỳ nhân gốc Việt trên đất Lào

Gần nửa tháng thăm thú từ Bắc đến Nam Lào, tôi đã quen với mô típ đàn ông thuần hậu, chất phát, thật thà của đàn ông xứ triệu voi. Thế rồi khi gặp anh, người đàn ông Lào gốc Việt, trạng thái cảm xúc của tôi gần như đảo lộn:

Anh láu cá, ma mãnh, gan góc, dấn thân nhưng cũng vô cùng hồn nhiên, dại dột …
 
Kỳ nhân gốc Việt trên đất Lào
Tấn Khateum.

Người đầu tiên dùng súng AK bắn rơi máy bay ở Lào

Anh Nguyễn Mạnh Tấn (tên Lào là Khamteum Soutthideth, trú tại khu Thatluang, Viêng Chăn) trẻ hơn nhiều so với tuổi 63 của mình.

Về chuyện dùng súng AK bắn rơi máy bay Mỹ, anh kể: Năm 1970 mình mới 21 tuổi, là binh nhì thuộc lực lượng bộ đội thiết giáp Lào chứ không phải lính phòng không; tham gia chiến đấu ở Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng.

Thấy máy bay địch rà xuống thấp, mình ham quá nhào ra xả cả băng AK khiến máy bay bốc cháy.

Gã lái máy bay này là đại úy Mỹ trẻ măng, đúng bằng tuổi mình. Là người đầu tiên dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ ở Lào, mình được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay và được thưởng một chuyến về thăm quê hương Việt Nam.

“Trông anh có vẻ trẻ trung sao lại bị nặng tai?” - tôi hỏi. Khi đi bộ đội mình bắn pháo 60 ly, 70ly và 85 ly quá nhiều nên tai trái hơi bị điếc. Mình là thương binh hạng 2 nên về hưu sớm.

Nói rồi anh kể: Xung phong đi bộ đội khi chưa đầy 17 tuổi nên trông mình còn nhỏ lắm, do đó bị phân công làm cấp dưỡng cả năm trời. Mỗi khi kêu ca vì sao bắt nấu cơm lâu thế họ đều trả lời do mình nấu ăn ngon.

Sau nhiều lần nài nỉ rồi dọa đốt cái bếp, họ cho mình ra đánh địch ở Ban Giai, cách Mường Sủi khoảng 60km. Ngay trong ngày đầu tiên mình bị thương ở chân phải vào viện mất 25 ngày.

2 ngón chân giờ thoạt trông bình thường thế thôi nhưng thật ra đã chết, không có cảm giác gì. Lần thứ 2 mình bị thương nặng ở tay vì bị máy bay Mỹ bắn làm lật xe ở Mường Sủi, còn lần thứ 3 bị trúng pháo ngã lộn gãy xương sườn.

Ở Mường Sủi, một lần đoàn xe bị trúng pháo khiến mình ngất đi. Khi tỉnh dậy nhận ra đang nằm tại một trạm xá người Việt trong một cái hang. Thì ra họ nhầm tưởng là bộ đội tình nguyện Việt Nam nên khiêng về chữa trị.

Mình đề nghị được quay lại lực lượng bộ đội thiết giáp Lào. Về đến nơi thấy đơn vị đang làm đám ma cho mình. Ai nấy đều sợ mất vía khi mình lại lù lù xuất hiện sau mấy ngày tưởng chết tan xác.

Ngày đó bộ đội tình nguyện Việt Nam sang Lào chiến đấu nhiều lắm và chịu nhiều hy sinh gian khổ.

Mình không bao giờ quên chuyện anh Vũ Đức Phiếm (quê Ninh Bình, làm chuyên gia cho đơn vị của chúng mình) leo lên vách núi dựng đứng để bắt chuột cải thiện bữa ăn.

Chiếc quần của anh được may thêm vài lớp vải ở mông và 2 đầu gối để leo trèo và tuột xuống vách núi.

Mỗi khi Tết đến không cần đốt pháo vì máy bay địch bắn suốt ngày; nhiều người lấy lá dong gói lương khô giả làm bánh chưng để cúng tất niên và thi nhau làm thơ, viết nhạc thật vui vẻ, xúc động.

Nặng nghĩa tình đồng đội

Tấn Khamteum cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp chung với anh bộ đội pháo cao xạ Nguyễn Hùng (quê quán Tuyên Quang) tại cầu Thê Húc (Hà Nội) và xúc động nói: Vừa rồi gặp phái đoàn cựu chiến binh Việt Nam sang thăm Lào, tôi mới biết tin Hùng đã mất vài tháng trước.

Hùng có người bạn bị mất tích ở Lào và mới đây cô Thu (con gái người bạn này) nhờ mình giúp đỡ tìm tung tích của cha. Nếu cô ấy sang thì mình anh sẽ đưa đến hạ Lào để tìm.

“Nhà cửa của anh đang xây dựng dở dang thế này mà bỏ đi liệu có sao không?” - tôi hỏi. “Tôi sẽ cố gắng thu xếp vì tìm người quá cố là đạo lý thiêng liêng của người Việt kia mà!” - anh đáp.

Anh Hatsaphone cho hay Tấn Khamteum từng rất nhiệt tình tìm cha cho một cô gái mang dòng máu Việt – Lào có số phận đầy bi thương tên là Lương Thị Thủy (Bút Đa).

Thủy là kết quả của tình yêu say đắm giữa anh sĩ quan công binh người Lào Buon Thăm (sang học tập ở Trường Sĩ quan công binh thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, Hà Bắc) và cô công nhân Xí nghiệp may Đáp Cầu Lương Thị Thức.

Lúc bấy giờ chuyện yêu đương, kết hôn giữa những người nước ngoài còn rất khắt khe nên gia đình Thức cấm đoán. Khi người yêu có thai 4 tháng, Thăm bí mật đưa cô về Lào nhưng cuối cùng Thức bị giữ lại tại trạm kiểm soát Nà Mèo ở biên giới hai nước.

Khoảng 5 tháng sau, Thức sinh con gái và đặt tên là Thủy Bút Đa theo ý nguyện của người yêu ngày nào.

Khi Thủy Bút Đa chưa tròn 8 tuổi thì mẹ chết nên phải sống cuộc sống lang thang, ăn xin vô vọng. Đến tuổi trưởng thành, Thủy Bút Đa lấy chồng và sống ở xóm Đoàn Kết, Dân Tiến, Võ Nhai, Thái Nguyên. Dẫu cuộc sống nghèo khó nhưng cô luôn khao khát tìm gặp cha mình.

Cảm động trước câu chuyện éo le của Thủy Bút Đa, một số nhà hảo tâm của Lào và Việt Nam quyết định giúp cô tìm cha, trong đó anh Tấn Khamteum là người tích cực nhất bên phía Lào.

Đoàn tìm kiếm xác định được tung tích của Buon Thăm nhưng thật không may ông đã chết vì bệnh tật vào năm 2004.

Đoàn đã tạo điều kiện cho Thủy Bút Đa về thăm quê cha ở Viêng Chăn và tại đây cô được đồng đội cũ của cha là Buon Năm nhận làm con nuôi.

Khi cô bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại quê cha làm ăn nhưng không có vốn, anh Tấn Khamteum đã đưa đến Hội Việt kiều nhờ Hội giúp ít tiền làm vốn.

Anh còn bỏ tiền túi cho cô vay ít tiền mua xe máy để thuận tiện đi lại và giải quyết việc làm cho cô.

Đến suốt đời vẫn dại

Anh tự nhận cái dại trước hết là dại mồm dại miệng. Về thăm quê vợ Quảng Bình, thấy hòn núi rất cao và đẹp gần sông Gianh bị đập phá, anh lùng cho được số điện thoại của cán bộ trách nhiệm để chất vấn: Sao có thể chấp nhận vì cái lợi trước mắt mà phá cảnh quan? Phải giữ gìn để ngàn năm sau con cháu mình còn được chiêm ngưỡng chứ!

Đi du lịch Hạ Long, thấy núi đá vôi ven đường bị xâm hại, anh lại phàn nàn với cán bộ: Đường đến di sản văn hóa thiên nhiên thế giới mà phá như vậy thì phản cảm quá! Nếu không dẹp nạn cò xe bát nháo, tình trạng chặt chém du khách khi ăn uống thì ai còn muốn quay lại Hạ Long nữa?

“Cần phải học hỏi cách làm du lịch của người Lào: Thân thiện, trung thực, lịch sự, sạch sẽ. Nhờ vậy mà rất nhiều khách quốc tế đến Lào không chỉ một lần” – anh nhắn nhủ.

“Cũng với cái tính giữa đường thấy chuyện bất bằng mà tha ấy, anh sẵn sàng dừng lại rú ga đuổi đàn chó dữ khi chúng tấn công chó nhà.

Lúc điều khiển xe máy trên đường, anh thường mang theo một ống hút xăng để giúp đỡ những người vì chẳng may bị hết xăng phải dắt xe đi bộ dọc đường” - Tấn Khamteum nói.

Lúc đã mềm môi vì rượu, anh bất ngờ tiết lộ cái dại lớn nhất của đời mình: Quá mê đắm, lạc lòng trước phụ nữ! Anh cất công sang tận Úc học nghệ thuật chế tác non bộ và đã làm hàng trăm tác phẩm, kiếm được không ít tiền.

Thế nhưng sau 6 lần lấy vợ và 5 lần ly hôn thì tài sản đội nón ra đi gần hết. Một trong những mối tình để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong đời anh là với một giảng viên đại học ở Hà Nội tên HT.

Lúc tròn 22 tuổi, một năm sau khi bắn rơi máy bay Mỹ, anh được đi an dưỡng tại Viện 108 Hà Nội. Tại đây anh can thiệp cho một cô gái vào Viện thăm người thân ngoài giờ quy định.

Vì cảm kích tính cách cũng như năng khiếu thơ văn mà HT rủ anh trốn khỏi Viện để đi chơi. Anh đã trinh sát tìm được… lỗ chó chui và trốn ra ngoài với một cái chăn đẹp.

Bán cái chăn được 22 đồng, đôi tình nhân hò hẹn ở một cái hầm tránh pháo ở đê sông Hồng. Bao giờ Hà Nội lên đèn/ Viêng Chăn cũng thế chúng mình nhớ nhau – cuộc tình đẹp ấy chỉ để lại dấu ấn trong thơ chứ mãi mãi không thể đơm hoa kết quả bởi ngày đó không có chuyện bộ đội Việt lấy con gái Lào và ngược lại.

“Trường hợp của mình không phải cá biệt. Có không ít bộ đội Lào sang Việt Nam học rồi yêu con gái Việt nhưng không lấy được nhau. Từng xảy ra chuyện anh chàng người Lào bỏ cô gái vào phi xăng rỗng có đục cái lỗ nhỏ. Quá trình kiểm tra ở cửa khẩu, hải quan không phát hiện ra thì cặp đôi được trùng phùng ở Lào”.

Thời tiết tháng 3 oi nồng nhưng hang đá trong hòn non bộ ở nhà Tấn Khamteum luôn mát rượi. Anh cho hay đã bỏ gần trăm triệu xây non bộ làm nơi thư giãn và đón tiếp bạn bè thân thiết.

Có bao nhiêu gà vịt anh lần lượt giết thịt để đãi bạn. “Cuộc đời tưởng là dài nhưng thật ra ngắn ngủi lắm. Biết mình sống được bao lâu? Sống sao cho tình cảm, thanh thản là được. Giúp người ta được là tốt rồi. Cứ vô tư đi!”- anh vui vẻ nói sau khi hát tặng chúng tôi một số ca khúc viết về quê hương Việt Nam.

Sang Lào khi mới 4 tuổi nhưng anh không chỉ nói sõi tiếng Việt mà còn mở lớp dạy tiếng Việt và Lào. “Mình rất buồn bực và tự ái khi có nhà ngoại giao hỏi còn nói được tiếng Việt không? Hãy nhớ rằng nhiều người Việt dù có tha phương cầu thực nhưng vẫn luôn hướng về quê hương!” - Tấn Khamteum nói

Theo Kim Anh
TPO