Phận người ở khu chung cư cao cấp:

Kỳ 3: Biến nhà trẻ thành… sân tennis

(Dân trí) - Chiếc Toyota bóng loáng trườn lên con dốc, vòng vào khoảng sân rộng. Người đàn ông bụng phệ, mặc bộ đồ thể thao, vai đeo vợt tennis mở cửa xe bước ra; bên trong sân đã có người đợi sẵn. Đó là hình ảnh thường thấy tại khuôn viên nhà trẻ 2, khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính.

Kỳ 1: Sau 3 năm vẫn lùng nhùng chuyện nước sạch, nước bẩn


Kỳ 2: Những không gian bị "đánh cắp"
 

 

“Thèm” nhà trẻ

 

7 giờ sáng, chị Bùi Thị Lan tay xách túi, tay dắt con vừa chạy vừa quát: “Nhanh lên con, mẹ muộn giờ mất rồi!”. Con chị đi mẫu giáo ở trường cách xa nhà hàng chục cây số. Ngày nào chị cũng phải thúc giục con đi sớm để kịp giờ quay về chỗ làm.

 

Từ ngày dọn về khu đô thị mới cao cấp, những tưởng sẽ nhàn hạ trong khoản đưa đón con đi học, không ngờ chị còn phải đi xa hơn. “Mình cũng muốn gửi ở đây cho gần nhà, nhưng làm gì có trường mà gửi. Gửi ở xa thế này lo nhất là vấn đề giao thông, xe cộ ngoài đường lúc nào cũng chạy như mắc cửi”, chị Lan than phiền.

 

Cùng chung cảnh ngộ với chị Lan, chị Nguyễn Thanh Dung, P.1501, bức xúc: “Không hiểu sao cả khu đô thị rộng hàng chục ha thế này mà lại không có lấy một, hai nhà trẻ để người dân gửi con em mình cho yên tâm. Trong khi nhà nước đang cố gắng xây trường học cho các cháu ở vùng sâu, vùng xa thì ngay giữa khu đô thị hiện đại bậc nhất này lại không có nhà trẻ!”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều gia đình ở khu đô thị này phải gửi con ở các trường xa nhà hoặc các nhà trẻ tư nhân với mức phí rất cao. Bé Tạ Phú An, cháu bác Bùi Thị Chi, P.1907, mỗi tháng học mẫu giáo “ngốn” 140 USD. Bác Chi giải thích: Sở dĩ giá cao như vậy vì đây là trường tư.

 

Kỳ 3: Biến nhà trẻ thành… sân tennis - 1

Ông Nhuận bên tấm sơ đồ mặt bằng quy hoạch tổng thể của khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

 

Ông Bùi Đức Nhuận, Trưởng Ban Quản trị nhà khu chung cư cụm Nhân Chính cho biết, phần lớn các gia đình ở đây đều có con hoặc cháu ở độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo. “Tôi cũng nhận được rất nhiều lời kiến nghị về việc tại sao không có nhà trẻ cho các cháu. Ban quản trị chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị lên các cấp nhưng chưa thấy kết quả gì”, ông Nhuận cho biết.

 

Nhà trẻ thành trụ sở công ty và sân tennis

 

Lần theo địa chỉ ghi trên tấm card của ông Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Việt Nam, chúng tôi tìm đến Trường Mầm non II, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính. Tìm mỏi mắt không thấy nhà trẻ đâu, chỉ toàn ô tô, xe máy ra vào nườm nượp. Tiếp theo khoảng sân rộng là một khuôn viên được quây rất tế nhị bằng lưới cao 4m, ai tinh mắt mới nhận ra đây chính là “sân quần”.

 

Đứng đợi tại “cổng trường” lúc khoảng 5 giờ chiều, một chiếc Toyota bóng loáng trườn lên con dốc vòng vào khoảng sân rộng rồi dừng lại. Người đàn ông bụng phệ, mặc áo phông, quần soóc trắng, vai đeo vợt mở cửa xe bước ra. Tuần 3 bận chiếc xe này chở ông đến đây đánh tennis.

 

Ông Bùi Đức Nhuận chỉ tay về phía ba toà nhà hai tầng khang trang, nói: “Theo quy hoạch tổng thể đây chính là chỗ dành để xây dựng nhà trẻ. Nhưng không hiểu sao, hiện giờ khu đất này lại được sử dụng làm sân tennis, trụ sở của Công ty Vinasinco và bãi để xe ô tô”.

 

Kỳ 3: Biến nhà trẻ thành… sân tennis - 2

Trụ sở Công ty Vinasinco được ghi công khai là Trường Mầm non II, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính.

 

Theo tờ phụ lục 1.6, Bảng dự toán chi phí quản lý chung mà Công ty Vinasinco đã cung cấp cho người dân (có chữ ký của Ông Đỗ Đăng Tá, Phó Giám đốc Công ty Vinasinco) có ghi: “Chi phí văn phòng trả tổng công ty (giá thuê: 3.200 USD/tháng), tương đương với hơn 50 triệu đồng tiền Việt Nam”.

 

Ông Nhuận bức xúc cho biết: “Đây là một trong những tài liệu bằng văn bản có đóng dấu đỏ của ban lãnh đạo Công ty Vinasinco cung cấp cho chúng tôi, nhằm giải thích lý do của việc tăng phí dịch vụ. Dân chúng tôi đã không có nhà trẻ, nay lại còn phải góp tiền vào để Vinasinco thuê đất nhà trẻ làm trụ sở công ty thì thật quá đáng!”.

 

Thái Bình

 

Kỳ 4: Hàng nghìn chiếc bình nóng lạnh đi đâu?