Kỳ 2: Những cuộc chiến cam go trên đường biên giới

(Dân trí) - Tin mật báo về, có đối tượng chuẩn bị mang ma túy vượt biên, tổ công tác lên đường, mang theo lương khô, nước uống nằm rừng mật phục 3 ngày. Đối tượng xuất hiện, là một phụ nữ ngoài lục tuần, đi cùng con gái...

“Săn” ngày...
 
Nhận nguồn tin từ trinh sát báo về, các đối tượng vận chuyển ma túy đã lên kế hoạch vượt biên từ Việt Nam qua Trung Quốc, Trung tá Lê Quang Đạo, Đồn trưởng Đồn biên phòng 59, họp “chuyên án khẩn” và lên kế hoạch giăng lưới mật phục. Đây chỉ là một trong vô vàn cuộc chiến của các chiến sĩ biên phòng với lực lượng buôn lậu hùng hậu.
 
Đúng kế hoạch đã vạch ra, lực lượng Biên phòng do Trung tá Đạo chỉ huy được chia ra làm nhiều mũi quyết tâm giăng bắt bằng được các đối tượng đang gieo cái chết trắng. Tổ công tác chủ đạo do Đồn trưởng Lê Quang Đạo chỉ đạo trấn giữ tại khu vực đường mòn biên giới mà dân địa phương vẫn gọi là đường Thác nước, thuộc khu vực bản Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.
 
Kỳ 2: Những cuộc chiến cam go trên đường biên giới - 1

Đối tượng vận chuyển 5 bánh heroin bị bắt giữ.

Đúng giờ G, hai đối tượng phụ nữ địa phương xuất hiện, vai mang vác hàng như những người dân đi làm nương về. Bị bất ngờ kiểm tra hành lý, các đối tượng ú ớ, trong bao hàng lòi ra 5 bánh bột màu trắng hình chữ nhật nghi là heroin. Qua lời khai và kết quả giám định, số hàng trên là 5 bánh heroin. 2 đối tượng khai nhận là 2 mẹ con Sầm Thị Liên (SN 1948) và Ngô Thị Yên (SN 1975, trú xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng). Cả 2 thừa nhận xách số ma túy trên cho một người phụ nữ tên Hà, không rõ địa chỉ, với giá 1 triệu đồng/1 bánh nếu trót lọt.

“Thật không khó để chứng kiến buôn lậu cõng hàng tấp nập, nhưng để bắt được chúng lại là một vấn đề gian nan…” - Trung tá Đạo cho biết. Nằm trên địa bàn xã Tân Thanh, (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), Đồn Biên phòng 59, được giao nhiệm vụ quản lý 14,65km đường biên giới với 2 xã giáp biên là Tân Thanh và Tân Mỹ, với 2 cửa khẩu phụ và một khu kinh tế tập trung đông đảo dân chúng đến làm ăn và du khách thăm quan. Khu vực do đồn quản lý có nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, địa hình hiểm trở thuận tiện cho các loại tội phạm hoạt động, đặc biệt là các loại tội phạm ma túy, mua bán vận chuyển tiền giả qua biên giới, buôn bán phụ nữ, trẻ em… 

Kỳ 2: Những cuộc chiến cam go trên đường biên giới - 2

Một vụ vận chuyển tiền giả vào Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử lí.
 
Trung tá Đạo cho biết, một trong những mánh khóe của giới làm ăn phi pháp trên cửa khẩu đường biên là lợi dụng những người dân bản địa, ít hiểu biết về pháp luật nhưng lại rất thông thạo các tuyến đường mòn vượt biên. Vì thế có khi đối tượng gùi hàng lậu, hàng cấm bị bắt nhưng kẻ buôn lậu thật sự đứng đằng sau giật dây lại thoát tội và ung dung ngoài vòng lao lý.
 

... và “săn” đêm

 

Chúng tôi có dịp tham gia một cuộc tuần đêm cùng Đội Tuần tra Kiểm soát thuộc Phòng CSGT CA tỉnh Lạng Sơn. Đúng 19h, hiệu lệnh xuất phát. Đèn tín hiệu của xe tuần tra quét loang loáng xé màn đêm hướng quốc lộ 1A nhằm thẳng lên vùng cửa khẩu Tân Thanh.

 

Trung tá Dương Văn Toàn - Đội trưởng Đội Tuần tra Kiểm soát - nói lực lượng “chim lợn” của giới buôn hàng lậu được cài cắm rất cơ bản, ngay khi lực lượng chức năng xuất phát từ trụ sở là bọn chúng đã thông báo cho nhau biết. Bao nhiêu xe, bao nhiêu chiến sĩ, bọn chúng đều biết cả.
 
Kỳ 2: Những cuộc chiến cam go trên đường biên giới - 3

Đội tuần tra chuẩn bị lên đường "săn" đêm.

 

Lúc này, trục đường chính quốc lộ 1A rất ít xe qua lại, ở bên kia con đường liên xã dốc cao đứng, hàng loạt những ánh đèn xe ô tô lao đi vun vút. Không khó để nhận ra đó là những chiếc xe “cóc” mà các đối tượng thường dùng để vận chuyển hàng lậu. Dân buôn lậu nơi đây thường gọi những chiếc xe đó là “quan tài bay” vì các đối tượng này khi có hàng thì phóng bạt mạng để trốn lực lượng chức năng truy đuổi.

 

Đoàn xe tuần tra từ từ hướng về khu cửa khẩu Tân Thanh, lúc này, Trung tá Toàn cho chúng tôi thâm nhập qua bộ đàm để biết đường dây “chim lợn” hoạt động chuyên nghiệp cỡ nào.

 

“2 beo, 1 tải, 1 bốn chỗ đang đi đấy nhé!” (ý muốn nói 2 chiếc xe mô tô, 1 xe tải, 1 xe bốn chỗ của Đội CSGT đang đi tuần), tiếng các đối tượng vang lên trong bộ đàm rồi im bặt. Một lúc sau lại vang lên: “2 beo đến bãi mía rồi! Bảo bọn nó xuống dốc bớt đèn đi”. Chúng tôi quan sát sang bên kia con đường liên xã Phú Xá - Hồng Phong - Thụy Hùng hướng thành phố Lạng Sơn, dốc cao dựng đứng, một bên là núi, một bên vực sâu, những chiếc “quan tài bay” vẫn loang loáng lao vút đi.

 
Kỳ 2: Những cuộc chiến cam go trên đường biên giới - 4

Với tần suất hoạt động dày đặc của toán "chim lợn", chuyến tuần đêm chỉ bắt được một vài người vi phạm ATGT.
 

Trung tá Toàn nói, nhìn thì như vậy nhưng mình lao sang đuổi bắt là dính chông ngay. Đấy là thủ đoạn mà các đối tượng vận chuyển hàng lậu chuyên sử dụng để tìm cách ngăn cản khi bị lực lượng chức năng truy đuổi. “Không lẽ mình bó tay?”, Trung tá Toàn giải thích: muốn bắt bọn chúng thì phải lên phương án phối hợp tính toán thật kỹ lưỡng, không thì gần như không thể.

 

22h đêm, đoàn tuần tra vẫn bám dọc quốc lộ 1A, không có bất cứ phương tiện chở hàng lậu nào qua đây. Nhưng bên kia con đường liên xã, đội quân buôn lậu vẫn lao đi vun vút. Chiếc bộ đàm của lực lượng tuần tra vẫn vang lên những tiếng trao đổi rành rọt: “Trong xe có cả quay phim chụp ảnh nữa đấy, không thằng nào được chạy ra đường ngoài…”.
 
Giới vận chuyển hàng lậu qua biên giới thường hoạt động vào buổi trưa và chiều tối. Đó cũng là khoảng thời gian “chim lợn” phải làm việc cật lực. Thường thì “chim lợn” sẽ theo dõi tình hình và phát lệnh để giới vận chuyển bắt đầu lên đường.
 
Lực lượng “chim lợn” được các chủ đầu nậu “nuôi”. Trong phạm vi nhất định, chúng sử dụng bộ đàm của Trung Quốc để liên lạc, xa hơn thì dùng điện thoại. Đó thường là các thanh niên choai choai không nghề nghiệp, nhanh nhẹn, va chạm xã hội nhiều.
 
Mỗi “chim lợn” hàng tháng được nhận lương cố định. Một “chim lợn” nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực “trinh sát”, hoạt động có hiệu quả có thể được hưởng lương từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Các “chim lợn” này còn kiêm nhiệm vụ chỉ huy cả một mạng lưới “chim lợn” cấp dưới, rải khắp các cung đường cơ quan chức năng thường tuần tra. “Chim lợn” đầu đàn cũng kiêm luôn nhiệm vụ điều hành các đoàn xe chở hàng thuê.
 
“Chim lợn” giỏi rất được đầu nậu cưng chiều, thậm chí cuối tháng còn tổ chức xét thưởng. Ngược lại, các đầu nậu khi tuyển “chim lợn” cũng rất khắt khe, thường phải do người quen giới thiệu. Nếu hàng của chủ bị bắt giữ mà các “chim lợn” không hay biết hoặc không phát hiện kịp thời cũng bị các đầu nậu phạt tùy theo mức độ.
 

Có thể nói, sự hoạt động khá bài bản và hiệu quả của những “chim lợn” này đang là bước chặn đáng kể cho công cuộc chống buôn lậu đầy cam go tại biên giới Lạng Sơn.

 

Hồng Ngân