1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kinh tế Trung Quốc: Sẽ hạ cánh “mềm” hay “cứng”?

(Dân trí) - Phương trình kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sẽ phải đương đầu không thuần túy bao hàm những biến số về tài chính.

Mà còn một biến số khác - tiềm ẩn nguy cơ không kém thua gì so với nợ xấu bất động sản: hệ thống mầm mống rối loạn xã hội đang tăng tốc.
 
Kinh tế Trung Quốc: Sẽ hạ cánh “mềm” hay “cứng”?  - 1
Đằng sau tấm màn nhung hào nhoáng của những con số, nền kinh tế Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Ảnh minh họa)
 

Sự thật, giả của những con số

 

Vẫn đang diễn ra những tranh luận không ngớt về kịch bản nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với triển vọng hạ cánh “cứng” hay “mềm” trong năm 2012.

 

Vào năm 2011, mặc dù một phần châu Âu chìm trong màn tối của suy thoái, nhưng Bắc Kinh vẫn đang cố gắng cầm cự. Vào tháng 10/2011, chính phủ quốc gia này thậm chí còn phát đi một thông điệp gây chấn động: sẽ giải cứu cả châu Âu!

 

Tiềm lực lớn nhất mà người Trung Quốc có thể tự tin dựa vào là nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ - trên 3.000 tỷ USD – chỉ đứng sau Mỹ.

 

Không chỉ có thế, thói quen tích trữ vàng dường như đang quay trở lại với Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Một tuyên bố gây sốc của cơ quan này vào giữa năm nay là trong tương lai Trung Quốc sẽ nâng mức dự trữ vàng lên đến 8.000 tấn. Với mức này, đó không chỉ là dự trữ ngoại hối thông thường, mà cả một kho vàng!

 

Nhưng đô la Mỹ và vàng vẫn chưa giải quyết được các vấn đề cơ bản của Trung hoa đại lục.

 

Từ tháng 10/2011, đã xuất hiện hàng loạt dấu hiệu bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ tiêu xuất khẩu sang Mỹ và Tây Âu – một trong những chỉ số kinh tế rất quan trọng của Trung Quốc – đã bị giảm khoảng một nửa so với năm 2010.

 

Giới phân tích có thể tin rằng tỷ lệ giảm sút đến 50% về xuất khẩu của Trung Quốc mang tính xác thực, vì lượng hàng xuất khẩu của quốc gia này không chỉ được đo đếm bằng các cơ quan thống kê bản địa, mà còn bởi sự tham gia của không ít tổ chức nghiên cứu về nhập khẩu của Mỹ, đặc biệt là những theo dõi rất kỹ của S&P, Moody’s hay Fitch Rating.

 

Nhưng còn tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc thì sao?

 

Nếu nói nghị quyết của Bộ chính trị quốc gia này thì cho đến nay GDP vẫn giữ được mức tăng đến 9% hoặc hơn thế một chút – một tỷ lệ vô cùng đáng mong ước của tất cả các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới.

 

Nhưng cũng đã xuất hiện những phản biện từ chính nội tại Trung Quốc. Lang Hàm Bình, giáo sư giảng dạy tại một trường đại học ở Hồng Kông, đã trở thành một trong những nguồn dẫn phản biện mang tính thách thức nhất.

 

Theo Lang, GDP ở Trung Quốc thực chất hiện nay chỉ khoảng 5,5-6%. Tỷ lệ này không chỉ bị tác động nặng nề do sụt giảm giá trị xuất khẩu, mà còn bởi khả năng trả nợ gần như vô vọng của các chính quyền địa phương cho Ngân hàng trung ương.

 

Người ta có thể nghĩ gì nếu so sánh con số công bố của Ngân hàng trung ương về nợ của chính quyền địa phương vào khoảng 1.650 tỷ USD, trong khi theo Credit Suisse – một hãng phân tích tín nhiệm độc lập của Thụy Sỹ, con số này lên đến 2.200 tỷ USD?

 

Có một vẻ gì đó mà Lang Hàm bình mô tả như “giả dối” trong những con số thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc.

 

Và thực chất của những biến số khác

 

Thị trường chứng khoán là một minh chứng rõ nét cho xu hướng vận động của nền kinh tế. Lập đáy khủng hoảng vào tháng 10/2008, chỉ số Shanghai Composite đã tăng gấp đôi trong 10 tháng sau đó. Nhưng từ tháng 10/2010, hầu hết các chỉ số chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và những nơi khác đã bắt đầu tiến vào chu kỳ điều chỉnh.

 

Cho đến tháng 12/2011, Shanghai Composite đã giảm gần 40% so với đỉnh phục hồi của nó vào tháng 8/2009, và chỉ còn cao hơn đáy khủng hoảng 2008 khoảng 26%. Điều này xét ra vẫn còn khả quan hơn thực trạng của các chỉ số chứng khoán CAC của Pháp, Euro Stocxx của Cộng đồng châu Âu. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã rơi vào vùng “tự do”, có nghĩa là phía dưới của nó sẽ không có những ngưỡng hỗ trợ có ý nghĩa, đủ sức để ngăn cản đà rơi của giá cổ phiếu.

 

Trong lịch sử tồn tại của mình, Shanghai Composite  cũng đã từng có đến 4 năm, từ 2001 đến 2005, vận động suy giảm dài hạn. Mà chỉ số này cũng được xem là một trong những thước đo chính đối với nền kinh tế Trung Quốc.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Shanghai Composite tái hiện giai đoạn lịch sử 2001-2005?

 

Một sự thật không thể phủ nhận là trong một năm qua, nhóm cổ phiếu bất động sản đã chịu cảnh mất giá mạnh nhất trên tất cả các sản chứng khoán Trung Quốc. Vào thời kỳ thị trường nhà đất tại nước này phục hồi mạnh vào năm 2009-2010, chính nhóm cổ phiếu bất động sản đã giúp tăng kéo lớn cho chỉ số chứng khoán. Còn hiện nay lại là hình ảnh trái ngược hoàn toàn.

 

Rõ ràng là thị trường bất động sản của Trung Quốc đang bắt đầu quá trình xì hơi bong bóng. Một năm sau thời điểm chỉ số chứng khoán bắt đầu tụt dốc, chỉ số bất động sản tại một nửa trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc cũng lần đầu tiên suy giảm. Vào thời điểm cuối năm 2001, không khác gì thị trường nhà đất Hà Nội, khắp nơi ở Trung Quốc lâm vào tình cảnh đóng băng giao dịch, đặc biệt là đối với phân khúc căn hộ trung – cao cấp.

 

Cũng chẳng khác mấy khung cảnh xã hội ở Hà Nội vào quý 3 năm nay, một số nơi như thành phố Ôn Châu ở Trung Quốc đã trở thành tiền lệ cho những cơn rối loạn về tín dụng đen bất động sản.

 

Roubini, người từng được xem là “chuyên gia tận thế” vì đã không sai trong dự báo về cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2008, đã nhấn mạnh về khả năng Trung Quốc có thể phải “hạ cánh cứng” từ năm 2013.

 

Nếu căn cứ vào những dự báo của Morgan Stanley, một ngân hàng có đội ngũ phân tích thuộc loại mạnh nhất ở Mỹ, những số liệu về GDP, tiêu dùng và xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2012 vẫn chưa có gì đáng phải quá lo ngại. Đất nước đông dân nhất thế giới này vẫn có thể chưa bị suy thoái khi vẫn giữ được tỷ lệ tăng trưởng GDP trên 8%.

 

Nhưng vào tháng 10/2011, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn của Trung Quốc đã đưa ra phát ngôn: “Hiện nay tình hình kinh tế toàn cầu cực kỳ nguy hiểm và đầy bất ổn. Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn đó là suy thoái kinh tế thế giới bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính sẽ kéo dài”.

 

Cho dù Vương Kỳ Sơn đề cập đến tình hình thế giới, nhưng theo giới phân tích, nhận định của Vương về “kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào cuộc suy thoái kéo dài và cảnh báo chính phủ Trung Quốc cần phải đẩy mạnh cải tổ tài chính để ứng phó với vấn đề này” là tín hiệu bi quan đầu tiên được Bắc Kinh thừa nhận.

 

Nhưng phương trình kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sẽ phải đương đầu không thuần túy bao hàm những biến số về tài chính – điều mà nếu muốn, Ngân hàng trung ương của quốc gia này hoàn toàn có thể tạo nên một hình ảnh “cải tổ” có lợi cho những chủ trương về chính trị.

 

Mà phương trình kinh tế trên đã chưa tính đến một biến số khác - tiềm ẩn nguy cơ không kém thua gì so với nợ xấu bất động sản: hệ thống mầm mống rối loạn xã hội đang tăng tốc.

 

Hà Giang