Kinh nghiệm làm thêm “để đời” của sinh viên

(Dân trí) - Để có thể tìm được công việc làm thêm tốt, cân bằng được giữa học và làm là một bài toán khó của sinh viên. Rất nhiều bạn trẻ đã làm được điều ấy, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của họ nhé!

Chứng tỏ mình để tìm công việc phù hợp với ngành học

 

Đỗ Thị Yến (CĐ Dược Hải Dương) tranh thủ những lúc rảnh rỗi đã đến xin thử việc và làm thêm ở một quầy thuốc. Đến nay, Yến đã làm nhân viên chính thức của quầy được 3 tháng. Những bài học đầu tiên bạn ở đây là: làm quen thuốc, nhớ được vị trí thuốc ở từng quầy cụ thể, biết áp dụng một số phương thuốc cho những bệnh đơn giản, …

 

Lương mỗi tháng của Yến chỉ có 1 triệu đồng nhưng bạn rất vui. Yến chia sẻ: “Mình biết số tiền này không phải là cao so với các công việc khác. Nhiều bạn bè cùng lớp làm các công việc như bán hàng, tiếp thị, … lương cao hơn nhưng lại không đúng với ngành nghề mình học.

 

Còn ở đây, Yến vừa được học hỏi kinh nghiệm, có cơ hội rèn luyện để thêm kiến thức thực tế và kỹ năng bán hàng, lại vừa đỡ đần được bố mẹ một phần nào thì đã là phần thưởng xứng đáng nhất đối với mình rồi.

 

Yến biết với sinh viên dược khó xin việc làm thêm vì chủ quầy đòi hỏi người có kinh nghiệm. Nhưng chúng ta hãy chứng tỏ với họ rằng mình có sự nhiệt tình, nhanh nhẹn, khả năng thích ứng nhanh với công việc.

 

Kể cả tháng đầu tiên không được trả lương, mình cũng vui vẻ đồng ý làm. Yến thấy điều quan trọng nhất mình luôn phải thể hiện ra cho họ thấy tinh thần học hỏi cao, cơ hội sẽ đến với chúng ta thôi”.

 

Chỉ qua một thời gian ngắn, khi đã quen với công việc, hiểu biết, khả năng nhớ tên thuốc của Yến rất tốt. Bên cạnh đó, bạn có thêm được khả năng giao tiếp, hiểu tâm lý khách hàng – một yếu tố vô cùng cần thiết với một người bán thuốc trong tương lai.

 
Nguyễn Huy Ba tranh thủ làm thêm theo chuyên ngành được đào tạo.
Nguyễn Huy Ba tranh thủ làm thêm theo chuyên ngành được đào tạo.
 

Nguyễn Huy Ba (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hiện nay đang là cộng tác viên cho một tờ báo mạng chuyên về thể thao. Công việc của Ba là khai thác thông tin, viết bài về chuyên mục mình làm. Ba cho biết: “Mình học chuyên ngành báo chí, mong muốn có thể áp dụng những kiến thức đã được học trên lớp vào công việc thực tế.

 

Chính vì chưa có kinh nghiệm viết báo nhiều nên thu nhập của mình không đều. Nhiều bạn bè lương cao hơn nhưng chưa bao giờ mình thấy nuối tiếc vì đã chọn làm cộng tác viên cho các tờ báo.

 

Với nghề này, nếu không năng động, tìm kiếm nơi để rèn luyện, cọ xát ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường thì đến lúc tốt nghiệp sẽ ít có cơ hội ứng tuyển vào các tòa soạn”.

 

Đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu

 

Ngọc Anh (ĐH Xây dựng) học khoa kiến trúc, làm thêm ở một công ty chuyên về tư vấn kiến trúc và nội thất. Bạn chia sẻ: “Với mình, mục đích đi làm thêm chính là học hỏi kinh nghiệm và tạo thêm thu nhập để san sẻ gánh nặng trên vai bố mẹ.

 

Nhưng Ngọc Anh cũng luôn xác định nhiệm vụ, công việc chính của bản thân chính là học tập. Bởi vì làm thêm chỉ là một trong những bước tiền đề, điều kiện để giúp mình đi đến công việc thực tế sau này bản thân hướng tới.

 

Tuy rằng tấm bằng không quyết định tất cả, quan trọng nhất vẫn là năng lực nhưng Ngọc Anh nghĩ rằng chỉ có việc học ở giảng đường với tấm bằng tốt nghiệp mới là hành trang để mình bước ra ngoài đời.

 

Bởi vậy mình đã tạm dừng công việc khi kỳ thi sắp đến, để có thời gian tập trung cho học tập, thi cử. Ngọc Anh đã trình bày cụ thể lý do với sếp để được thông cảm và tạo điều kiện tốt hơn nên cả hai việc học – làm của mình đều không bị ảnh hưởng nhiều lắm”.

 
Theo Thủy, việc tìm hiểu kỹ càng công việc trước khi làm thêm là điều tối quan trọng.

Theo Thủy, việc tìm hiểu kỹ càng công việc trước khi làm thêm là điều tối quan trọng.
 

Xác định lịch học – xây dựng kế hoạch cụ thể

 

Nguyễn Thị Thủy (Học viện Tài chính) mới xin được công việc làm cộng tác cho một ngân hàng, địa điểm ngay gần trường đại học bạn đang theo học. Thủy tìm kiếm khách hàng, thuyết phục họ mở tài khoản và hưởng phần trăm theo doanh số đạt được.

 

Trước khi nộp hồ sơ, Thủy đã tìm hiểu kỹ càng về thời gian, bản chất công việc xem có thực sự phù hợp với mình không. Thủy chia sẻ: “Làm thêm là cơ hội để mình trải nghiệm thêm nhiều điều về con người, cuộc sống. Bên cạnh đó, Thủy cũng được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, tích lũy được kinh nghiệm sống nhưng không vì thế mà mình quá lao vào.

 

Ngay từ khi được nhận vào làm, việc đầu tiên mình thực hiện chính là lập ra bản kế hoạch của bản thân trong thời gian tới. Đã nắm được lịch học cho kỳ tới nên mình sắp xếp thời gian biểu thật hợp lý. Mặc dù chỉ sắp xếp và tuân theo thôi nhưng cũng vô cùng khó khăn bởi cuộc sống đâu phải luôn đi theo một lộ trình nhất định.

 

Cho dù không thể dung hòa tuyệt đối được học và hành nhưng mình vẫn phải cố gắng hết sức. Thời gian dành cho học tập và công việc đã chiếm hết quỹ thời gian nhưng mình vẫn ưu tiên một khoảng không gian cho thư giãn, giải lao để có thể lấy lại được cảm hứng và sáng tạo.

 

Hy vọng rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp các bạn vừa giữ được kết quả học tốt lại có những trải nghiệm thú vị khi làm thêm nhé!

 

Hoàng Dung