1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nam:

Kinh hãi với nguồn nước máy tại ngôi làng nhiễm asen nặng nhất nước

(Dân trí) - Nhiều năm nay, người dân thôn Yên Lão, xã Hoằng Tây, huyện Kim Bảng (Hà Nam) phải sử dụng nguồn nước máy bị nhiễm asen (thạch tím) được coi là cao nhất cả nước. Nguồn nước bị nhiễm asen khá nặng, nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác.

“Làng ung thư” Yên Lão


Theo công bố của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào tháng 2/2015, thôn Yên Lão xếp thứ 5 trong danh sách 10 làng ung thư trên cả nước.

Thôn Yên Lão còn được gọi là “làng ung thư” nằm cạnh sông Nhuệ, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của asen. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tỷ lệ người dân ở thôn Yên Lão chết trước tuổi 50 vì ung thư, bệnh tật chiếm khoảng 35% trong tổng số người chết toàn xã Hoàng Tây.

Kinh hãi với nguồn nước máy tại ngôi làng nhiễm asen nặng nhất nước
Nguồn nước máy ở Yên Lão bị nhiễm asen khá nặng, nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào 

Theo phản ánh của người dân nơi đây, cách đây hơn 10 năm, khu vực sông Nhuệ đã bắt đầu ô nhiễm, nước sông Nhuệ có màu đen, bốc mùi hôi thối. Đặc biệt vào những ngày có gió mùa Đông Bắc, cả thôn Yên Lão phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc phả vào. Lâu dần, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. Khi người dân dùng nguồn nước giếng khoan bơm lên thì thấy bị ngứa, tiêu chảy xảy ra rất nhiều.

Theo thống kê của trạm y tế xã Hoằng Tây, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm xã có từ 5 đến 6 người chết vì ung thư, trong đó thôn Yên Lão tập trung nhiều người chết vì ung thư ở độ tuổi còn trẻ (chủ yếu là 45 đến 50 tuổi). Trong khi toàn xã đang có 11 người phải điều trị ung thư, riêng thôn Yên Lão đã chiếm tới 8 người.

Mái tôn biến thành màu vàng óng khi phun nước máy
Mái tôn biến thành màu vàng óng khi phun nước máy

Kết quả thẩm định xét nghiệm nguồn nước ngầm tại thôn yên Lão cho thấy, nguồn nước ngầm ở Hoàng Tây có tỷ lệ tạp chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép, trong đó hàm lượng asen cao hơn 0,01 mg/L có nơi còn lên đến 0,25 hoặc 0,3 mg/L so với giới hạn tối đa TCVN.

Anh Bùi Văn Thiết, Phó Trưởng thôn Yên Lão cho biết: “Trước đây chưa biết nguồn nước bị ô nhiễm thì cũng vô tư sử dụng nước giếng khoan. Sau này, khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng, khi nấu cơm thì cơm chín lại có màu vàng, rau luộc khi vớt ra thì nước đen ngòm…”.

Dẫn chúng tôi lên tầng 2, anh Thiết chỉ vào các mái tôn khu chăn nuôi của gia đình một màu vàng úa, anh Thiết cho biết do bơm nước giếng khoan phun làm mát khu chuồng chăn nuôi, nên các mái tôn bị bám phèn vàng óng.

Để chứng minh nguồn nước máy kinh hãi ra sao, anh Thiết mang theo chiếc cốc chứa nước vừa bơm trực tiếp từ giếng khoan lên, ngay khi rót nước chè vào cốc nước máy, ngay lập tức màu nước trong chiếc cốc biến đổi thành một màu đen kịt, nổi váng và sủi bọt trắng mặt cốc. Khảo sát thêm một số gia đình khác, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự.

Bà Nguyễn Thị Thoa (49 tuổi), người dân trong thôn cho biết: “Nước ở đây bị ô nhiễm nặng nề từ dòng sông Nhuệ cách vài trăm mét. Nước bơm lên có mùi tanh, màu vàng. Gia đình tôi đã đào giếng nhiều lần với các độ sâu khác nhau, nhưng màu nước vẫn thế. Khi giặt quần áo thì vàng ố hết”.

Cốc nước máy biến thành màu đen khi rót nước chè vào
Cốc nước máy biến thành màu đen khi rót nước chè vào

Ông Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoằng Tây cho biết: “Mặc dù không có căn cứ khẳng định nguồn nước là nguyên nhân gây ung thư, song đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến người dân mắc ung thư cũng như các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da…Trạm Y tế xã cũng liên tục khuyến cáo người dân không nên dùng nước máy vào việc ăn uống”.

Làng ung thư khát nước sạch

Do việc bơm nước giếng khoan lên lại có mùi hôi tanh, nồng nặc khiến nhiều người dân nơi đây luôn phải lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Để khắc phục tình trạng trên, người dân phải xây dựng bể chứa nước mưa để dùng.

Khảo sát một gia đình khác, hiện tượng này vẫn xảy ra
Khảo sát một gia đình khác, hiện tượng này vẫn xảy ra

Thôn Yên Lão là một khu vực thuần nông của xã Hoằng Tây nên mặt bằng kinh tế không mấy khá giả. Hiện nay, toàn xã Hoàng Tây có hơn 1700 bể chứa nước mưa gia đình, mùa mưa thì đủ nước ăn uống nhưng đến mùa khô thì nguồn nước mưa chỉ đáp ứng được 70 – 80% nhu cầu thiết yếu nhất.

Một số gia đình tích cóp từng đồng để xây bể chứa nước vào mùa mưa để thay thế cho nước giếng khoan. Nhiều hộ gia đình không có điều kiện kinh tế đành chấp nhận sử dụng nước giếng khoan được bơm lên rồi qua hai ba lần lọc nước để sử dụng nhưng cũng ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe của người dân.

Sau khi rót nước chè, nước sủi bọt trắng và đóng váng bề mặt
Sau khi rót nước chè, nước sủi bọt trắng và đóng váng bề mặt

Anh Bùi Văn Thiết, phó trưởng thôn Yên Lão cho hay: “Vào mùa Đông hay mùa mưa thì nước mưa còn đủ, chứ vào những ngày hè, như mùa hè năm nay thì bà con chúng tôi thực sự không biết xoay như thế nào, không có nước sạch để dùng, mà dùng nước máy thì chả ai dám đụng đến”.

Người dân nơi đây hi vọng sẽ sớm thoát khỏi tình trạng khát nước sạch
Người dân nơi đây hi vọng sẽ sớm thoát khỏi tình trạng "khát" nước sạch

Theo người dân cho biết, tại xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý, cách xã Hoằng Tây không xa (trước đây thuộc huyện Kim Bảng) có xây dựng nhà máy cấp nước sạch, dự án này đã triển khai xong đường ống cấp nước. Người dân nơi đây hi vọng xã Hoằng Tây sẽ được chính quyền các cấp tạo điều kiện, quan tâm cung cấp nước sạch cho họ đảm bảo điều kiện sinh sống.

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục xã hội, quý độc giả có thể gửi đến ban Xã hội báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailxahoi@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Đức Văn