ĐBSCL:

Kinh hãi nhìn vỏ thuốc trừ sâu vứt tràn trên đồng ruộng

(Dân trí) - “Nói thiệt với các anh, mỗi lần phun xịt lúa xong là mệt lắm rồi nên chỉ muốn nhanh chân về nhà nghỉ ngơi, còn sức đâu mà thu gom các vỏ chai, bao bì... Vả lại tôi gom về rồi biết bỏ ở đâu cho an toàn?”, một người nông dân vô tư nói về những vỏ chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu.

Bỏ rác ngoài đồng vì không có chỗ “tiêu thụ”

Mỗi mùa vụ hiện nay, ở vùng ĐBSCL, đi quanh những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái hay tại các đường dẫn nước vào đồng ruộng, chúng ta dễ dàng bắt gặp rác thải vật tư nông nghiệp vứt bừa bãi trên bờ lẫn dưới kênh, mương. Bấy lâu nay, nhiều nông dân có thói quen sau khi sử dụng các loại vật tư nông nghiệp (VTNN), thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xong là vứt bỏ tại chỗ. Có rất ít nông dân mang các loại rác thải này tập trung về một nơi an toàn, xử lý.

Anh Trần Văn Nam, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết: “Trong vụ lúa năm nay, do dịch bệnh nhiều nên tôi phải phun xịt đến 8 lần/vụ, mỗi lần phun trộn 3 - 5 loại thuốc... nên chỉ riêng phí đầu tư đã lên đến 2,5 triệu đồng/công". Hỏi các chai thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng xong anh bỏ ở đâu? Anh Nam trả lời không suy nghĩ: Vứt ở bờ mẫu hay vứt xuống kênh vài ngày nó trôi đi thôi, hoặc nó chìm xuống đáy ao.

Kinh hãi nhìn vỏ thuốc trừ sâu vứt tràn trên đồng ruộng

Còn anh Lê Tấn Lắm, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), cho biết, từ khi sạ cho đến thu hoạch, anh phải sử dụng từ 4-6 lần phun thuốc cho lúa. Nếu năm nào gặp sâu bệnh nhiều là phải phun từ 8-10 lần/vụ. Cuối vụ nhìn lại đống rác thải từ vỏ chai đến bao bì nằm la liệt trên bờ kênh. “Nói thiệt với các anh, mỗi lần phun xịt lúa xong là mệt lắm rồi nên chỉ muốn nhanh chân về nhà nghỉ ngơi, còn sức đâu mà thu gom các vỏ chai, bao bì...Vã lại tôi gom về rồi biết bỏ ở đâu cho an toàn?”, anh Lắm vô tư nói.

Hỏi thăm thêm nhiều nông dân khác, đa phần họ đều cho biết, các vỏ chai, bao bì thuốc BVTV là độc, khó phân hủy nhưng họ ít có thói quen thu gom. “Thật sự chúng tôi cũng muốn gom về nhà, nhưng mang về nhà làm gì, để ở đâu cho an toàn? Vì sơ sảy, tụi nhỏ lấy chơi là tai hại khó lường. Phải chi chúng tôi mang chai thuốc, bao bì BVTV về, có tổ chức, đơn vị nào đến thu gom thì chúng tôi sẽ hưởng ứng ngay”, anh Nguyễn Thanh Hiên – xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai - cho biết.

Nhiều nông dân suy nghĩ rằng, bản thân họ chỉ bỏ một vài chai, vài ba vỏ bọc… chẳng đáng gì. Nhưng nếu tính riêng ở vùng ĐBSCL có biết bao người trồng lúa, làm vườn… Do vậy, chỉ cần mỗi người bỏ vài chai, vỏ bao bì thuốc BVTV ra đồng ruộng là đã lên hàng tấn rác thải loại này. Trong khi đó, các loại rác thải từ VTNN là những chất khó phân hủy. Khi vứt bừa bãi trên đồng ruộng, nếu bị vùi lấp dưới đất, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giảm độ màu mỡ của đất... Và còn nhiều tác hại khác mà chúng ta chưa lượng được hết.

“Cánh đồng lớn”… rác thải VTNN phải nhỏ

ThS. Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, cho biết: Nhằm giúp nông dân giảm chi phí phun thuốc, tăng lợi nhuận đồng thời, tránh sự nhiễm độc, hạn chế ô nhiễm môi trường từ việc giảm vứt rác thải VTNN ra môi trường. An Giang là một trong những tỉnh đi đầu ở ĐBSCL gần 10 năm qua, nhiều cán bộ BVTV khuyến cáo và tập huấn cho nông dân về việc sử dụng thuốc BVTV theo chương trình IPM, “1 phải 5 giảm”, “4 đúng”  và  chương trình “3 giảm 3 tăng” Điều đó không những tăng lợi nhuận mà còn hạn chế chế sử dụng thuốc BVTV tối đa từ đó đồng nghĩa lượng rác thải VTNN cũng giảm đi đáng kể.

Ông An cho biết thêm, năm 2010 sinh viên ngành BVTV Trường đại học An Giang đã điều tra về lượng rác thải VTNN. Theo điều tra này, SV đã đưa ra một con số về việc sử dụng thuốc cho 3 vụ SX lúa trong năm là, “khoảng 5.693 tấn thuốc nông dược đổ trên đồng ruộng; trong đó, vỏ bao bì thuốc chiếm khoảng 894,5 tấn, tương đương 14,64% lượng thuốc sử dụng. Nếu con số này đúng thì thật là nguy hiểm cho chính sức khỏe người nông dân làm lúa và cũng đáng lo cho chính môi trường sống của chúng ta ở hiện tại và cả tương lai.

Kinh hãi nhìn vỏ thuốc trừ sâu vứt tràn trên đồng ruộng
Rác thải nông nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, môi trường đất, nước và nguồn lợi thủy sản...

Vì vậy, theo ông An quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho người nông dân về việc sử dụng phân thuốc, ý thức gom bao, vỏ thuốc khi dùng xong. Do đó, để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, mọi người cần phải tự giác nâng cao ý thức thu gom rác thải VTNN. Sau khi sử dụng xong nên phân loại rác thải và xử lí an toàn.

Còn TS. Phạm Văn Toàn, Phó trưởng Bộ môn Kĩ thuật Môi trường, Khoa Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ, cho biết, ngày càng có nhiều loại thuốc BVTV, kích thích tăng trưởng được sử dụng trên đồng ruộng. Nguồn gốc xuất xứ, thành phần hóa học phức tạp, trong đó có không ít loại có độ độc hại cao, khả năng lưu giữ trong môi trường lâu. Sử dụng các loại hoá chất trên lâu dài sẽ làm cho đất, nước nông sản bị ô nhiễm không bảo đảm sức khoẻ cho người sử dụng. Hoá chất sử dụng ngày càng nhiều nhưng các biện pháp làm sạch môi trường đồng ruộng, diệt trừ mầm bệnh trước khi bước vào vụ sản xuất mới lại ít được nông dân quan tâm thực hiện, do vậy lượng hoá chất BVTV còn đọng lại ở vỏ chai, bao bì làm ảnh hưởng môi trường  rất lớn.

Thiết nghĩ, các tỉnh thành ĐBSCL đang tập trung thực hiện đề án, kế hoạch “tái cơ cấu nền nông nghiệp” theo chủ trương của Chính phủ, đây là chủ trương lớn rất được Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân quan tâm. Tuy nhiên, trong lúc ngành nông nghiệp chuyển mình đến một bước tiến mới thì chính những thay đổi nhỏ trong cách quản lý ngành nông nghiệp hiện nay, như: siết chặt nạn phân, thuốc giả; tăng cường công tác khuyến cáo nông dân giảm liều lượng phân, thuốc BVTV và nhất là tình trạng rác thải nông nghiệp “rải” tràn lan như hiện nay thì cần ngay biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời để “cánh đồng lớn” thêm lớn, thêm xanh và sạch rác thải nông nghiệp. 

                                                Nguyễn Hành – Lê Vũ