“Kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng sức mạnh, trí tuệ Việt Nam”

(Dân trí) - “Tại Biển Đông, Việt Nam có quyền và lợi ích theo quy định của luật pháp quốc tế. Đối với Việt Nam, chủ quyền quốc gia là tối thượng. Với truyền thống lịch sử, Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng sức mạnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam…”.

Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - một chuyên gia nghệ thuật quân sự.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu:

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: "Việt Nam cần tranh thủ tuyệt đối những sự ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình". (Ảnh: Công an nhân dân)

PV: Biển Đông hiện đang đứng trước nguy cơ mất ổn định cao cũng như bị thay đổi hiện trạng. Những nguy cơ đó đến từ Trung Quốc khi họ không chỉ có những hành động như bồi đắp các đảo đã chiếm của Việt Nam, đưa vũ khí ra các đảo đó… mà còn liên tục tuyên bố của quyền của họ tại vùng biển này. Thưa Thượng tướng, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: Biển Đông là vùng biển quốc tế quan trọng của thế giới. Vì vậy, bất kỳ hành động nào gây ra sự mất ổn định cũng như thay đổi hiện trạng tại vùng biển này đều sẽ bị thế giới lên án mạnh mẽ.

Tại Biển Đông, Việt Nam có quyền và lợi ích theo quy định của luật pháp quốc tế. Đối với Việt Nam, chủ quyền quốc gia (vùng đất liền, vùng biển, vùng trời) là tối thượng. Với truyền thống lịch sử, Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng sức mạnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam…

Một trong những hành động lên án mạnh mẽ từ quốc tế chính là việc Mỹ có các hành động quyết liệt như điều máy bay trinh sát và tàu chiến đến Biển Đông. Việc này đưa đến nhiều quan điểm về hành động Việt Nam – một quốc gia có liên quan trực tiếp tại Biển Đông trong thời gian tới. Đó là Việt Nam nên có hành động như thế nào khi ở thế nằm giữa hai cường quốc: Hoa Kỳ và Trung Quốc. Quan điểm của Thượng tướng về việc này như thế nào?

Những bài học lịch sử trong quá trình dựng nước giữ nước, chống quân xâm lược hàng ngàn năm qua cho thấy “giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc” chính là hành động phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Việc nhiều nước lên tiếng cũng như có hành động phản đối Trung Quốc là một trong những yếu tố góp phần giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc. Việt Nam cần tranh thủ tuyệt đối những sự ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình. Và tôi cho rằng, chỉ khi chúng ta chọn tư thế tự chủ, độc lập dân tộc thì những sự giúp đỡ kia mới có ý nghĩa thực sự.

Mới đây tờ Thời báo tài chính lớn nhất Nhật Bản Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) đã nêu 3 bước để Mỹ “siết chặt” Trung Quốc. Đầu tiên, Mỹ sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, công khai hành vi của Trung Quốc tới dư luận quốc tế. Thứ hai là Mỹ nhiều lần nhắc lại và khẳng định, chỉ trích Trung Quốc đang là tác nhân gây trở ngại cho tự do hàng hải và thực thi luật pháp quốc tế ở biển Hoa Đông cũng như Biển Đông. Thứ 3 là Washington chắc chắn sẽ điều máy bay vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông để tỏ rõ cho Bắc Kinh thấy rằng Mỹ không thừa nhận chủ quyền mà Trung Quốc "nhận bừa" tại khu vực này. Dưới góc độ một chuyên gia về nghệ thuật quân sự, ông đánh giá như thế nào về những thông tin trên?

Trên thực tế, những dự đoán trên đang trở thành hiện thực khi chúng ta được chứng kiến hàng loạt hoạt động của Mỹ: từ việc điều máy bay trinh sát, tàu chiến đến Biển Đông cho đến thái độ quyết liệt của Mỹ tại Đối thoại Shangri – La 2015.

Khi các bước đi trên được thực hiện thì đó đều là những hành động mang tính “hòa bình”, là những bước đi đấu tranh khôn ngoan, bài bản trong thời đại hiện đại – lấy pháp luật quốc tế làm cơ sở để hành động.

Và tôi tin rằng những hành động đó từ Mỹ sẽ rất có sức nặng đối với Trung Quốc.

Việc Mỹ đẩy mạnh hoạt động tại Biển Đông được cho là những hành động tiếp theo trong việc chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà họ đã tuyên bố từ trước. Vậy theo Thượng tướng, hành động nào là cần thiết nhất đối với Việt Nam cũng như các nước liên quan đến khu vực Biển Đông trong thời điểm này để bảo vệ lợi ích của mình?

Có một vấn đề mà nhiều người đã nhắc đến là Biển Đông là khu vực có nhiều nước liên quan. Vì thế, những đàm phán về vấn đề tại vùng biển này cần phải có sự có mặt của nhiều nước, tức là đàm phán đa phương chứ không phải song phương.

Trong bối cảnh này, tôi ủng hộ ý kiến này và hơn lúc nào hết, các nước ở khu vực Biển Đông cần thường xuyên ngồi lại với nhau để đưa ra những quyết định mang tính toàn diện. Và những quyết định mang tính đa phương như vậy sẽ đem lại hiệu ứng mạnh hơn trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Hiện Quốc hội Việt Nam đang họp. Có nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội Việt Nam nên có kết luận hoặc cao hơn là ra một nghị quyết về vấn đề Biển Đông. Thượng tướng đánh giá như thế nào về các ý kiến này?

Tôi nghĩ rằng ít nhất Quốc hội họp lần này nên có những kết luận hoặc tuyên bố về vấn đề Biển Đông. Việt Nam là nước có lợi ích rất lớn ở khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, một kết luận hay một tuyên bố (và cao hơn có thể là một Nghị quyết) sẽ có ý nghĩa lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông. Nó không chỉ có ý nghĩa trực tiếp thể hiện thái độ của Việt Nam mà còn là thông điệp tích cực đến các nước khác trong vấn đề đấu tranh trước những hành vi trái pháp luật quốc tế của Trung Quốc tại vùng biển này.

Việc Mỹ có những hành động quyết liệt trong bối cảnh hiện nay được cho là một “biến số” lớn trong “bài toán Biển Đông”. Thượng tướng có dự đoán gì về tình hình Biển Đông trong thời gian tới?

Việc xảy ra xung đột về quân sự là rất thấp nhưng Việt Nam không loại trừ một tình huống nào. Tuy nhiên, có một phương diện khác mang tính chất sống còn chính là kinh tế. Hiện nay Trung Quốc có quan hệ thương mại với rất nhiều nước trên thế giới. Những hành động ngang ngược của Trung Quốc không chỉ đang hạ thấp uy tín của họ trên trường quốc tế mà đến một giới hạn nào đó sẽ khiến các nước yêu chuộng chính nghĩa và tôn trọng luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được.

Tôi nghĩ rằng một biện pháp nào đó về kinh tế không phải là biện pháp không thể áp dụng trong bối cảnh phát triển hòa bình đòi hỏi các nước phải có trách nhiệm chung đối với các vấn đề quốc tế như hiện nay.

Và trong quá trình đó, tất yếu, những nước có chung ý tưởng mong muốn xây dựng Biển Đông trở thành một vùng biển quốc tế ổn định, thịnh vượng có thể sẽ tiến sát đến nhau hơn trên nhiều phương diện hợp tác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Chính Quang