TPHCM:

“Khủng hoảng” ùn tắc và tai nạn giao thông

(Dân trí) - TPHCM những tháng đầu năm 2008, số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông và số vụ ùn tắc giao thông đều có xu hướng gia tăng, tháng sau cao hơn tháng trước. Một nguyên nhân chung của tình trạng trên là những công trình đào đường.

Theo phòng Cảnh sát giao thông đường bộ TPHCM, trong tháng 5, TP xảy ra 91 vụ TNGT, làm chết 86 người và bị thương 21 người. So với tháng 4 thì số vụ TNGT giảm 4 vụ, nhưng số người chết lại tăng 6 người. Trong khi đó tháng 3 chỉ có 88 vụ TNGT làm 74 người chết.

 

Một trong những nguyên nhân khiến số vụ TNGT tăng cao là do những công trình đào đường “vô tội vạ” giăng khắp TP. Các hố công trình đào đường là những cái bẫy chết người.

 

Gần đây nhất là vụ tai nạn vào ngày 3/3/2008 trên đường Lê Văn Lương (quận 7). Cuối năm 2007, công ty cấp thoát nước đào đường đặt ống cấp nước nhưng không tái lập mặt đường, chỉ trải một lớp đá; khi ông Trương Quốc Tuấn đi xe gắn máy vào khu vực này, cán nhầm cục đá xanh lớn làm xe mất thăng bằng ngã xuống đường. Không may có một xe buýt chạy qua đã cán chết ông. 

 

“Khủng hoảng” ùn tắc và tai nạn giao thông - 1

Ngày tắc...

 

Trước đó, vào ngày 25/6/2007, em Vương Khải Nghĩa cũng đã chết đuối dưới hố công trình trên đường Trần Văn Kiểu (quận 6). Hố công trình này thuộc dự án Đại lô Đông Tây, gặp trời mưa ngập nước nên không thi công, nhưng công trình không được rào chắn nên xảy ra tai nạn thương tâm trên.

 

Gần đây, nhiều công trình đào đường thi công lắp đặt cống thoát nước cũng có hiện tượng không rào chắn một phần nào đó, dù hố rất sâu; đặc biệt là các tuyến đường vùng ven như Trường Chinh, Âu Cơ, Trường Sa, Hoàng Sa… Đây là hiểm họa cho trẻ nhỏ và người đi đường.

 

Ngoài ra, các công trình có rào chắn đầy đủ nhưng không an toàn cũng là hiểm họa. Thời gian gần đây hay xảy ra tình trạng rào chắn ngã đè người đi đường. Trong hai ngày 30 và 31/5 đã liên tiếp xảy ra hai vụ sập rào chắn ngã làm hai người bị thương, trong đó có một người bị thương rất nặng. 

 

Trước đó, đầu tháng 5, dãy rào chắn trước UBND phường 13, quận 3 cũng đã ngã trong một cơn gió lớn; giữa tháng 5, rào chắn trên đường Nguyễn Văn Trỗi (gần cầu Công Lý) cũng ngã, rất may trong 2 vụ này không ai bị thương. Cũng trong tháng 5, một rào chắn trên đường Hoàng Văn Thụ cũng đã ngã đè một ô tô, nhờ ô tô cản nên những người đi xe máy thoát nạn.

 

“Khủng hoảng” ùn tắc và tai nạn giao thông - 2

... đêm cũng tắc.

 

Trước tình trạng TNGT tăng cao vì những cái “bẫy” công trình, Thanh tra sở GTCC TP đã ráo riết kiểm tra và xử phạt nhiều trường hợp rào chắn thiếu an toàn. Nhưng đặc điểm công trình đào đường là rào chắn ban đầu có thể an toàn, qua thời gian dài thi công, độ rung khi đào đất, xe cộ lưu thông mới làm rào chắn dịch chuyển và nghiêng ngã, đất mép hố sụt xuống, dễ gây ngã đổ rào chắn. Do đó, chỉ có các đơn vị thi công thường xuyên kiểm tra mới tránh được tai nạn này. 

 

Còn tình trạng đào đường không rào chắn, không tái lập mặt đường hay tái lập cẩu thả là một vấn nạn của TP mà ngay cả Thanh tra sở GTCC cũng phải than. Bởi mỗi năm Thanh tra Sở kiểm tra xử phạt hàng trăm trường hợp, con số không phát hiện được còn nhiều hơn.

 

Biện pháp hữu hiệu trước mắt có lẽ chính người dân nên tự bảo vệ mình: không phóng nhanh trên đường lạ, đề cao cảnh giác khi đi ngang các lô cốt vào lúc trời mưa gió, tránh xa những rào chắn có dấu hiệu nghiêng ngã…

 

“Khủng hoảng” ùn tắc và tai nạn giao thông - 3

Rào chắn thi công dựng mong manh, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể đổ ập vào người đi đường.

 

Một vấn nạn khác của TPHCM là tình trạng ùn tắc giao thông. Trong tháng 5 có đến 10 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; trong khi tháng 4 chỉ có 4 vụ. Số vụ ùn tắc kéo dài chưa đến 30 phút thì không thống kê được. Bởi TP có đến 128 vị trí thường xuyên ùn tắc trong các giờ cao điểm mỗi ngày.

 

Giải thích lý do số vụ ùn tắc tăng cao, CSGT TP cho là do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân TP quá kém, thường xuyên vượt đèn đỏ, lấn tuyến… Ngoài ra, số rào chắn thi công đào đường dựng lên quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ùn tắc.

 

Bài và ảnh: Tùng Nguyên