Khủng hoảng chất thải, Hà Nội không còn chỗ chứa rác

(Dân trí) - Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chất thải. Hà Nội đang tồn tại một thực tế: Khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. Chỉ đến năm 2012, thành phố sẽ không còn chỗ đổ rác.

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chất thải. Trên thực tế, hiện các bãi chứa rác của Hà Nội gần như đầy ứ và không còn năng lực để xử lý. Thực trạng tại thành phố HCM cũng không sáng sủa hơn, mỗi ngày thành phố này thải ra  trên 7.000 tấn rác, ước tính một năm cần trên 235 tỷ đồng để xử lý. Nhiều khảo sát cũng cho thấy công nghệ chôn lấp và xử lý rác mà bấy lâu nay Hà Nội và các địa phưowng trên toàn quốc đang thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập; nghiêm trọng nhất là các bãi rác thải đã gây ô nhiễm nguồn nước, khí thải và lãng phí tài nguyên đất.

Ông Nguyễn Trung Việt, Phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố HCM lấy ví dụ: Chỉ tính riêng chất thải rắn công nghiệp tại Hà Nội, mỗi ngày được thu gom thông qua hệ thống của Công ty môi trường đô thị vận chuyển về Nam Sơn để xử lý đã lên tới 70-100 tấn/ngày, chiếm trên 50-60% lượng chất thải công nghiệp được thu gom. Một phần nhỏ được thu gom vận chuyển để xử lý tái chế, số còn lại được chuyển về Nam Sơn xử lý tiêu hủy. Về đến đó, chất thải công nghiệp không nguy hại chỉ được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, đóng rắn; số chất thải nguy hại cơ bản được xử lý bằng phương pháp đốt với lò đốt chất thải công nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga; Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cũng bày tỏ trăn trở về rác thải y tế, đặc biệt là chất thải rắn y tế nguy hại. Theo ông Nga, hệ thống bệnh viện, bao gồm các bệnh viện tại Hà Nội mỗi ngày thải khoảng 40,5 tấn (chiếm 11,7% tổng lượng chất thải phát sinh). Dự kiến, năm  2015 - 2020, con số này lần lượt là trên 70 tấn/ngày và trên 93 tấn/ngày.  Nếu khối lượng rác khổng lồ đó không được xử lý đúng chuẩn, đó sẽ là ẩn họa khó lường cho cuộc sống của người dân.

Khủng hoảng chất thải, Hà Nội không còn chỗ chứa rác - 1
Rác thải không kịp xử lý tràn lan khắp mọi nẻo đường Hà Nội. (Ảnh: CTV)
 
Hiện công nghệ đốt đang được một số bệnh viện áp dụng để xử lý loại rác thải nguy hại nhưng chỉ là các lò nhỏ, chưa có hệ thống xử lý khí thải nguy hại. Vấn đề triển khai công nghệ phù hợp với Việt Nam nhằm giải quyết thách thức về rác thải đang là mối quan tâm của Chính phủ và nhiều doanh nghiệp.

Tại hội thảo Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng WtE và khả năng triển khai tại Việt Nam” vừa được tổ chức sáng hôm qua (30/6), ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, đơn vị này dự định triển khai mô hình xử lý rác thải (WtE) tại Việt Nam. Ông Phương đề nghị xem xét WtE như một trong các giải pháp công nghệ xử lý giải quyết bài toán chất thải .

Tham gia ý kến, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kỹ thuật VACNE cho rằng, để áp dụng đốt rác thải thu năng lượng ở Việt Nam, vệc phân loại rác thải phải được thực hiện tốt: loại bớt độ ẩm trong rác, chỉ chọn những loại rác thải có nhiệt trị cao... đồng thời phải thực hiện với khối lượng rác thải lớn. Vì thế công nghệ này chỉ nên áp dụng ở vùng kinh tế phát triển, đông dân, rác có nhiệt trị lớn như Hà Nội, TPHCM.
 
Khủng hoảng chất thải, Hà Nội không còn chỗ chứa rác - 2
Khủng hoảng chất thải (Ảnh: Bá Hải)

Theo bà Chi, công nghệ này đòi hỏi chi phí đầu tư lơn nên nhìn về mặt hiệu quả kinh tế, phương pháp đốt chất thải tạo năng lượng không có lợi thế. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ để lại môi trường sạch cho thế hệ tương lai... 

Đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ, vấn đề nguồn kinh phí đang là rào cản lớn nhất để đưa các công công nghệ xử lý rác thải về Việt Nam Đồng cảm với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Hòa Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu: "Rào cản lớn nhất cho các công nghệ xử lý chất thải triệt để, tiên tiến ở Việt Nam là chi phí đầu tư. Thực ra, cơ chế về chính sách có nhiều nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận. Cùng đó, lựa chọn công nghệ phù hợp là vấn đề của chính quyền địa phương và nhà đầu tư. Vì thế, việc xã hội hóa không nằm ngoài yêu cầu của Nhà nước và vai trò của các nhà đầu tư như Vinaconex trong vấn đề xử lý rác thải này là rất quan trọng".

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Phương, chuyên gia cao cấp về môi trường, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam gợi ý:  Chính phủ Việt Nam cũng như các nhà đầu tư có thể dùng để tiếp cận nguồn vốn, đầu tư cho các dự án xử lý rác thải nói riêng và các mục đích đầu tư công nói riêng. Sau phát biểu của bà Phương, nhiều doanh nghiệp tìm đến bà nhờ gợi ý về cách thức vay vốn từ WB.
 

Theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2010, Việt Nam sẽ phải hình thành một nền Công nghiệp Môi trường, phấn đấu giảm thiểu lượng rác chôn lấp xuống chỉ còn từ 10 đến 15% nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm diện tích đất.

P. Thanh