1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khu công nghiệp Kaesong trước nguy cơ chấm dứt hoạt động

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc ngày 6/4 cho biết cùng với lệnh cấm của Triều Tiên đã có thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc (trong đó bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất máy móc) thông báo ngừng hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong do thiếu nguyên liệu.

Khu công nghiệp Kaesong trước nguy cơ chấm dứt hoạt động
Hàng rào chắn được dựng lên trên tuyến đường dẫn vào khu công nghiệp Kaesong ở thành phố biên giới Paju ngày 6/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 
Theo bộ trên, kể từ khi Bình Nhưỡng thông báo không cấp phép cho các nhân viên Hàn Quốc được trở lại Kaesong làm việc từ ngày 3/4 đã có 4 doanh nghiệp ngừng sản xuất. Trong ngày 6/4, đã có 92 nhân viên người Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp này trong khi 516 nhân viên khác vẫn ở lại.

Dự kiến, trong ngày 8/4 tới, sẽ có thêm 12 nhân viên Hàn Quốc khác rời Kaesong. Hiện các doanh nghiệp ở đây đang phải chia sẻ nguyên vật liệu để duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng.

Ngày 6/4, Hiệp hội các doanh nghiệp hoạt động ở Kaesong đã có cuộc gặp tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae với kiến nghị cần tiến hành sớm các cuộc đối thoại trực tiếp với Triều Tiên để giải quyết vấn đề nói trên. Theo đó, duy trì hoạt động sản xuất bình thường ở Kaesong là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Thực tế cho thấy khu công nghiệp liên Triều này luôn đóng vai trò là yếu tố chủ chốt giúp hai miền Triều Tiên cải thiện quan hệ và giảm thiểu căng thẳng.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ryoo Kihl-jae cũng khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với hiệp hội để giải quyết vấn đề theo hướng có lợi nhất. Quan chức này một lần nữa nói rằng Seoul không có ý định rút hết nhân viên Hàn Quốc khỏi Kaesong bởi tình hình chưa đến mức quá nghiêm trọng.

Theo thống kê mới nhất, hiện Hàn Quốc có 123 doanh nghiệp điều hành các nhà máy sản xuất hàng công nghiệp nhẹ tại Kaesong. Hai miền Triều Tiên đã ký kết thỏa thuận xây dựng khu công nghiệp chung này vào tháng 9/2000 và lễ động thổ được tiến hành vào năm 2003. Lô hàng đầu tiên sản xuất ở Kaesong được chính thức đưa ra thị trường vào cuối năm 2004.

Cũng theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 7/4, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết dù Triều Tiên kiến nghị các phái bộ ngoại giao quốc tế rời Bình Nhưỡng, chưa phái bộ nào có động thái di chuyển khỏi đây. Hiện có tổng cộng 24 cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Bình Nhưỡng, trong đó có các đại sứ quán Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, còn có một số ít các văn phòng đại diện của các cơ quan quốc tế ở thành phố này.

Một loạt quốc gia như Anh, Đức, Thụy Điển... đều cho biết không có kế hoạch di chuyển ngay các đại diện ngoại giao của mình ra khỏi Bình Nhưỡng. Đại sứ quán Mỹ tại Seoul đã gửi một thông điệp tới các công dân Mỹ ở Hàn Quốc rằng không có thông tin cụ thể nào cho thấy một mối đe dọa sắp xảy ra từ Triều Tiên.
Theo TTXVN