1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không thể cấp sổ đỏ cho chung cư đã xuống cấp

(Dân trí) - Dù đã có thông báo về việc dừng bán nhà theo Nghị định 61/CP cho các hộ dân đang thuê ở nhà nguy hiểm I1, I2, I3 khu tập thể Nam Thành Công (Hà Nội) song việc cải tạo chung cư cũ này vẫn đang vướng vì sổ đỏ.

Muốn được mua nhà trước khi cải tạo

Khu nhà I1, I2, I3 Nam Thành Công, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội hiện có 111 hộ đang sinh sống. Theo những người dân tại đây, khu nhà được xây dựng từ những năm 1980 và hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân phải sống trong tình trạng rất khốn khổ, hễ mưa là dưới thì ngập, trên thì dột, nhiều nhà đã bị lún nặng… Năm 2001, Bộ Xây dựng đã khảo sát và xác định tình trạng xuống cấp ở mức độ nghiêm trọng, cần phải di dời ngay.

Năm 2003, dự án cải tạo chung cư này đã được giao cho công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) làm chủ đầu tư. UBND TP cũng đã có quyết định số 3519/QĐ-UB về việc thu hồi 5.283m2 đất tại I1, I2, I3 khu tập thể Nam Thành Công, giao cho đơn vị này để đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng và văn phòng làm việc.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án vấp phải trở ngại của người dân khi họ đòi phải được cấp “sổ đỏ” trước khi thực hiện việc thu hồi đất. Theo họ, hiện có khoảng 61 hộ chưa được cấp sổ đỏ.

Do đó, ngày 6/1/2005, UBND Tp Hà Nội đã có thông báo số 44/UB-NNĐC về việc bố trí tái định cư khi xây dựng lại nhà I1, I2, I3 Thành Công. Thông báo nói rõ: dừng việc bán nhà theo Nghị định 61/CP cho các hộ dân đang thuê nhà ở tại nhà I1, I2, I3 khu tập thể Nam Thành Công vì khu nhà trên là nhà nguy hiểm, xuống cấp.

Đồng thời, việc bố trí tái định cư thực hiện theo nguyên tắc các hộ gia đình chưa mua nhà theo Nghị định 61/CP nếu không tiếp tục thuê nhà mà có nguyện vọng mua nhà mới xây dựng thì được hưởng chính sách như các hộ đã mua nhà cũ.

Nhưng rồi dự án vẫn dậm chân tại chỗ do không thống nhất được ý kiến. Đến đầu năm 2008, thành phố Hà Nội đã đồng ý giao cho Tổng Công ty Sông Hồng đã tiếp nhận dự án với phương án tái định cư rất rõ ràng.

Đối với các hộ đang sử dụng căn hộ tại tầng 2, 3, 4 của các nhà I1, I2, I3 (có hợp đồng thuê nhà) được xét bố trí tái định cư với diện tích căn hộ mới bằng 1,4 lần diện tích hợp pháp của các hộ (Nghị quyết của Chính phủ và quy chế của UBND thành phố chỉ quy định tối đa là 1,3 lần).

Các hộ đang sử dụng tại tầng 1được bố trí tái định cư với diện tích căn hộ mới bằng 2 lần diện tích cũ (bao gồm một căn hộ mới tại tầng 5 và một kiốt tại tầng 1). Phía chủ đầu tư cũng đã có phương án cụ thể trong việc bố trí tạm cư…

Tuy nhiên, phía Tổng Công ty Sông Hồng vẫn vấp phải sự phản đối của người dân cũng chỉ vì họ muốn được mua nhà theo Nghị định 61 trước khi cải tạo khu chung cư này!

Không thể cấp sổ đỏ cho nhà xuống cấp

Trong bản kiến nghị ngày 4/7/2007 gửi chính quyền thành phố Hà Nội, các hộ dân cho biết hiện 3 nhà I1, I2, I3 còn tới 61/90 hộ dân chưa đựơc giải quyết mua nhà theo nghị định 61/CP vì vướng công văn số 44 của UBND Tp Hà Nội. Dù họ đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng không được giải quyết.

Sở dĩ người dân muốn có sổ đỏ trước khi bàn giao đất cho chủ đầu tư vì họ sợ nếu không có sổ đỏ, sau này họ có thể phải mua nhà mới với giá cao hơn so với bây giờ, thậm chí có người còn sợ sẽ không được tái định cư tại chỗ mà phải dời đi chỗ khác… Sự lo lắng ấy cứ kéo dài trong khi khu chung cư ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, rất nguy hiểm.

Tuy nhiên cũng có những quan điểm khác, như ông Phạm Văn Chỉ - một Vụ trưởng thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (cũ) đã nghỉ hưu - ở tại phòng 208 cho rằng: Việc năm 2005, UBND thành phố Hà Nội dừng giải quyết bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê tại khu vực này do nhà xuống cấp, phải xây dựng lại theo quy hoạch là hoàn toàn đúng pháp luật. Ông cũng đánh giá rất cao phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của chủ đầu tư.

Theo ông, sở dĩ vẫn còn nhiều hộ dân không đồng tình, thậm chí là phản đối gay gắt là do sự tuyên truyền, giải thích không đầy đủ, chưa đúng tầm. Bởi vậy, ông cũng mong muốn lãnh đạo thành phố, quận Đống Đa trực tiếp đến nói chuyện, giải thích cho người dân hiểu và chấp hành.

Ông Chỉ cho rằng: không cần thiết có sổ đỏ trước khi cải tạo mà chỉ cần có một xác nhận chính thức của chính quyền về sở hữu hợp pháp căn hộ cụ thể và những chi tiết về căn hộ tái định cư sau khi hoàn thành dự án. Khi đó chính quyền sẽ đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chủ nhân, bao gồm cả diện tích tăng thêm sau cải tạo.

Về phía cơ quan chức năng, ông Hoàng Tú, Phó trưởng ban phụ trách Ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quy chế cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hỏng của UBND thành phố cũng đã đề cập đến. Việc cấp sổ trước khi cải tạo là không thể giải quyết được do pháp luật không cho phép. Nhưng để người dân yên tâm hơn, chúng tôi cũng tính đến phương án ghi nhận hiện trạng trước khi cải tạo (bao gồm cả việc tính tiền bán nhà theo Nghị định 61) và khi người dân tái định cư ở nhà mới sẽ tiến hành cấp sổ một lần theo giá đã được ghi nhận.

Phóng viên cũng đã có cuộc làm việc với bà Trương Thị Nhung - Chủ tịch UBND phường Láng Hạ về vấn đề này. Bà Nhung cho biết: Cũng chính vì chuyện vướng sổ đỏ mà việc cử cán bộ đại diện các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng tham gia Tổ công tác giúp việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã gặp không ít khó khăn!

Việc cần có sổ đỏ cho một khu chung cư đang bị xuống cấp nghiêm trọng hay không có lẽ không cần phải bàn cãi. Vấn đề là chính quyền địa phương có quyết tâm cùng tham gia với chủ đầu tư để xoá bỏ các khu chung cư cũ đó không? Bởi qua buổi làm việc với lãnh đạo phường cho thấy, đây là vấn đề phức tạp và cho dù thế nào, họ cũng “ngại” va chạm với người dân!

Lan Hương