“Không ít cán bộ kiểm toán, thanh tra 'ngã giá' với đối tượng bị thanh tra”

(Dân trí) - Góp ý về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều 31/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu thực tế, không ít cán bộ kiểm toán, thanh tra lại đi "ngã giá" với đối tượng thanh tra. “Ra kết luận thanh tra phác thảo rồi đưa cho đối tượng bị thanh tra coi để muốn thêm bớt gì phải có điều kiện”- ông Nghĩa bức xúc.

Trái ngược quan điểm truy thu thuế phần tài sản không giải trình được

Đại biểu Lê Thị Thuỷ (Hải Dương) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phân tích, thực tế có thể thấy các nguồn tài sản bất minh thường được hình thành từ việc không công khai minh bạch, từ tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ của công chức, nhất là công chức phụ trách các lĩnh vực làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và người dân. Việc cải cách hành chính gần đây có hiệu quả khiến cho thực trạng này giảm hẳn.

“Giờ xuống địa phương sẽ thấy các lãnh đạo làm việc khác hẳn so với trước. Họ cũng tự thấy trách nhiệm của mình đến đâu, phải làm đến đó, còn nếu vượt quá thẩm quyền, trách nhiệm thì có khi nghỉ cũng không yên” - bà Thuỷ nói.

Tuy nhiên, bà Thuỷ cũng xác nhận, dù sao, tình trạng tiêu cực, bất minh cũng vẫn còn. Vậy mà dự thảo luật chưa hướng nhiều đến giải pháp này.

Đại biểu Lê Thị Thuỷ- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Đại biểu Lê Thị Thuỷ- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Bà Thuỷ chỉ rõ, cơ quan kiểm tra, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ lâu nay đã có nhưng thời gian vừa qua làm chưa hiệu quả, cần phải có sự điều chỉnh. Dự thảo quy định “mở”, giao Thanh tra Chính phủ nhiệm vụ kiểm tra tài sản, thu nhập của cán bộ đến cấp Giám đốc Sở và tương đương, liệu có làm nổi không?

“Với lực lượng như hiện nay mà yêu cầu Thanh tra Chính phủ vươn đến tận các Giám đốc sở, tôi nghĩ không thể làm được, đặc biệt vào những thời điểm có bầu bán, bổ nhiệm diễn ra đồng loạt thì người đâu, lực lượng đâu mà làm?” - bà Thuỷ lo lắng.

Từng giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thị Thuỷ lấy ví dụ: Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ có 40 người mà tính riêng số lượng cán bộ trong khối Chính phủ thuộc thẩm quyền Thủ tướng quyết định đã quá nhiều rồi mà phải làm tới các sở thì khó làm xuể hết việc.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ, thanh, kiểm tra tài sản là việc rất khó, rất nhạy cảm, nếu không cẩn thận, trong quá trình làm để lộ các thông tin, tài liệu sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ không lường được. Trong điều kiện hiện nay do cơ chế chế chưa đồng bộ, chưa kiểm soát được toàn bộ thu nhập, năng lực quản trị còn hạn chế thì áp dụng việc thu thuế hay phạt tiền với phần tài sản không giải trình được là phù hợp. Chỉ khi nào quản trị tốt, truy xuất được nguồn gốc tài sản thì mới xử lý triệt để.

“Ở các nước người ta sử dụng qua tài khoản nên người ta chứng minh được dòng tiền nơi đi, nơi đến, nguồn gốc ra sao nên việc xử lý rất dễ. Còn chúng ta chưa thực hiện được điều này nên việc áp dụng phương án thu thuế hoặc phạt tiền cũng có tác dụng nhất định và vẫn thu được cho nhà nước 45%. Phải thực hiện từng bước thôi chứ không thể làm dứt điểm ngay một lúc được” - bà Thuỷ nói.

Ngược lại, đại biểu Dương Ngọc Hải - Viện trưởng VKSND TPHCM cho rằng ngoài lương, cán bộ, công chức, viên chức còn có những tài sản khác như người khác cho, tiền tiết kiệm, thừa kế,…

“Nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cũng không thể nói đây là tài sản tham nhũng. Có thể đây là tài sản vi phạm mà có, như buôn lậu chẳng hạn, nhưng không phải do tham nhũng. Bây giờ xử lý tài sản này, trong khi đó nghĩa vụ chứng minh theo luật hình sự là của nhà nước thì không ổn, ảnh hưởng tới quyền sở hữu tài sản của người khác”- ông Hải phân tích.

Ông Hải đánh giá cả 2 phương án mà Chính phủ đưa ra đều không ổn. “Vì sao lại đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc thì không lý giải được. Cho dù đóng thuế 45% thì có phải đã hợp thức hoá 55% còn lại?. Tôi e người tham nhũng thực sự muốn như vậy”- ông Hải nêu quan điểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu thực tế đáng báo động hiện nay là có không ít cán bộ kiểm toán, thanh tra lại trở thành những người tham nhũng.

“Người đi chống tham nhũng lại tham nhũng, chuyện này không phải không có, như vậy là vô hiệu hoá hoạt động chống tham nhũng. Chính những anh kiểm toán, thanh tra này lại đi ngã giá với đối tượng thanh tra. Ra kết luận thanh tra phác thảo rồi đưa cho đối tượng bị thanh tra coi, muốn thêm bớt gì phải “có điều kiện” này kia” -ông Nghĩa bức xúc.

“Cha mẹ, vợ con, anh em nhận quà thì lại không bị làm sao?”

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước để phù hợp, tương thích với các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên mở rộng đến đâu phải cân nhắc thận trọng, đảm bảo tính khả thi.

“Rộng thì bao giờ cũng loãng”- ông Hải nói và đề nghị chỉ nên tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng dễ phát sinh ra tham nhũng, để từ đó khoanh vùng đối tượng mở rộng cho hợp lý. Có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng cũng đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp.

“Có nhiều ý kiến cho rằng nếu mở rộng đối tượng quá, có nhiều đoàn thanh tra ra, vào cũng sẽ ảnh hưởng sản sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”- vị đại biểu Hà Nội bày tỏ .

Đại tá Đào Thanh Hải- Phó giám đốc Công an TP Hà Nội (Ảnh: QH).
Đại tá Đào Thanh Hải- Phó giám đốc Công an TP Hà Nội (Ảnh: QH).

Về mở rộng đối tượng, phạm vi kê khai tài sản, thu nhập, ông Hải cho rằng nếu mở rộng đối tượng sẽ khó khả thi, mang tính hình thức. “Tất cả cùng kê khai, sau đó cũng không có khả năng để kiểm tra, kiểm soát được. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả, không nên mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập một cách quá rộng như dự thảo. Thay vào đó nên thu hẹp, tập trung vào một nhóm đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương và địa phương và các lĩnh vực dễ phát sinh ra tội phạm tham nhũng”- ông Hải đề nghị.

Về quy định tặng quà và nhận quà tặng, đại biểu Nguyễn Hữu Chính- Chánh án TAND TP Hà Nội đề nghị phải có chế tài nhằm ngăn chặn người thân của họ nhận quà.

Theo khoản 1, Điều 22, “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.

“Vậy nếu người đó không trực tiếp nhận quà tặng, nhưng thông qua người thân thích của mình, như cha, mẹ, vợ, con, anh em ruột thịt để nhận quà thì lại không bị làm sao. Đây là kẽ hở mà trong thực tế đã xảy ra: người có chức vụ, quyền hạn không trực tiếp nhận tiền, nhưng thông qua người thân để nhận tiền. Hay tôi có chức vụ, quyền hạn, tôi không liên quan đến công việc hay phạm vi quản lý, nhưng tôi nhận tiền để tác động, vậy có bị cấm không?”- ông Chính băn khoăn và đề nghị phải bịt kẽ hở này, nếu không sẽ bị lợi dụng.

Bộ trưởng GTVT đề xuất xây dựng kho dữ liệu về tài sản cán bộ

Đại biểu Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đồng tình mở rộng đối tượng cán bộ kê khai tài sản: "Hôm nay anh là một cán bộ bình thường nhưng có thể 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm sau lại là cán bộ lãnh đạo. Do đó, theo dõi tài sản cán bộ phải theo dõi ngay từ đầu để sau này có cơ sở xử lý cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm"

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, toàn bộ các dữ liệu đều có thể lưu trữ một cách dễ dàng. Nếu có được một dữ liệu lớn như vậy thì công tác phòng chống tham nhũng những năm sau này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

"Khi có một dữ liệu lớn như vậy thì các cơ quan phòng chống tham nhũng có thể căn cứ vào một số đố tượng có tài sản tăng bất thường hoặc có dư luận để tiến hành xem xét lại tài sản của cán bộ đó. Nếu đợi đến lúc bổ nhiệm mới bắt phải kê khai thì rõ ràng sẽ có một khoảng trống rất lớn và như thế thì việc kiểm soát tài sản của một cán bộ rất khó"-ông Thể nói.

T.Kha - P.Thảo - Q.Phong