"Không để xảy ra việc học sinh không mua được sách"

(Dân trí) - Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời báo chí như vậy bên lề kì họp QH, ngày 12/05. Cũng theo ông Nhân, mức tăng giá sách sẽ thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ - không quá 10%.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc tăng giá sách không phải chủ trương của riêng Bộ Giáo dục Đào tạo mà Bộ đã báo cáo Chính phủ từ trước. Tuy nhiên, trong tuần này Bộ cũng sẽ báo cáo lại Chính phủ để xin ý kiến.

Theo đó, mức tăng sẽ thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là tăng không quá 10%. Chẳng hạn, một bộ sách tiểu học khoảng 30.000đ, sẽ tăng lên 33.000đ.

Theo Phó thủ tướng, khi bộ báo cáo Chính phủ về việc tăng giá sách, giá thành xuất bản đã tương đối “căng”. Các nhà in không chịu đựng được và không in sách nếu duy trì giá như cũ. Trong khi đó, yêu cầu là sách phải ra kịp thời đến tay người tiêu dùng và tất cả những học sinh có nhu cầu mua sách nhưng gặp khó khăn thì vẫn phải có sách.

Vấn đề phải nói tới theo ông Nhân là các biện pháp khác đi kèm với tăng giá. Chẳng hạn, tất cả các đối tượng được miễn giảm từ trước tới nay vẫn được tiếp tục miễn giảm. Cụ thể: phát không sách cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc; trường mua sách rồi cho học trò mượn; phát phiếu giảm giá mua sách.

“Tinh thần chung là không để một trường hợp nào vì giá sách tăng mà không mua được sách”, ông Nhân nhấn mạnh.

 Chủ nhiệm UB Văn hoá - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH, Đào Trọng Thi: “Chúng tôi sẽ suy nghĩ về việc giám sát tình hình SGK”

 
Chúng ta có thể bù lỗ cho xăng dầu và nhiều mặt hàng khác, giả sử chi phí xuất bản SGK tăng lên thì nhà nước có thể đứng ra bù lỗ, thưa ông?

Tôi hoàn toàn ủng hộ cái đó. Kể cả khi chuyện tăng giá mà NXB GD đề nghị là có cơ sở thì trong tình hình hiện nay, nhà nước cũng nên xem xét bàn bạc với NXB, bàn với Bộ GD- ĐT làm sao tự đứng ra trợ giá, không để cho người dân và học sinh phải chịu gánh nặng này. Nhiều người dân đã quá khó khăn, học sinh bỏ học rất nhiều rồi và nếu tăng giá sách, chắc chắn học sinh bỏ học nhiều hơn.

Khoản trợ giá này không đến nỗi lớn so với nhiều khoản trợ giá cho những lĩnh vực khác mà ở những lĩnh vực đó nhà nước còn làm thì ở một lĩnh vực an sinh xã hội, một lĩnh vực đảm bảo công bằng xã hội lớn như thế này, một vấn đề xã hội nhạy cảm tại sao nhà nước không làm.

Nhiều người cho rằng, lãi của NXB Giáo dục rất lớn, vậy thì lúc này cần làm rõ lãi của NXB như thế nào?

Cái đó Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra từ lâu rồi, chỉ có điều làm không rõ thôi. Nhưng việc ấy không thể làm nhanh được, cái cần hiện nay là phải có giải pháp trước mắt. Tôi nghĩ trong mọi trường hợp, phía nhà nước, NXB đứng ra gánh gánh nặng này cho phụ huynh và học sinh.

Có cần đặt ra vấn đề giám sát của UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội với vấn đề SGK không, thưa ông?

Chúng tôi thấy, đến một lúc nào đó, vấn đề đặt ra mang tính cấp thiết thì UB sẽ đưa vào chương trình giám sát. Trước mắt là phải giải quyết vấn đề cụ thể này đã, còn chuyện giám sát phục vụ cho một mục tiêu dài hơi hơn…

Tuy vậy, chúng tôi sẽ suy nghĩ về chuyện giám sát tình hình SGK.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Mạnh Cường