“Không để 17 vạn dân sống nhếch nhác giữa thủ đô”

(Dân trí) - "Trước đây, dân ở khu vực sông đó chỉ có mấy vạn dân, mà bây giờ đã lên tới 17 vạn. Tôi muốn nói là chỉ 10 năm nữa nó có thể lên gấp đôi. Nếu ta chần chừ thì số người ở đó càng đông lên".

Ông Phạm Sĩ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đã có cuộc trao đổi về quy hoạch khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội nhân triển lãm lấy ý kiến người dân về bản quy hoạch cơ bản này tại Hà Nội.

Ông đánh giá thế nào về những tác động của dự án “khổng lồ” này?

Hà Nội có một hệ thống cầu thì sông Hồng tự nhiên thành một con sông chảy giữa thành phố. Một trung tâm thủ đô không thể để 17 vạn người ở khu vực sông sống một cách nhếch nhác luộm thuộm như hiện nay. Và dự án này sẽ cải tạo những cái đó, tạo thành một thủ đô văn minh hiện đại.

Nhiều người dân ở một số làng cổ ven sông như làng Cư Xá, làng Bát Tràng… cho biết họ rất mập mờ về dự án này và cảm thấy hoang mang khi chưa có một kế hoạch di dời cụ thể cũng như bảo đảm trong vấn đề an sinh xã hội. Vấn đề này xem ra rất nghiêm trọng. Ông có nghĩ vậy không?

Chiều 9/5, tại Cung thể thao Quần ngựa Hà Nội đã Khai mạc triển lãm lấy ý kiến “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” giai đoạn 2. Triển lãm sẽ mở cửa miễn phí từ 9h-17h hàng ngày. Dự kiến triển lãm sẽ kéo dài 1 năm.

Được biết, trong đợt Triển lãm trước, ban tổ chức đã nhận được 2500 ý kiến. Trong đó, số người đồng tình chiếm tỷ lệ 92%, bất an về khả năng phòng chống lũ lụt của đê hiện tại chiếm 30%, và 73% ý kiến cho rằng việc di dời cho dân cư trú vùng lũ là một việc cần thiết.
Đây là một dự án kéo dài tới hàng chục năm chứ không phải một lúc. Giai đoạn hiện nay chỉ là ý tưởng. Các cơ quan chức năng còn phải bàn bạc nhiều, như việc quy hoạch thế nào để giữ lại bản sắc, dân tộc, làng quê… lịch sử văn hoá ở hai bên bờ sông Hồng. Một khu đô thị càng có bản sắc thì càng hấp dẫn, càng thu hút đầu tư.

Nhưng con số 17 vạn dân cần di dời là cực kỳ lớn?

Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải xác định việc này có cần làm hay không. Nếu cần làm thì 17 vạn hay bao nhiêu vạn chúng ta cũng phải làm. Tất nhiên, sẽ không có chuyện di dời một lúc cả 17 vạn dân mà sẽ làm từ từ.

Theo ý tôi thì việc này nhất thiết làm. Trước đây, dân ở khu vực sông đó chỉ có mấy vạn dân, mà bây giờ đã lên tới 17 vạn. Tôi muốn nói là chỉ 10 năm nữa nó có thể lên gấp đôi. Nếu ta chần chừ thì số người ở đó càng đông lên.

Chả nhẽ lại để một cái thủ đô như vậy sao? Cho nên, đây là thời cơ thuận lợi để chúng ta làm việc này vì Việt Nam đã ra nhập WTO cũng như đang có sức hấp dẫn mạnh vốn đầu tư nước ngoài.

Việc tái định cư 17 vạn dân là một chuyện rất lớn nhưng chúng ta thử hỏi Bắc Kinh để cho chuẩn bị Olympic họ phải giải quyết biết bao nhiêu vạn. Vấn đề ở đây là cách làm.
“Không để 17 vạn dân sống nhếch nhác giữa thủ đô” - 1

Hiện nay, Hà nội đang gặp rất nhiều vấn đề như những trở ngại của các công trình hướng tới 1000 năm Thăng Long hay ùn tắc giao thông, giảm chi tiêu công... Vậy theo ông, việc “ôm” dự án này của Hà Nội liệu có quá sức?

Khi làm dự án này, chúng ta phải mời các chuyên gia nước ngoài. Họ có kinh nghiệm để hiến kế giúp chúng ta. Còn những tồn tại hiện nay ở Hà Nội như xây dựng cầu Thanh Trì hay nhiều cái khác nữa cứ bị chậm là do năng lực của cán bộ chúng ta quá yếu và thậm chí đưa những người không chuyên nghiệp vào làm.

Với nguồn vốn khoảng 7 tỷ đô la dự kiến cho dự án sông Hồng, chúng ta sẽ lấy đâu ra vốn đối ứng để có thể thực hiện được dự án này?

Đối với dự án sông Hồng, Hà Nội chỉ đóng vài trò chủ trì, còn thị trường làm. Thị trường không bao giờ làm cái gì mà khi bỏ tiền ra không thu về được. 7 tỷ hay bao nhiêu tỷ không phải cùng một lúc mà rải rác nhiều năm, do đó có thể quay vòng đồng vốn được.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước tình trạng bội chi ngân sách rất lớn. Liệu với dự án lớn thế này có làm ngân sách thêm bội chi, ảnh hưởng tới tình hình lạm phát?

Tôi thấy ngược lại thì có. Có những dự án lớn như thế này, chúng ta càng thu được các loại thuế từ đất. Chính cái đó làm tăng cường ngân sách cho chúng ta. Nếu có tiền từ ngân sách chi vào dự án này chẳng qua chỉ là tạm ứng và sẽ thu lại chứ ngân sách không phải bỏ tiền ra. Theo một chuyên gia kinh nghiệm từ ĐH Havard, họ ước tính Việt Nam có thể huy động được 5 nghìn tỷ đô la Mỹ từ đất.

Xin được hỏi ông câu cuối cùng, sắp tới, khi Hà Tây sát nhập Hà Nội, liệu dự án ven sông Hồng có bị ảnh hưởng không?

Hiện nay, tất cả những người đóng góp ý kiến cho dự án sông Hồng đều quên mất một điểm rằng: chúng ta đang đô thị hoá bằng cách lấy đất nông nghiệp. Nhưng khi dự án phát triển sông Hồng được triển khai, chúng ta chỉ lấy một phần rất nhỏ là đất nông nghiệp mà đất này lại ở ngoài sông, không ổn định. Đây là điều nên làm. Việc này thậm chí còn gỡ cho thế mất đất nông nghiệp của tỉnh Hà Tây do quá trình đô thị hoá đang tăng nhanh như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương (ghi)