“Không đánh giỏi là… chết!”

(Dân trí) - “Trước hết phải có lòng yêu nước, nhưng ở chiến trường, đánh giỏi là điều kiện tiên quyết để sống. Bộ đội ta đã làm được”, PGS. TS Nguyễn Đình Lê nhấn mạnh khi nói về điều “chỉ Việt Nam làm được” qua chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

PGS.TS Nguyễn Đình Lê hiện là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Cận - hiện đại, trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Sau những thất bại trên chiến trường miền Nam, Hoa Kỳ đã quyết định dùng đến quân bài chiến lược là B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Ông có thể nói gì về tham vọng của đế quốc Hoa Kỳ trong trận chiến quyết định này?

Theo tôi, đánh phá Hà Nội bằng B52 với Hoa Kỳ là cuộc thử lớn, với mục tiêu đánh cho chúng ta kiệt quệ đi chứ không hẳn đánh để tạo điều kiện cho việc ký hiệp định, bởi lẽ nếu không đánh, ta vẫn tiến lên giành thắng lợi cuối cùng… Và trước sau Hoa Kỳ cũng vẫn ký hiệp định Paris. Hoa Kỳ đánh để "Hà Nội không còn 2 viên gạch dính vào nhau", để 2 thập kỷ sau cũng chưa khôi phục lại được. Sau nữa, đánh để lên dây cót cho chính quyền Sài Gòn, để bảo lãnh cho Thiệu với nghĩa “cứ ký hiệp định đi, có gì còn Hoa Kỳ đằng sau” nữa.

Có thể có 1 khả năng nữa là Hoa Kỳ đánh trận này như một trận phục thù. Tôi mới đi Hawai để xem xét lại trận Trân Châu Cảng thì trong chừng mực nào đó thấy có điểm tương tự. Nhật đánh Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ mang bom nguyên tử trả thù.

Không kể Tổng thống Gerald Ford, đã có 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ sa lầy trong cuộc chiến tại Việt Nam và Hoa Kỳ gần như đã huy động hết tiềm lực của mình. Một nước Hoa Kỳ lớn như thế, chưa từng thua ai trong 200 năm lịch sử, một đất nước cao ngạo, ngay cả khi thương lượng với Liên Xô, với Trung Quốc bao giờ cũng muốn ở thế thượng phong, vậy mà 20 năm sa lầy ở Việt Nam, không thể thắng được. Vì thế, Hoa Kỳ muốn rửa nhục, phục thù.
 
PGS.TS Nguyễn Đình Lê: Nếu chỉ bắn rơi 10 chiếc B52 thì cũng đã là chuyện động trời.
PGS.TS Nguyễn Đình Lê: "Nếu chỉ bắn rơi 10 chiếc B52 thì cũng đã là chuyện động trời".

Đối diện với âm mưu đánh phá Hà Nội bằng B52, phía ta có hoàn toàn chủ động không, thưa ông?

Khi Hoa Kỳ bắt đầu đánh phá lại miền Bắc là ta có phần bị động - có lý do chắc chắn để nói vậy. Ta đánh 3 chiến dịch lớn ở miền Nam vào cuối tháng 3/1972 thì chỉ mấy ngày sau Hoa Kỳ đánh phá miền Bắc. Thực sự là ta bất ngờ. Tất cả hệ thống phòng thủ lớn nhất của Bắc Bộ rút hết vào khu 4. Tháng 6 ta mới bắt đầu bố trí lại lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội

Có điều chắc chắn là Hoa Kỳ tin Việt Nam không bắn được B52. Có 2 sự kiện để Hoa Kỳ tin điều này: Năm 1970, khi lính biệt kích Hoa Kỳ nhảy dù xuống thị xã Sơn Tây - trung tâm “thủ đô bộ đội” ở đó - hòng cứu phi công, thì lực lượng ra đa cảnh vệ quốc gia của ta không phát hiện kịp; Vụ Hoa Kỳ dùng B52 rải thảm Hải Phòng (16/4/1972) ta không đối phó được, không bắn rơi máy bay nào dù đã sử dụng rất nhiều SAM 2.

Từ ngày 18/12/1972, khi ta chủ động thực sự nhiều thứ thì mọi chuyện đã khác. Khi đó, Bộ Chính trị đặt quyết tâm cần ít nhất bắn rơi tại chỗ một máy bay B52. Nhưng trong chiến dịch Line Backer II, cục diện đã khác. Ta đã bắn rơi hàng chục máy bay B52. Hoa Kỳ nói không phải 34 chiếc đâu, mà 15 chiếc. Nhưng nếu rơi 15 máy bay chiến lược của Hoa Kỳ như họ nói thì lực lượng phòng không của miền Bắc đã quá giỏi rồi. Thế giới khi đó chưa ai bắn được B52. Chỉ ở Việt Nam mới làm được điều đó - khủng khiếp đấy chứ.
 
Sau những “lỗ hổng chết người” ở các trận Sơn Tây, Hải Phòng như ông nói ở trên, tại sao ta có sự thay đổi nhanh đến như vậy trong trận Điện Biên Phủ trên không?

Đó là cái giỏi vượt bậc của lực lượng vũ trang của ta. Trận ở Hải Phòng, có thể nói chiến tranh từ xa của ta không tốt, biển ta không giữ được. Nhưng khi Hoa Kỳ đưa máy bay vào Hà Nội, đi sâu vào đất liền hàng trăm cây số, ra đa hoàn toàn có thể biết được. Sau này có thể nói đơn giản, ta kết hợp giữa phương tiện hiện đại và thô sơ để có thể phát hiện máy bay địch.

Và một sự thật, 4 ngày sau khi B52 ném bom, ta phát hiện ra 1 quy luật, máy bay Hoa Kỳ xuất phát từ 2 nơi, từ Udon và Guam, tập kết ở một số địa bàn cố định sau đó sử dụng chế độ lái tự động để thả bom. Bộ tội ta phát hiện ra những điểm đường chéo giao nhau và dồn hỏa lực phòng không vào “tọa độ chết”. Ngày lực lượng phòng không của ta bắn rơi nhiều B52 nhất là nhờ có “bí quyết” này. Đó là chuyện rất mẹo mà chỉ Việt Nam mới làm được.

Với sức hủy diệt của B52 cùng lực lượng hùng hậu mà Hoa Kỳ huy động, hẳn người dân miền Bắc ở thời điểm đó cũng "tâm trạng", thưa ông?

Lo thì ai… chẳng lo. Trước đó địch còn rải truyền đơn nói rằng máy bay này ở tít trời cao, trên 11 km vẫn không ai thấy được, không ai nghe tiếng động cơ mà chỉ biết B52 đến bởi khói và bom dày đặc. Sau này ở chiến trường, chứng kiến B52 đánh thực sự thì kinh khủng vì khoảng 30 tấn bom cùng nổ trong khoảng 3-10 giây, trong khi phải 7-8 chiếc tiêm kích muốn ném 30 tấn bom phải cần khoảng 1 giờ. Tôi chứng kiến một đợt ném ở khoảng cách 3km mà thấy vô cùng khủng khiếp.

Nhưng với thắng lợi đầu tiên, khi chiếc máy bay rơi ở Bắc Hà Nội thì dân rất tin vì một loại mà chưa ai bắn được, chưa từng chiếc nào rơi trên thế giới mà ta đã bắn được.

Phi công Hoa Kỳ thừa nhận, sau một vài ngày đánh phá Hà Nội, khi xuất phát tại sân bay để tham chiến, họ rất hoang mang vì những máy bay xuất phát trước đó đã không trở về nữa?

Mới đầu thì họ không tin việc B52 bị bắn hạ, nhưng sau đó thì phải tin. Lúc ấy, chính những người lính này trở thành những người lính phản chiến cuối cùng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trong các hội thảo vừa qua ông có đề cập việc con số B52 rơi ta công bố có khác với Hoa Kỳ, nhưng không kể đến sự khác nhau về con số thì các học giả Hoa Kỳ và quốc tế đánh giá thế nào về trận chiến này?

“Chỉ có Việt Nam làm được như vậy” là nhận định của nhiều người. Cụm từ “Điện Biên Phủ trên không” chính là do một nhà báo nói ra và đó là một khái quát rất đúng. Báo chí Hoa Kỳ thừa biết B52 hiện đại đến mức nào và khi Tổng thống Hoa Kỳ hay Bộ Tư lệnh không quân Hoa Kỳ nói đây chỉ là cuộc “dạo chơi” thì không phải không có lý. Nếu ta bắn rơi chỉ 10 chiếc thì cũng đã là chuyện động trời. Máy bay do thám U2 mà mãi Liên Xô mới bắn hạ được 1 chiếc, vậy mà không ngờ B52 lại bị bắn nhiều như thế. Họ phải thừa nhận điều đó, nhưng số liệu họ công nhận ít hơn.

Điều cốt lõi nào làm nên chiến thắng của Điện Biên Phủ trên không và có phải Hoa Kỳ đã không đánh giá hết khả năng của bộ đội ta?

Suy đến cùng, trụ cột trong trận này là của lực lượng phòng không - không quân, đây là lực lượng sống còn thực sự. Không thể nói Hoa Kỳ không tài, nhưng đối phương của họ vẫn tài hơn. Bộ đội ta không phải chỉ dũng cảm mà muốn sống nhất định phải giỏi. Trước hết phải có lòng yêu nước nhưng ở chiến trường, đánh giỏi là điều kiện tiên quyết để sống. Bộ đội ta đã làm được. Mà dường như đó là văn hóa của ta, bị chèn ép đến cùng đường thì làm được những việc phi thường. Trong hoàn cảnh cuối cùng nhất định phải nghĩ ra cách đánh không thì chết.
 
Chuyên gia Liên Xô xem xét xác máy bay B52 bị bắn rơi tại Hà Nội.
Chuyên gia Liên Xô xem xét xác máy bay B52 bị bắn rơi tại Hà Nội.

Có khi nào ông chia sẻ, cắt nghĩa với học giả Hoa Kỳ về thất bại của Hoa Kỳ trong trận Điện Biên Phủ trên không?

Có đồng nghiệp Hoa Kỳ yêu cầu tôi trả lời thẳng thật câu hỏi vì sao họ thua. Tôi nói, Hoa Kỳ quá kiêu ngạo, nghĩ mình quá văn minh. Máu kiêu ngạo của Hoa Kỳ làm cả Sài Gòn tin. Tận mùa xuân 1975, khi ta đã giải phóng toàn bộ Tây Nguyên mà họ vẫn tin, bảo ta không đánh nổi Đà Nẵng, không đánh nổi Sài Gòn đâu. Như vậy là rất không hiểu đối phương. Nixon, Hoa Kỳ đã phải trả giá rất đau vì 4 đời tổng thống sa lầy và thất bại ở Việt Nam, cho cả danh dự của nước Hoa Kỳ.

Nếu không có chiến thắng này, diễn biến bàn đàm phán ở Hội nghị Paris sẽ thế nào, thưa ông?

Hoa Kỳ vẫn sẽ ký thôi. Nixon định làm cú lừa cả 2 bên sau hiệp định, Sài Gòn bị lừa, Hà Nội bị lừa. Hoa Kỳ lấy được tù binh ra rồi đánh tiếp. Đến khi đón được hơn 400 phi công trong đợt 2 ở Gia Lâm, Hoa Kỳ làm chiến dịch Duck Hook (Vịt đá). Hoa Kỳ ký Hiệp định nhưng với Tổng thống R.Nixon thì chưa chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đâu.

Tư liệu mới tiết lộ gần đây cho thấy Tổng thống R.Nixon muốn thực hiện chiến dịch Duck Hook ngay sau khi Hoa Kỳ nhận hết số tù binh ta trao trả ở Gia Lâm (29/3/1972). H.Kissinger muốn phát động chiến dịch đó muộn hơn vào dịp ông ta nhận xong giải thưởng Nô-ben hòa bình! Đấy, ý đồ của người đứng vị trí cao nhất trong hệ thống quyền lực của Hoa Kỳ lúc đó tính toán như vậy đấy.

Còn nếu Hoa Kỳ muốn gây sự đánh miền Bắc thì dễ lắm, không thiếu gì lý do! Có điều tại sao Hoa Kỳ không thực hiện được là vì vụ Watergate đã nhấn chìm R. Nixon. Và vụ đó cũng nhấn chìm luôn một tham vọng muốn đánh lại miền Bắc.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)