1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không có chuyện nữ đi xuất khẩu lao động về thường... bỏ chồng”

(Dân trí) - Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội, Nguyễn Thị Kim Ngân đã “bác” ý kiến cho rằng, phụ nữ đi lao động tại Đài Loan trở về thường có xu hướng bỏ chồng. Theo bà Ngân, người đi lao động tại nước ngoài có tỷ lệ ly hôn thấp hơn ở trong nước.

Chiều 14/9, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội, Nguyễn Thị Kim Ngân đã giải đáp nhiều câu hỏi của các Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội xoay quanh các vấn đề “nóng” của báo cáo giám sát việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, lao động Việt Nam đang được đánh giá cao tại Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, lao động Việt Nam là 1 trong 15 nước được tiếp nhận hàng đầu tại Hàn Quốc và nếu tiếp tục làm tốt, trong năm nay nước ta có thể đưa 20 ngàn lao động sang nước này.

Cũng theo bà Ngân, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có thể thu nhập 1.000 USD/tháng cùng các điều kiện kèm theo. Nếu người lao động không có vi phạm, sau thời gian lao động, việc mang về 500 - 600 triệu là có thể được. “Nếu chí thù làm ăn thì đó là cơ hội tốt cho lao động Việt Nam”, bà Ngân nhận định.

Liên quan đến việc xuất khẩu lao động là chuyên gia, bà Kim Ngân cho rằng, người Việt Nam rất giỏi và thực tế đã có chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) với thu nhập lên tới 10.000 USD/tháng. Bộ cũng đang có định hướng để tìm các thị trường có thể đưa những người có chuyên môn sang làm việc.
 
“Không có chuyện nữ đi xuất khẩu lao động về thường... bỏ chồng” - 1
Bộ trưởng Nguyễn Kim Ngân: có những điều cấm, nhưng lao động Việt Nam lại hay vi phạm

Về mối lo ngại xung quanh hiện tượng một số lao động Việt Nam bỏ trốn khỏi doanh nghiệp đã ký hợp đồng để ra làm tại doanh nghiệp khác, bà Ngân cho rằng, vấn đề xử lý thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý của các nước sở tại.

Theo bà Ngân, những người bỏ trốn này thường đưa lý do, phải trả nợ vay nên ra ngoài làm để có tiền công cao hơn, nhưng đó là lý do họ nói, còn thu nhập thực tế không phải thấp. “Nếu bỏ trốn thì chính những người này khi bị trục xuất sẽ khó có cơ hội xuất khẩu lại”, bà Ngân nhấn mạnh.

Về hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam, Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội cho rằng, mỗi người lao động là một đại sứ nhân dân, nếu không đào tạo, giáo dục, chỉ một vi phạm sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam.

Bà Ngân thừa nhận vẫn còn những vi phạm kiểu “con sâu bỏ rầu nồi canh” của lao động Việt Nam. Chẳng hạn, tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, những điều cấm như nấu rượu, bài bạc… thì lao động Việt Nam vẫn vi phạm. Thậm chí, có trường hợp, nấu rượu lậu không chỉ cung cấp cho lao động Việt Nam mà còn cung cấp cho lao động của các nước khác tại đây.

Đại diện cơ quan thực hiện giám sát, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trương Thị Mai nhìn nhận, việc trả lời câu hỏi về hình ảnh lao động Việt Nam tại nước ngoài là một vấn đề phải… suy nghĩ. “Nhìn chung trong 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, lao động Việt Nam phải tiếp tục xây dựng để có hình ảnh”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, lao động Việt Nam được xếp cao nhất về hình ảnh là tại Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi tại nhiều nước khác vẫn còn thấp.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đào Xuân Hưng cho rằng, thông thường mặt tốt của người lao động tại nước ngoài ít được nói tới, nhưng khi có việc gì xảy ra báo chí lại đăng tải rất “kỹ” nên ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận, vẫn còn những đối tượng xấu trà trộn đi xuất khẩu lao động nên tới đây, việc sàng lọc cần thực hiện tốt hơn.

Xung quanh ý kiến cho rằng, phụ nữ đi lao động Đài Loan về thường có xu hướng bỏ chồng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội nhìn nhận, nói như vậy không hoàn toàn có căn cứ. Theo bà Ngân, một một nghiên cứu mới đây cho thấy, tỷ lệ phụ nữ đi xuất khẩu lao động ly hôn không cao bằng những người ở trong nước.
 
Một bộ phận yếu về ý thức chấp hành pháp luật
Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 30 ngành nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao và chuyên gia. Tính từ năm 2007 đến tháng 6/2010 có 282.106 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỷ lệ lao động nữ luôn chiếm từ 30% trở lên.
 
Báo cáo giám sát của UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, người lao động nhìn chung đã được các thị trường chấp nhận… Tuy nhiên, chất lượng còn thấp cả về trình độ tay nghề và ngoại ngữ. Một bộ phận yếu về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động và khả năng thích nghi, hòa nhập với môi trường, văn hóa nơi làm việc.
 
Về doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tính đến 30/6/2010 cả nước có 167 doanh nghiệp. Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tổng số 167 doanh nghiệp dịch vụ có khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 50% doanh nghiệp hiệu quả hoạt động trung bình và 20% doanh nghiệp còn lại hoạt động kém hiệu quả.
 
Cấn Cường