Không “bắn mây” ngăn mưa dịp Đại lễ

(Dân trí) - Trước sự tốn kém, phức tạp của phương án bắn mây ngăn mưa trong dịp Đại lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nhất trí với việc không áp dụng phương án này như đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch.

Tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Lê Tiến Thọ cho biết, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã báo cáo xin lùi thời gian trình Ban tổ chức phương án can thiệp khi gặp thời tiết bất lợi đến ngày 18/8 vì đến nay chưa xác định rõ được công nghệ và kinh phí thực hiện.

“Sau ngày 18/8 nếu Bộ TN & MT không đưa ra được phương án thực hiện đề nghị Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm cho ý kiến đề Ban tổ chức triển khai phương án dự phòng khi gặp thời tiết bất lợi, không thể tổ chức tại quảng trường Ba Đình”, ông Thọ nói.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, việc bắn mây nước ta chưa làm bao giờ và cũng rất tốn kém. Ông Tuấn Anh đề nghị, nếu dịp Đại lễ mưa nhỏ, mưa vừa, phải chấp nhận mặc áo mưa, còn nếu mưa lớn phải tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình thay vì tổ chức tại quảng trường Ba Đình.
Không “bắn mây” ngăn mưa dịp Đại lễ - 1
Cần một "kịch bản" chu đáo cho trường hợp mưa lớn trong dịp Đại lễ (Ảnh: Tiến Nguyên)

Có cùng quan điểm lo ngại tốn kém như ông Tuấn Anh, nhưng Chủ tịch UBND Thành phố, Nguyễn Thế Thảo còn cho rằng, việc bắn mây cũng có giới hạn và trong trường hợp mưa bão không thể bắn được.

Từ những phân tích của mình, ông Thảo hạ quyết tâm “mưa cũng làm” chỉ trừ trường hợp mưa bão. Tuy nhiên, theo ông Thảo phải có phương án dự phòng trong trường hợp có mưa.

Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu bắn mây phải tốn vài chục triệu đô, chưa kể việc nước ngoài phải đưa máy bay vào bắn, rất phức tạp. “Nếu ta làm được thì nên làm, đằng này ta chưa làm được thì thôi”, Phó Thủ tướng đồng ý với các đề xuất.

Theo Phó Thủ tướng, cần có sự chủ động ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết và dù Đại lễ là dịp hết sức quan trọng, nhưng cũng cần phải tiết kiệm.

Bên cạnh lo ngại về vấn đề mưa, để bảo đảm an toàn cho máy bay trực thăng bay qua Quảng trường Ba Đình trong ngày 10/10, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Ban tổ chức cũng đã đề xuất Ban chỉ đạo xem xét cho chuyển nội dung các cháu thiếu nhi thả bóng bay và chim bồ câu về mốc sau chương trình nghệ thuật, tức vào đúng 10giờ, 10 phút.

Theo Thứ trưởng Lê Tiến Thọ, việc thả chim bồ câu vào 10 giờ, 10 phút đúng thời điểm kết buổi lễ sẽ tạo được dấu ấn.

Cấn Cường