Khó dẹp xe “dù” vì dân muốn tiện

(Dân trí) - Vấn nạn xe “dù”, bến “cóc” ngày càng “nóng” trong những ngày giáp Tết. Trong khi các cơ quan chức năng tìm mọi cách dẹp nạn thì lại có một thực tế: xe “dù” tồn tại được chủ yếu do người dân có nhu cầu.

TPHCM, nơi tập trung đông bến “cóc” nhất phải kể đến tuyến quốc lộ 13 - Xa lộ Đại Hàn - quốc lộ 1A, tuyến đường chính đưa khách từ TPHCM về các tỉnh phía Bắc và miền Đông. Hàng chục bến “cóc” ngang nhiên tồn tại trên đường khiến cơ quan chức năng đau đầu, nhưng người dân lại cảm thấy vô cùng… tiện lợi. Lâm, một sinh viên Đại học An Ninh, cho biết: “Đứng đây bắt xe tiện hơn nhiều. Nếu em đến bến bắt xe thì cũng chạy ngược lại ra đây thôi”.

 

Đứng ngay tại cổng sau BX Miền Đông chờ xe, chị Hà định về Sông Ray - Đồng Nai. Chị lý luận: “Bắt xe ở đây trả giá sẽ rẻ hơn. Giá vé trong bến thì phải tính thêm phí quản lý này nọ…”. Hầu hết tại các bến “cóc” khác, người dân đều cho rằng chỉ cần ra quốc lộ đứng chờ xe cho tiện.

 

Chính nhờ tâm lý “tiện chỗ nào đón chỗ ấy” của phần lớn người dân mà xe “dù”, bến “cóc” mới có đất tồn tại, “cò” xe mới có đất làm ăn. Phục vụ cho bến “cóc” tại cây xăng Huệ Thiên II là một nhóm “cò” gồm 4 người, trong đó có 3 xe ôm và 1 “cò chuyên nghiệp”. Mỗi khi có khách đến cây xăng Huệ Thiên II, các “cò” sẽ đến tự xưng là lơ xe, hỏi khách đi đâu. Ngã giá xong, “cò” sẽ đi đón xe hộ khách.

 

“Cò” Hai cho biết: “Nếu may mà gặp “nai”, mình ngã được giá cao hơn giá chủ xe yêu cầu nhiều thì mình ăn chênh lệch. Nếu chỉ nhỉnh hơn ít thì ăn hoa hồng”. “Cò” này cũng cho biết cứ có khách là có lời.

 

Một Thanh tra GTCC TPHCM than thở: “Hoạt động xe dù, bến cóc rất phức tạp, nhất là dịp lễ Tết vì ở ta, bất cứ điểm nào đông người đón xe đều có thể thành bến cóc. Lực lượng thanh tra giao thông lại mỏng. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này chỉ có thể nhờ vào ý thức của người dân mà thôi”.

 

Cục Đường bộ đã có quy định: Nếu xe chở quá 50 -100% khách quy định sẽ bị giữ xe và chỉ ưu tiên chuyển khách có vé sang xe khác tiếp tục hành trình. Do đó, người dân bắt xe bên ngoài bến vừa có nguy cơ bị cò “chặt chém”, lại phải chịu ngồi ghế súp hoặc đứng, còn không được ưu tiên giải quyết quyền lợi khi có sự cố xảy ra.

 

Tùng Nguyên