Khát vọng tìm con sau 11 năm làm vợ xứ người

Sự trở về đường đột của chị sau 11 năm khiến người thân sửng sốt, cả nhà ôm nhau khóc. Trong niềm vui đoàn tụ, chị khóc thương cho đứa con gái 12 tuổi lưu lạc nơi đất khách quê người, vì khi bị lừa, chị không biết nên đã mang theo nó.

Cuộc hôn nhân ở tuổi 17

 

Nguyễn Thị H tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà khang trang của bố mẹ ở xã ven đô, thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội). Giọng cô vẫn lơ lớ, đôi khi lại dùng tiếng Trung Quốc. Khi chúng tôi hỏi cô sống ở xã, huyện, tỉnh nào bên Trung Quốc, cô bảo không biết nói địa danh ấy bằng tiếng Việt.

 

“Lúc ra đi có mẹ, có con. Lúc về, về một mình, em khổ tâm lắm. Khi gặp lại chồng cũ, anh ấy hỏi con đâu, em không dám nói thật. Em bảo nó vẫn ở bên Trung Quốc. Kỳ thực, 11 năm nay em có được nuôi nấng, chăm sóc cháu đâu” - mắt đỏ hoe, H nói.

 

Câu chuyện của người mẹ trẻ bị lừa sang bên kia biên giới làm vợ, khi đi còn mang theo cả đứa con gái mới 13 tháng tuổi, thu hút chúng tôi. H cho biết, 17 tuổi (năm 1993) cô lấy chồng không đăng lý kết hôn, 18 tuổi sinh con trai đầu lòng.

 

Đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã phải đối diện với việc kiếm sống, mối quan hệ với gia đình chồng không tốt nên chẳng mấy chốc cuộc sống của H không còn êm ả. H bỏ về nhà mẹ đẻ với cái thai trong bụng và để lại đứa con trai 3 tuổi ở nhà chồng.

Và kiếp làm vợ xứ người

 

Tại nhà bố mẹ đẻ, H sinh con gái thứ hai. Trong lúc đang buồn chán thì H được một người tên P rủ đi chơi Lạng Sơn, cô bế con đi theo. Đó là thời điểm tháng 3/1997.

 

Trên đường đi, người phụ nữ này bảo sẽ đưa mẹ con cô đến những nơi có cảnh đẹp để chơi. Người mẹ trẻ mới 20 tuổi này tin là thật. Sau một buổi ngắm phố núi, P bảo qua bên kia biên giới mới có phong cảnh đẹp.

 

Háo hức, H bế con đi theo dù phải đi qua đường mòn trên núi. Bà P để mẹ con H trong một căn phòng trọ ở chợ đường biên hơn 10 ngày. Chán quá, lại nhớ nhà, H đòi về. Lúc này, bà P thuyết phục H. phải đi sâu vào trong mới có nhiều thứ đẹp. Và rồi H đã được đưa vào nội địa nhưng không phải đến thành phố với những đại lộ lớn, hai bên có vườn hoa đua nở như giới thiệu.

 

Người phụ nữ này bảo H: “Mày phải lấy chồng”. H ngạc nhiên phản đối, bà P lộ nguyên hình là “mẹ mìn”: “Đưa mẹ con cô sang ở hơn nửa tháng, không bán cho người ta làm vợ thì lấy đâu ra tiền”.

 

Người mua H là một ông già. Làm vợ ông ta được 20 ngày, H bế con bỏ trốn. Trốn chui, trốn lủi 2 ngày, 2 đêm ở một phố nhỏ, H gặp phải người phụ nữ là đồng đảng với P.

 

Người phụ nữ này lại xui H lấy chồng khác, trẻ hơn. H không đồng ý. Tuy nhiên, bà ta cùng một số người khác hăm dọa khiến cô phải lấy chồng mà không được đem theo đứa con gái bé bỏng.

 

Ở với người chồng mới không được bao lâu, H lại bỏ trốn để tìm con. Tìm được nơi ở của con nhưng không tiếp cận được nó vì bị các đối tượng khác đánh, H lại lấy chồng. Anh tên Kim, do H tự nguyện lấy. Anh làm nghề bắt rắn, làm ruộng. H sinh cho anh 2 đứa con gái.

 

H kể chuyện với Kim về đứa con gái đang lưu lạc của mình và nhờ giúp đỡ. Anh Kim bảo nếu là con trai sẽ tìm cách đón về, con gái thì thôi. Thương con, H tìm đến nơi con mình đang ở. Cô không dám vào trong mà chỉ bịt mặt đứng nhìn con từ xa. 10 năm trôi qua, đứa con gái bé bỏng của cô đã lớn và nay H cũng không biết nó đã được đưa đi đâu.

 

Chúng tôi hỏi cô sao không báo công an nước bạn giúp đỡ, H bảo cô không có giấy tờ tuỳ thân. Hiện tại, cô đang là người cư trú bất hợp pháp dù hai con gái với người chồng Trung Quốc được làm giấy khai sinh và đi học.

 

Khát vọng tìm con

 

Lý do lần này H trở về Việt Nam là để gặp bà P, yêu cầu bà ta tìm lại con gái cho cô. Nếu bà ta không thực hiện, cô sẽ tố cáo với cơ quan công an về hành vi lừa bán người sang Trung Quốc. Sau đó, cô sẽ trở lại Trung Quốc với người chồng hiện tại vì cô không thể để 2 đứa con gái ở lại quê.

 

“33 tuổi, 4 đứa con, con nào cũng là con nhưng em thương đứa bé đang lưu lạc nhất. Thằng đầu ở với ông bà nội vì sau 3 năm em mất tích, bố nó đã lấy vợ khác. Hai đứa con với người chồng Trung Quốc kiểu gì em cũng phải quay lại để nuôi nấng chúng. Em thương nhất là đứa con gái lưu lạc. Vì mẹ nhẹ dạ mà con phải khổ”, H khóc.

 

Biết nguyện vọng của H, chúng tôi khuyên cô hãy báo với chính quyền địa phương, với Công an huyện Từ Liêm. Nếu cô không tố cáo, hành vi phạm pháp của bà P sẽ không được phát hiện và xử lý. Như thế, việc tìm lại đứa con gái hiện đang ở Trung Quốc của cô rất khó khăn.

 

Công an xã nơi cô vừa trở về cho chúng tôi biết, sau khi cô mất tích, gia đình không trình báo. Và H không phải trường hợp duy nhất bị mất tích ở địa phương này. Tuy nhiên, khi công an xã đến tìm hiểu thì thường nhận được thái độ không hợp tác của gia đình, họ thường bảo con mình đi làm ăn xa. H trở về,  ông an địa phương có biết, tuy nhiên sự việc chỉ được điều tra khi cô có đơn tố cáo chính thức.

 

Sau khi bị tố cáo, bà P lo sợ, cùng H quay lại Trung Quốc để tìm cháu bé. Chúng tôi cũng đang chờ kết quả trở về của H.

 

Một ngày cuối tháng 5, cái tin nhận được nằm ngoài mong đợi: H không tìm được con và ở lại Trung Quốc với chồng cùng  2 cô con gái. Vậy là H vẫn tiếp tục tìm con trong khát vọng. Nỗi ân hận về sự nông nổi của H sẽ còn đeo đẳng với cô và gia đình.

  

Theo Cao Hồng - Việt Hà 

Công An Nhân Dân