Khát vọng

(Dân trí) - Đêm 25/12/2008 vừa rồi, Hà Nội, Sài Gòn như có một cơn chấn động; cơn chấn động của niềm vui, niềm hân hoan tột đỉnh.

Hàng ngàn người, xe, băng rôn, tiếng hô…và rực rỡ sắc đỏ cờ Tổ quốc chảy thành dòng, cuồn cuộn trên các con phố trung tâm, trước con mắt kinh ngạc và nhập cuộc của cả người Tây. Đó là cuộc xuống đường mừng Tuyển bóng đá Việt Nam vào chung kết sau hơn 90 phút đấu trí, đấu lực căng thẳng, thót tim…hạ ngục người Thái ngay trên đất Thái. Một đội được cho là thể lực, phẩm chất kỹ thuật đều trên cơ ta, và cũng đã 10 năm rồi, bóng đá Việt Nam mới có giấc mơ cao nhất ở khu vực.

Niềm hân hoan ấy chính là cơn giải của khát vọng chiến thắng, của tình yêu bóng đá kỳ lạ, lòng tự trọng và tự hào Tổ quốc trong hàng triệu trái tim Việt Nam. Nó trở nên phi thường bởi những người làm nên chiến thắng đã làm bằng tinh thần, ý chí vượt lên trên 100% khả năng của sức mình.

Sau đêm ấy, khi về quê, câu chuyện bóng đá tưởng như chẳng ăn nhập gì cứ làm tôi nghĩ ngợi. Quê tôi phong cảnh hữu tình, có núi non, đồng ruộng, cây cỏ tươi xanh, những dòng sông như dòng chảy tâm hồn bao bọc đất đai…ai về cũng thích. Nhưng quê tôi nghèo quá. Cái nghèo dai dẳng và ám ảnh đã nhiều thế hệ, ở vùng đất trung du này rồi. Vì sao, vì sao vậy?

Tôi mang điều băn khoăn ấy hỏi một vị lãnh đạo tỉnh, một cách thẳng thắn, cả về trách nhiệm của chính quyền, nhà quản lý…nhân cuộc gặp cuối năm. Ông cũng thẳng thắn nhận thấy khiếm khuyết về trình độ, năng lực, trách nhiệm của các cấp chính quyền.

Tiếp tục câu chuyện, ông bảo, khi đã nghèo, rất nhiều cái bí. Các cụ có câu "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Cơ chế dù thông nhưng vì cái nghèo mà nhiều khi không dám "bạo" bằng tỉnh bạn. Hạ tầng giao thông kém, Tây hay ta muốn vào cũng chỉ nhằm nhằm vào các trung tâm, chỗ ngon xơi. Nghĩa là, địa kinh tế là một lợi thế mà quê tôi không đắc lợi, lại thêm cái chắp vá của đường sá, mặt bằng…nên lại càng thêm bí. Tất nhiên, tỉnh đang cố gắng bằng những giải pháp kích cầu mới của mình.

Và, có một điều làm tôi rất chú ý, trong tâm sự riêng, ông bảo, người quê mình có ba đặc điểm rất quan ngại:

Một là quyết tâm làm giàu thấp. Thời đói kém, chỉ ước mơ có đủ khoai sắn. Khi có khoai sắn rồi, chỉ dám mong làm sao có đủ cơm…Tôi lại bỗng nhớ niêu cơm Thạch Sanh, chả cần phải làm gì, chỉ cần có cái niêu be bé mà nó cứ hết lại đầy là sướng rồi?

Hai là ngại thay đổi môi trường sống. Điều này thì dễ hiểu. Bản tính người nông dân vốn ước mơ giản đơn cơm gạo, tự túc tự cấp, con cá lá rau trong đồng ruộng của mình, trong cộng đồng làng xã mình, không chịu bứt phá, giải thoát khỏi những tù túng, hạn chế của xứ sở, thói quen sinh sống cũ.

Ba là tính liên kết kém. Liên kết nội tại, liên kết hướng ngoại…chỉ dừng ở mức cơm tẻ nguội, chưa thành nếp hương. Tài năng, trí thức của quê ở Hà Nội, ở phương xa nhiều nhưng không tập hợp nhau được, không tương thân tương trợ nhau, không biến các ý tưởng thành sức mạnh cho cộng đồng làng quê mình.

Ba ý này chính là ba ý mà tôi bỗng liên tưởng từ niềm hân hoan chiến thắng của bóng đá ta hôm rồi. Nó có một cái tên chung là khát vọng. Thiếu khát vọng làm giàu, chỉ an phận có đủ bát cơm manh áo qua ngày, lại chính là nhân tố trở thành lực cản cho phát triển, cho sự hưng thịnh của một làng quê, một quốc gia.

Tất nhiên, khát vọng phải được tổ chức, phải có các nhân tố ý chí, nghị lực, hành động…mới có thể biến khát vọng thành hiện thực. Nếu thiếu khát vọng, niềm kiêu hãnh, làm sao một đội tuyển thấp bé nhẹ cân lại làm nốc ao được con sư tử to kềnh, một nửa đội hình cầu thủ nhập ngoại, như Singapore hôm trước, và đội Tuyển Thái Lan hôm vừa rồi?

Trần Quang