1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khánh Hòa:

Khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào dịp 27/7

(Dân trí) - Tròn một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công, sáng ngày 13/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiểm tra tiến độ xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại Công viên Biển Đông, Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Đưa Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào sử dụng nhân dịp 27/7

Tại buổi kiểm tra tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay một số hạng mục của Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma như: Thẩm định phần mỹ thuật tượng đạt 100% khối lượng công việc; san lấp và đường công vụ đạt 90%; khu tượng đài và lối lên khu tưởng niệm đạt 40%; đường dạo và Quảng trường Hòa Bình đạt 40%; nén tĩnh cộc, trạm biến áp cùng đạt 80%; hệ thống chiếu sáng toàn khu tưởng niệm hiện đang được triển khai…

Ngoài ra, ông Ngàng cũng cho biết, dự kiến vào ngày 25/3 tới sẽ thi công xong phần ngầm gồm: cọc, đài cọc, bể khu vực tượng đài; phấn đấu đưa đế, tượng lên vị trí dự kiến thực hiện từ ngày 26-30/4 sau khi cọc và đài đủ khả năng chịu lực; từ 30/4 đến 30/6 sẽ tiến hành hoàn chỉnh chi tiết phần tượng theo đúng ý tưởng thiết kế cùng các công việc có liên quan; các gói thầu còn lại sẽ được hoàn chỉnh trong tháng 6/2016; dự kiến khánh thành đưa toàn bộ dự án vào sử dụng từ 27/7/2016.


Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì buổi họp kiểm tra tiến độ dự án Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì buổi họp kiểm tra tiến độ dự án Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma

Sau khi kết thúc buổi thị sát thực tế các hạng mục đang thi công tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị thi công, đơn vị thiết kế, đơn vị tư vấn, đơn vị giám sát… đã khẩn trương thực hiện các phần việc trong thời gian qua.

Ông Tùng đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa làm việc cụ thể với các đơn vị liên quan xác định rõ ranh giới đất, tiến hành đóng cọc bê tông ranh giới để việc triển khai dự án thuận lợi, tránh những khúc mắc không đáng có về sau, đồng thời yêu cầu hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, ông Tùng nhấn mạnh đây là “công trình để đời” nên yêu cầu các đơn vị thi công cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thi công, có giải pháp che chắn việc sạt lở cát để tránh những thiệt hại không đáng có xảy ra.

Ông Tùng nhấn mạnh Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là “công trình để đời” nên yêu cầu các đơn vị thi công cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình
Ông Tùng nhấn mạnh Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là “công trình để đời” nên yêu cầu các đơn vị thi công cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình

Ông Tùng cũng yêu cầu đơn vị đang phụ trách thực hiện phần việc đẽo đá, tạc tượng cần lưu ý khắc họa rõ nét ý chí, sự dũng cảm, kiên cường, bất khuất trên khuôn mặt của các chiến sĩ hải quân đã quên mình ngã xuống bảo vệ Gạc Ma, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng tại Công viên Biển Đông, bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa trên khu đất rộng 2,5 ha. Khu tưởng niệm được xây dựng với mong muốn là một “địa chỉ đỏ” để mỗi người khi đến với Khánh Hòa sẽ có dịp dừng chân, suy ngẫm về những đóng góp của các liệt sĩ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nâng cao trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Tùng động viên các nghệ nhân tạc tượng chiến sĩ Gạc Ma anh hùng
Ông Tùng động viên các nghệ nhân tạc tượng chiến sĩ Gạc Ma anh hùng
Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra tiến độ dự án Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, sáng 13/3
Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra tiến độ dự án Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, sáng 13/3

Đây cũng sẽ là nơi những người còn đang sống tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc; là nơi thay thế mộ phần của các chiến sĩ còn chưa tìm thấy thi thể trong trận hải chiến Trường Sa không cân sức với quân Trung Quốc.

Trước đó vào ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hy sinh. Trong trận chiến, thiệt hại của Việt Nam bao gồm 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương...

Viết Hảo