Khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trở lại trên vùng biển 4 tỉnh miền Trung

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay ngư dân 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã được khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trên biển bình thường.

Ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã có thể khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trên biển bình thường.
Ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã có thể khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trên biển bình thường.

Chiều nay (24/8), sau 2 ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã dành cho báo chí cuộc phỏng vấn ngắn. Ông Oai trao đổi về vấn đề ngư dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra được tái khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trên biển

Ông Oai cho biết, sáng nay (24/8), Tổng Cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn khai thác, nuôi trồng thủy sản gửi tới 4 địa phương miền Trung. Đến thời điểm này, các địa phương tổ chức tuyên truyền hướng dẫn ngư dân tiếp tục khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển; đồng thời các địa phương tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm thủy sản sau khi khai thác đưa về các cảng cá.

Theo đó, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động bình thường trên các vùng biển của 4 tỉnh. Bộ NN&PTNT đề nghị quá trình triển khai hoạt động, các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục quan trắc và thường xuyên cảnh báo về môi trường biển để người dân nắm được tình hình.

Nói về công tác kiểm tra chất lượng hải sản sau khi khai thác trên biển về, ông Oai cho biết: Chất lượng môi trường biển tại vùng biển 4 tỉnh miền trung đã trở lại bình thường nên chất lượng thủy sản sẽ tốt. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục kết hợp với Bộ Y tế cùng các địa phương tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm hải sản đang chứa tại các kho hải sản, hoặc hải sản sau khi đánh bắt, tập kết ở các cảng cá ở các địa phương.

Lãnh đạo Formosa nhận lỗi, cam kết bồi thường 500 triệu USD tại cuộc Họp báo Quốc tế chiều 30/6 vừa qua.
Lãnh đạo Formosa nhận lỗi, cam kết bồi thường 500 triệu USD tại cuộc Họp báo Quốc tế chiều 30/6 vừa qua.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc Bộ NN&PTNT đã có phương án sử dụng số tiền bồi thường của Formosa để hỗ trợ ngư dân vùng biển 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại, ông Oai thông tin, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT thống kê tình hình thiệt hại đưa ra phương án hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Bộ NN&PTNT đã ban hành công văn 6851 để các địa phương tổng hợp thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường. Trước ngày 10/9, các tỉnh phải tổng hợp thiệt hại xong, báo cáo Bộ NN&PTNT để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Người dân bị ảnh hưởng thiệt hại tại 4 tỉnh miền trung trực tiếp kê khai thiệt hại, sau đó chuyển về tổ thẩm định của thôn, xóm xem đúng thiệt hại như thế không, sau đó trưởng thôn sẽ báo cáo xã để xã thẩm định báo cáo huyện, huyện thẩm định báo cáo tỉnh, tỉnh báo cáo trung ương” – ông Oai nói.

Ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết thêm, 4 tỉnh ven biển miền Trung có trên 16.000 tàu cá, đa phần là tàu cá nhỏ với khoảng 12.000 tàu dưới 90CV. Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển đến nay, các tàu này phần lớn hông ra khơi bởi nguồn lợi thủy sản gần như đã cạn kiệt. Bộ NN&PTNT có hướng tham mưu Chính phủ để hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn hơn trên 90-400 CV, đi đánh bắt xa bờ dài ngày hơn, hiệu quả hơn.

Trước đó, ngày 6/4, tại vùng nuôi cá lồng ở xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã xảy ra tình trạng cá chết bất thường hàng loạt, sau đó lại xuất hiện hiện tượng cá tự nhiên cũng chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Tại cuộc Họp báo quốc tế chiều 30/6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xyanua, hydro ôxit sắt, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung. Formosa gửi lời xin lỗi tới người dân Việt Nam và cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Nguyễn Dương