Thanh Hóa:

Khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ

(Dân trí) - Nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu, đánh giá giá trị, đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án khai quật công trường khai thác đá cổ tại núi An Tôn.

Ngày 10/10/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3303/QĐ-UBND về phê duyệt Dự án “Khai quật công trường khai thác đá cổ núi An Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc”.

Khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ    - 1
Khu vực núi An Tôn, nơi phát hiện công trường khai thác đá cổ xây Thành nhà Hồ

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ làm chủ đầu tư. Mục tiêu đầu tư của dự án là nghiên cứu, đánh giá giá trị, đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn và bổ sung tư liệu phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, góp phần phục vụ kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, dự kiến vào tháng 6/2012.

Tổng diện tích khai quật công trường khai thác đá cổ là 300m2 với tổng mức đầu tư Dự án là 523 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách của địa phương. Dự án khai quật sẽ được thực hiện theo 2 bước. Thứ nhất, chuẩn bị mặt bằng (phá bỏ lớp mặt, đào lớp đất mặt tới khi gặp tầng văn hóa); khai quật bằng phương pháp thủ công (đào từng lớp đất dày khoảng 20cm theo diễn biến của từng lớp văn hóa; làm rõ vị trí di tích, di vật; thu lượm, xử lý bảo quản di tích, di vật theo nguyên trạng; hoàn trả mặt bằng).

Khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ    - 2
Những viên đá được đánh dấu để nghiên cứu

Bước tiếp theo là chỉnh lý tư liệu khai quật, lập hồ sơ khoa học, đề xuất các giải pháp trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.

Dự án sẽ thực hiện trong vòng 3 năm kể từ khi được phê duyệt. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, khẩn trương triển khai, thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư; gửi ngành chức năng thẩm định, trình duyệt theo quy định.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao: Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính và các ngành, đơn vị có liên quan, có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi và cân đối, bố trí vốn để Chủ đầu tư triển khai, thực hiện Dự án

Khai quật công trường khai thác đá cổ Thành nhà Hồ    - 3
Các ngành chức năng và các nhà khoa học đã đi kiểm tra thực địa nơi phát hiện công trường

Trước đó, vào tháng 8/2011, các nhà nghiên cứu và Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phát hiện được 21 phiến đá lớn ở xung quanh khu vực dãy núi An Tôn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc.

Căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công hiện còn rất rõ trên các mặt của các phiến đá ở đây, đồng thời qua việc phân tích đối sánh với các phiến đá tại tường Thành Nhà Hồ, qua hố khai quật thám sát cửa Nam Thành Nhà Hồ năm 2008 có thể nhận định: Các phiến đá được phát hiện tại dãy núi An Tôn, thuộc địa bàn thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên mới đây chính là các phiến đá được Nhà Hồ cho khai thác để phục vụ vào mục đích xây dựng kinh đô ngày xưa.

Duy Tuyên