1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xây dựng khách sạn tại 31 Kim Mã, Hà Nội:

Khác nào “gọt chân cho vừa giày”

(Dân trí) - Sở Quy hoạch Kiến trúc không chấp thuận vì sai quy hoạch, thế nhưng Bộ Xây dựng lại cho rằng: Việc điều chỉnh quy hoạch tại đây là cần thiết và “mật độ xây dựng khoảng 40%, hệ số sử dụng đất gần 10 lần, cao 25 tầng là có thể chấp nhận...”.

Trong khi người dân đang kịch liệt phản đối quyết định cho xây dựng khách sạn 5 sao cao 25 tầng ở 31 Kim Mã thì ngày 12/3, người dân lại bàng hoàng trước việc Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính tiếp tục kí công văn 421/BXD-TTr, gửi UBND TP Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch ở đây là cần thiết để thu hút vốn đầu tư.

Công văn này có đoạn “trách” UBND TP rằng: “Theo quy định thì UBND TP phải giao cho Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức điều chỉnh toàn bộ hoc cục bộ quy hoạch chi tiết khu này và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đã được điều chỉnh làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng công trình...

Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA) giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công an về xử lí vi phạm xây dựng cũng chỉ rõ rằng: “Người có trách nhiệm trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhưng thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đúng trình tự, thủ tục gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân; gây ảnh hưởng xấu về an ninh trật tự... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau khi Công ty TNHH Hòa Bình nhận được văn bản của Bộ Xây dựng đồng thời báo cáo lên TP nhưng TP không chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức điều chỉnh quy hoạch để phê duyệt... Việc UBND TP Hà Nội ra thông báo 258/TB-UBND ngày 10/8/2007, chỉ chấp thuận một số chỉ tiêu tại công văn 1499 là chưa đủ”.

Theo các quy định pháp luật hiện hành, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết phải tuân theo trình tự, thủ tục, công đoạn lập và thẩm định chặt chẽ, cụ thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc điều chỉnh quy hoạch, song việc điều chỉnh không thể được thực hiện dựa trên một công văn không đủ tính pháp lý.

Vì lí lẽ đó, một số người dân khi biết công văn này đã lí giải rằng: lẽ ra việc lập quy hoạch phải có trước khi có dự án, nhưng đây lại có dự án rồi mới đề nghị các cơ quan chức năng của TP điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Thế chẳng khác nào “gọt chân cho vừa giày”.

Một người dân ví von nói: Thứ trưởng Trần Ngọc Chính kí công văn 1499, dù có thể hiểu là “hướng dẫn” cho doanh nghiệp nhưng cũng không đúng với thẩm quyền và đặc biệt là không có cơ sở pháp luật.

“Không lẽ chỉ vì xây dựng một khách sạn 25 tầng như vậy mà phải thay đổi quy hoạch của cả một khu vực. Rồi nhà nọ đua nhà kia mọc lên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mĩ quan của Thủ đô. Theo tôi kể cả việc sửa đổi quy hoạch để phù hợp xây dựng khách sạn ở đây là hoàn toàn bất hợp lí, và không đúng về mặt pháp luật” - Một kĩ sư xây dựng nói.

Một chuyên gia kiến trúc cho biết, khi lập quy hoạch phải có cơ quan nghiên cứu cụ thể, xin ý kiến nhân dân, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chứ không thể dễ dàng điều chỉnh bằng một thông báo!”.

Theo thông tin của chúng tôi, ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ký công văn đề xuất Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan thu hồi một phần hoặc toàn bộ các văn bản không đủ cơ sở pháp luật trong đó văn bản 1499/BXD-KTQH. Công văn này được rất nhiều người dân đồng tình ủng hộ thế nhưng không hiểu sao Bộ Xây dựng lại chỉ đạo kiểm điểm Thanh tra Bộ?

Tuấn Hợp