“Kênh thối” giữa khu đô thị mới

(Dân trí) - Khu đô thị mới Mỹ Đình 2 (Từ Liêm, Hà Nội) có cảnh quan và kiến trúc khá đẹp, hiện đại. Song hàng ngàn người dân sống ở đây lại đang kêu trời vì không chịu nổi mùi xú uế bốc lên từ con kênh ngay gần đó.

“Kênh thối” giữa khu đô thị mới - 1

Nước kênh đen ngòm, bốc mùi hôi, dù cạnh đó đã có trạm xử lý nước thải.

 

“Có sống ở đây mới thấm thía nỗi khổ”

 

Chuyển đến toà nhà CT5 - đơn nguyên 3 được một năm nay, ông Nguyễn Xuân Biền lắc đầu ngao ngán: “Nhìn bên ngoài thì có thể thấy đẹp, nhưng có đến đây, sống tại khu đô thị mới này mới thấy thấm thía nỗi khổ. Trước nhà là con kênh lúc nào cũng bốc mùi hôi thối. Mùa mưa còn đỡ nhưng mùa hè hoặc những lúc thời tiết thay đổi thì không thể nào chịu được”.

 

Cũng theo ông Biền, từ ngày ông mới chuyển đến, con kênh đen ngòm này đã bốc mùi và cho đến nay vẫn chưa có được khắc phục. Trong khu đô thị mới này có một trạm xử lý nước thải nhưng ông Biền lại tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi chẳng biết có trạm xử lý nào cả. Thối thế này thì không hiểu xử lý kiểu gì?”.

 

Những hộ sống trên tầng cao còn đỡ khổ, những hộ ở tầng dưới thì bị con kênh “tra tấn” ngày đêm. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, tầng 4, nhà C3 than thở: “Không biết phải chịu đựng đến bao giờ, không biết kêu ai chúng tôi chỉ còn cách cầu trời để thời tiết không biến động chứ trở trời là không chịu nổi”.

 

May mắn hơn một chút là những người dân ở các dãy nhà CT. Bà Nguyễn Thị Chung, ki ốt số 3, nhà CT5 cho biết: “Bên dãy nhà này may mắn hơn bên dãy nhà B, C vì… ngược gió. Nhưng khi gió thổi về bên này thì cũng khủng khiếp”.

 

Có lẽ “thấm thía” nhất về con kênh thối này là những người mưu sinh quanh khu vực này. Chị Ngô Thuý Hà, một người bán quán nước bên kênh than thở với phóng viên: “Bần cùng mới phải kiếm sống ở nơi thế này. Từ sáng đến tối lúc nào cũng phải bịt kín khẩu trang thế mà nhiều đêm về vẫn bị đau váng đầu không sao ngủ được”.

 

Tài xế taxi Nguyễn Huy Hùng cho biết: “Tôi không thể tưởng tượng người dân sống ở đây họ phải chịu đựng thế nào. Mỗi ban ngày ở đây tôi đã thấy quá khiếp rồi”.

 

Những hộ dân ở đây cho biết, trận ngập lịch sử cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008 đã “gột rửa” cho con kênh rất nhiều. Tuy nhiên, cũng chỉ rất nhanh sau đó con kênh lại đen ngòm và thối trở lại.

 

Ông Nguyễn Xuân Biền thắc mắc: “Không hiểu sao ở đoạn trên kênh được đậy kín nhưng dưới này lại không. Nếu là con kênh sạch để thế này quả là rất đẹp và thơ mộng nhưng bẩn thế thì chỉ mong đậy lại cho dân đỡ khổ”.

 

Không chỉ có con kênh, lối dành cho người đi bộ hai bên kênh hiện cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Từng đoạn bị lún và bong tróc gạch, có chỗ lún sâu được người dân tận dụng… vứt rác.

 

Trạm xử lý nước thải không hoạt động?

 

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trong hạng mục công trình của khu đô thị Mỹ Đình 2 có một trạm xử lý nước thải xây chìm sử dụng công nghệ A2O (hay AAO) do nhà thầu trong nước thực hiện. Trạm xử lý nước thải này được đặt tại bãi đỗ xe Mỹ Đình 2. Tuy nhiên, từ lâu trạm này đã không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Trước đó, tháng 4/2008, trạm xử lý nước thải cho Trung tâm hội nghị Quốc gia sử dụng công nghệ tương tự đã xảy ra sự cố, bốc mùi hôi, buộc phải tạm dừng hoạt động. BQL dự án đã yêu cầu nhà thầu xử lý mùi và sự cố.

 

Trạm xử lý nước thải khu đô thị Mỹ Đình 2 không hoạt động nên gần như toàn bộ nước thải đã được xả thẳng vào con kênh trên. Ông Vũ Đức Quyển, Ban quản trị toà nhà C6, Mỹ Đình 2 cho biết, trước đây kênh này là con sông tự nhiên. Khi thi công các nhà thầu và chủ đầu tư đã… biến thành con sông chứa nước thải. “Tôi không nghe nói gì đến nhà máy hay trạm xử lý nước thải trong khu đô thị này cả. Chỉ biết là những dãy nhà hai bên con kênh hiện đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Lỗi này là do các nhà thi công và chủ đầu tư những khu đô thị…” - ông Quyển nói. 

 

Trước những yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường sống hiện nay thì việc xử lý nước thải trong khu dân cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, các chủ đầu tư thường “cam kết bảo vệ môi trường” với những “điều khoản” hoa mỹ nhằm để phê duyệt dự án, mà không chú trọng đến công nghệ xây dựng trạm xử lý nước thải. Và, người gánh chịu hậu quả không ai khác là những cư dân sinh sống tại khu vực.

 

Vũ Văn Tiến