Kê khai tài sản đứng “bét” về hiệu quả phòng ngừa tham nhũng

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa xếp biện pháp kê khai tài sản và nộp lại quà tặng vào nhóm “bét bảng”, hiệu quả thấp trong tất cả 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

 


Kê khai tài sản bét bảng về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (Tranh minh họa: Người Lao Động).

Kê khai tài sản "bét bảng" về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (Tranh minh họa: Người Lao Động).

 

Theo ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ), việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được triển khai đầy đủ, nhất là sau khi có Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị.

Năm 2013 có hơn 944.400 người đã kê khai tài sản, thu nhập (đạt 99,2%); có hơn 914.000 bản kê khai đã công khai. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc 56 cơ quan, bộ, ngành, địa phương nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức và hành động trong công tác kê khai tài sản, thu nhập.

Năm 2014 tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,5%. Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập - tăng mạnh so với 5 trường hợp được xác minh trong năm 2014. Qua đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực và đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 người.

“Các cấp, các ngành đã tiến hành xử lý 212 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó đã xử lý 200 người: 16 người bị xử lý hình sự, 184 người bị xử lý kỷ luật hành chính”- ông Lĩnh nói.

Đáng chú ý, ông Lê Hồng Lĩnh cho biết đánh giá sơ bộ 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng cho thấy có 4 giải pháp có hiệu quả tích cực gồm: Cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trách nhiệm giải trình trong việc thực thi công vụ; xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. 2 giải pháp ở mức trung bình gồm: Chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

“3 giải pháp hiệu quả thấp là kê khai tài sản, thu nhập, đổi mới phương thức thanh toán và nộp lại quà tặng”- ông Lĩnh cho biết.

Thời gian qua, bên cạnh công tác phòng ngừa, ngành thanh tra đã gắn công tác thanh tra với công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Qua thanh tra đã phát hiện 415 vụ, 705 người có dấu hiệu tham nhũng với số tiền 786 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị thu hồi 756 tỷ đồng, 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 26 tập thể, 632 cá nhân, xử lý trách nhiệm 168 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 167 vụ, 273 đối tượng.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, thể hiện qua việc Thanh tra Chính phủ đã ký kết 14 thỏa thuận hợp tác song phương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; phát hành ấn phẩm Báo cáo quốc gia của Việt Nam đánh giá thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác có hiệu quả với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam qua các chương trình, dự án. Đồng thời vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh.

"Giải pháp kê khai tài sản chỉ là hình thức là đúng và có căn cứ"

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho biết hiện nay Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ quyền hạn với mong muốn “tạo ra nét mới, giải pháp đột phá trong phòng chống tham nhũng”.

Trả lời câu hỏi về việc người dân có thể biết được chuyện quan chức A, B, C có bao nhiêu tài sản hay không, ông Đạt cho biết đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, và thảo luận. Muốn thực hiện được điều đó phải nội hóa thành luật, không thể thực hiện theo đề án được.

“Dù chủ trương đề án nhưng phải nội hóa thành luật thì mới thực hiện được. Chúng tôi đang tiếp tục làm. Chính phủ yêu cầu phải phù hợp với chủ trương của Đảng, kiểm soát đối tượng kê khai phải gọn lại chứ bây giờ hơn 1 triệu người kê khai tài sản thì không quản lý được. Đã kê khai thì phải công khai và muốn công khai thì phải có xác minh, thẩm định, phải đưa vào luật thì mới giải quyết được vấn đề. Cả năm trời mới phát hiện một ít kê khai không trung thực thôi, nói thực là không đúng thực tế, giải pháp kê khai này chỉ là hình thức là đúng và có căn cứ của nó”- ông Đạt nói.

Ông Đạt cho biết việc xây dựng đề án được thực hiện đồng bộ cùng với việc tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng, sẽ được trình ra Chính phủ và đưa ra Quốc hội trong thời gian tới nhằm giải quyết câu chuyện gây bức xúc bấy lâu nay. Việc có công khai bản kê khai tài sản ở nơi cư trú hay không, theo ông Đạt, phải bàn thảo kỹ lưỡng bởi có nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ gây ra phức tạp.

Trong khi đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nói đề án đang trong quá trình xây dựng và hi vọng sẽ có những cái mới so với cái cũ hiện nay.

 

Năm 2015, toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 6.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 244.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 97.400 tỷ đồng, gần 16.500 ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 24.000 tỷ đồng và hơn 6.700 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với gần 1.700 tập thể; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11.460 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng.

Riêng Thanh tra Chính phủ thực hiện 52 cuộc thanh tra, đã ban hành kết luận 28 cuộc thanh tra; qua đó phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 4.100 tỷ đồng, 18 ha đất.

Thanh tra Chính phủ cũng đã kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau thanh tra đối với 30 kết luận thanh tra, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã thu hồi 2.266 tỷ đồng (đạt 66,4%), 6.404 ha đất (đạt 72,3%); thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 71 tập thể, 415 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 34 vụ, 103 đối tượng.

 

Thế Kha