“Hụt hơi” mùa nhập học

(Dân trí) - Đưa con lên Hà Nội, dự tính con nhập học xong là về ngay, nhưng việc nhập trường của con nhập nhằng khiến ông Dũng (Hưng Yên) phải ở lại đến ba ngày. Riêng việc ăn ở phát sinh đã làm ông… chóng mặt.

Nhùng nhằng nhập trường

 

Trước hôm con nhập học một ngày, ông Dũng và cậu con trai vừa đỗ vào trường ĐH Xây dựng mới từ Hưng Yên lên Hà Nội. Theo giấy báo trúng tuyển, sáng 4/9, con trai ông đến trường làm thủ tục nhập học, ông Dũng tính đến chiều mình sẽ lên đường về ngay. Thế nhưng sáng 4/9, con trai ông vẫn chưa nhập học được vì… chưa đến lượt. Đến chiều, vẫn chưa được, cha con lại phải chờ.

 

Con thì đang chờ suất ở ký túc xá nên hai cha con phải lục cục đi thuê nhà trọ ở tạm. Tiền nhà trọ mấy ngày, tiền ăn uống, đi lại... đều là những khoản không nằm trong dự kiến.


“Hụt hơi” mùa nhập học - 1
Cha con chờ làm thủ tục nhập học ở trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Đến khi con hoàn tất thủ tục tập nhập học thì khoản tiền ông mang theo cũng đã cạn: “Vét sạch cả nhà, anh em họ hàng cho thêm nữa mới được 4 triệu đưa con lên nhập học. Đóng các khoản tiền cho con hết khoảng 3 triệu, tính 1 triệu để lại cho con giờ thì hết rồi. Ở nhà thì bao nhiêu việc đang chờ, lại mất thêm mấy ngày công. Mai mốt lấy đâu tiền gửi cho con”, ông Dũng than thở.

 

Nhiều phụ huynh đưa con đi nhập học vào trường Xây dựng cũng rơi vào hoàn cảnh như ông Dũng, bị động trong việc ăn ở và phát sinh thêm nhiều khoản do việc nhập học nhùng nhằng.
 
Ở tận Quỳ Hợp (Nghệ An), Vũ Thị Xuân đưa em trai ra nhập học, cũng phải dặt dẹo thuê nhà trọ để ở. “Đến tận buổi thứ 3, em mình mới nhập học được. Hình như trường đông quá nên phải chờ đến lượt. Mình ở lại tốn thêm khoản ăn uống, nhà ở, tiền đi lại”. Xuân cho hay, hôm về cô chỉ cầm đúng 120.000 đồng tiền xe, còn bao nhiêu để lại cho em tất.

 

Ngồi ở gốc cây chờ con đăng ký ở ký túc xá trường ĐH Thương mại, bác Hải quê Bắc Giang tứa mồ hôi: “Cái này là cứ phải chen, ai chen nhanh thì xong thủ tục sớm. Thấy con đứng chen mệt quá mình cũng vào chen hộ nhưng chờ lâu quá lại ra ngồi đây”.

 

Rồi bác cũng than chuyện tốn kém: “Chỉ mấy ngày nhập học mà bằng tiền tiêu hàng tháng trời của cả nhà. Lạ nước lạ cái, tiền xe ôm cũng đã “ngốn” đủ. Mang theo tiền nghĩ đủ một tháng sau cho con nhưng giờ hết sạch rồi. Giờ về lại phải chạy đi vay mượn gửi tiền cho nó. Con nhập học nhưng bố mẹ kiệt sức”.

 

Nhọc nhằn cảnh “xây nhà mới”


Với tân sinh viên, nhập học đồng nghĩa tất tần tật mọi thứ đều phải sắm sanh từ đầu. Bao nhiêu khoản phát sinh, nhiều người bị “hụt hơi” ngay từ những ngày đầu nhập trường.


“Hụt hơi” mùa nhập học - 2

Tân sinh viên nhập học phải gánh hàng trăm khoản chi tiêu.


Sau hai tuần ngày nhập học, Trần Hữu Hoàng, trường ĐH Thể dục Thể Thao (Bắc Ninh) đã “nướng” sạch số tiền… hơn 4 triệu đồng mang theo. Hoàng nhẩm tính mà không hiểu tiền tiêu vào đâu: “Học phí 1,8 triệu, tiền nhà trọ hơn một triệu. Tiền mua sắm, ăn uống… thế là sạch. Mà em đã sắm được gì nhiều đâu, được cái chậu, khăn rửa mặt. Do mình chưa quen nên tiền đi lại, ăn uống còn đắt đỏ”. Hiện tại trong ví Hoàng chỉ còn đúng tờ trăm nghìn nhưng cậu vẫn chưa dám gọi điện về cho bố mẹ. “Biết đi học tốn kém nhưng bố mẹ không thể hình dung được tiền triệu tiêu vèo trong hai tuần. Em sợ bố mẹ nghĩ rằng em tiêu hoang lung tung”. 

 

Nguyễn Thị Hiền, ĐH Thương mại, chán chường: “Mình nhập học với mấy bộ quần áo, còn mọi thứ đều phải sắm sửa hết. Em mua sắm hết gần hai triệu rồi, nào là bàn ghế, bếp ga du lịch, đồ dùng cá nhân, chăn chiếu, bát đĩa… thế mà giờ động đến cái gì cũng thiếu. Lại thêm khâu đi mua sắm, nhìn mình lớ ngớ người ta đoán ngay là tân sinh viên nên tha hồ chặt chém”.

 

Đầu năm học phải sắm sanh quá nhiều thứ nhưng số tiền có hạn nhiều tân sinh viên phải chịu cảnh thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu nhất. Liên (ĐH Hà Nội) vẫn phải dùng nhờ xô chậu của các anh chị trong xóm trọ. “Em chỉ còn đúng một bộ quần áo để mặc đi học nhưng giờ hết tiền, chưa biết loay hoay thế nào. Giờ những vật dụng tối tiểu, lắt nhắt cũng tiền triệu em chưa biết tính thế nào”.

 

Nhưng Liên vẫn chưa quá thảm so với cậu bạn trường Công nghiệp ở ngay phòng bên: “Nghe đâu tiền nhập học bạn ấy cũng còn thiếu. Từ hôm đến giờ, tiền ăn cũng không có, hôm nào cũng ăn mỳ tôm cũng rau cải. Đến chiếu chiếu cũng chưa mua được, đang phải nằm phản”. Liên nói.

 

“Em chỉ muốn qua nhanh mùa nhập học để cuộc sống ổn định tý rồi tính chuyện đi làm thêm”. Đang loay loay vì đụng cái gì cái thiếu, Thùy, ĐH Khoa học Tự nhiên tính ngay đến việc đi làm thêm chỉ đúng sau ba hôm nhập học.

 

Bài và ảnh: Hoài Nam