Họp khẩn đối phó với bão số 4

(Dân trí) - Chiều qua ngày 25/9, UBND tỉnh Nghệ An đã triệu tập cuộc họp đột xuất triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 4.

Họp khẩn đối phó với bão số 4 - 1
UBND tỉnh Nghệ An họp khẩn triển khai phòng chống bão số 4.
 
Theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng cơn bão số 4, từ chiều 25/9, phía nam tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa vừa, sau đó có mưa to đến rất to và dông, tổng lượng mưa khoảng: 150-250mm, có nơi trên 300mm. Ở Thanh Hóa và phía Bắc tỉnh Nghệ An có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to và dông, lượng mưa đạt khoảng: 50 - 150mm. Cần đề phòng trong dông có có tố, lốc và gió giật mạnh; lũ quét, sạt lở đất ở trung du và vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
 
Để chủ động ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh Nghệ An chiều ngày 25/9 đã có cuộc họp đột xuất yêu cầu: Bằng mọi biện pháp trong ngày 25 và 26/9 các địa phương vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, Cửa Hội phải liên lạc, thông báo các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin chủ động ứng phó về nơi trú ẩn an toàn.
Họp khẩn đối phó với bão số 4 - 2
Tàu thuyền về nơi trú ẩn.

Triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. Khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè, tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền. Hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Đến chiều tối ngày 25/9, Nghệ An có 127 phương tiện với hơn 730 lao động đang hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc Bộ; 3 phương tiện với 25 lao động đang hoạt động ở khu vực Bạch Long Vỹ - Hải Phòng. Tất cả các phương tiện đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của cơn bão số 4, không có phương tiện nào ở vùng nguy hiểm. Khối lượng lúa hè thu chưa thu hoạch khoảng 30%, mực nước tại các sông, hồ đập đang còn ở mức cao.
 
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng yêu cầu: Sau cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp về các địa bàn phân công chỉ đạo các địa phương có các biện pháp ứng phó với bão số 4. Tổ chức di dân ở các vùng ven biển, ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Theo dõi sát tình hình, nắm bắt diễn biến cơn bão số 4, giao các địa phương trực 24/24 giờ các vị trí xung yếu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hạido bão số 4 gây ra.
 
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, giúp dân sơ tán người và tài sản khi có yêu cầu. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn cho nhân dân kiểm tra nhà cửa, biển hiệu, chặt tỉa cây cối, chằng chống lại các nhà cửa... để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão vào. Chủ động chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, đề phòng bị chia cắt dài ngày theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
Cùng thời điểm, đánh giá cơn bão số 4 là cơn bão có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai công tác ứng phó bão. 
Họp khẩn đối phó với bão số 4 - 3
UBND tỉnh Hà Tĩnh họp khẩn đối phó với bão số 4 
 
Những vấn đề mà UBND tỉnh Hà Tĩnh lo ngại nếu bão đổ bộ vào, đó là sự an toàn của người dân ven biển, vùng núi có nguy cơ sạt lở; các dự án công trình giao thông, thủy lợi đang thi công dở dang; tình hình thu hoạch lúa hè thu chậm, hiện mới chỉ đạt 34% diện tích (14.000 ha) của vụ mùa; tình hình tàu thuyền đánh cá của ngư dân đang ở trên biển, trong đó nhiều tàu thuyền dù đã nhận được thông tin về cơn bão nhưng đến 16h ngày 25/9 vẫn chưa vào nơi trú ẩn an toàn…
 
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự yêu cầu, Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển phối hợp với Biên phòng tỉnh, UBND các huyện nhanh tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, đồng thời cấm triệt để, không cho tàu thuyền ra khơi vào lúc này.
 
Họp khẩn đối phó với bão số 4 - 4
Kêu gọi tàu thuyền vào âu tránh bão tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà
 
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh phối hợp, chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã bằng mọi biện pháp chủ động đối phó với bão số 4, trong đó cần sẵn sàng ngay phương án sơ tán dân vùng ven biển, hướng dẫn nhân dân tổ chức triển khai chằng chống nhà cửa, trường học; các đơn vị thi công cần có các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho công trình khi mưa, lũ xảy ra ác liệt; các địa phương khẩn trương triển khai việc kiểm tra, rà soát phương án PCBL, đặc biệt, kiểm tra cụ thể 4 tại chỗ đến tận thôn xóm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lưu ý các địa phương, khi mưa bão chưa đổ bộ vào đất liền cần động viên bà con tranh thủ thu hoạch nhanh lúa hè thu nhằm giản thiệt hải về lúa, hoa màu, đảm bảo an ninh lương thực.

Trong một diễn biến khác, tại huyện Tương Dương những ngày qua tại núi Pu Căm bị nứt và 13 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, đã mấy ngày nay tình hình vẫn đang căng thẳng, bởi vùng đất nơi đây để di dời dân đến một chỗ an toàn phải bạt núi, nương rẫy... nên đang gặp nhiều khó khăn. Hiện UBND huyện Tương Dương, UBND xã Lượng Minh đã chuyển 13 hộ trong vùng nguy hiểm xuống ở tạm tại trụ sở UBND xã để tránh những bất trắc có thể xảy ra.

Họp khẩn đối phó với bão số 4 - 5
Nứt núi Pu Căm tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương đang đe dọa hơn 37 hộ dân ở Xốp Mạt.

Để chủ động đối phó với bão và lũ lụt, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra, tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu nhân dân, các cơ quan, ban ngành cần: Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng khắc phục các tuyến đường giao thông bị tắc, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất. Quản lý chặt chẽ các bến đò ngang, bến sông để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Đặc biệt, 13 hộ dân tại bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh cần phải được di dời khẩn cấp trước lúc bão số 4 đổ bộ vào Nghệ An.

 
Nguyễn Duy - Văn Dũng