“Hậu lũ lụt” ở Nam Trà My - Quảng Nam:

Hơn trăm người lâm cảnh “màn trời chiếu đất”

Ngày 14/11, hơn 100 người dân ở các xã Trà Linh và Trà Mai (huyện Nam Trà My) bị núi lở vùi lấp nhà cửa phải sơ tán khẩn cấp trong mưa lũ vẫn tiếp tục cam chịu cảnh sống kham khổ trong các nhà tạm và nhà cộng đồng tránh lũ.

Họ hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vốn đã khó khăn, nay nhà cửa mất trắng, cộng thêm khó khăn chung “hậu lũ lụt” tại huyện núi cao này, khiến hy vọng dựng lại mái nhà càng thêm mờ mịt...

 

Sống tạm bợ

 

Ngày 14/11, lực lượng và phương tiện cơ giới vẫn chưa thể khai phóng quả núi khổng lồ đổ ập xuống đường liên xã Trà Mai-Trà Vinh-Trà Vân, khiến giao thông vẫn tắc nghẽn. 12 ngôi nhà dân tổ 1 thôn 2 ở phía bên kia đường giờ chỉ còn là nền đất trống trơ và tường vách nham nhở do bị “núi đè” khiến huyện Nam Trà My bị cô lập dài ngày đến mức “kỷ lục” (6-14/11).
 
Ông Trần Văn Mỹ cầm xà beng cạy cục mót máy mong tìm thấy đồ đạc sót dưới đống đất đá, não nề nhớ lại: “Mưa to quá, nhưng tiếng núi lở còn to hơn, đánh ầm một cái, bà con chạy tứ tán. Cả quả đồi mấy chục ngàn khối đất đá trong đêm bất thần sập xuống, tràn cả qua bên kia đường, cuốn “trọn gói” 2 ngôi nhà, đẩy thẳng xuống vực sâu và đè nghiến 10 ngôi nhà khác, làm tường vách vỡ toạc, khung nhà vẹo xiêu. May mà lực lượng ứng cứu đã sơ tán  bà con cùng một số đồ đạc, tập trung hết về nhà tránh lũ cộng đồng xã”.

 

Hơn trăm người lâm cảnh “màn trời chiếu đất”  - 1

Những hộ dân Trà Mai mất nhà đang ở tạm bợ chung đụng rất khốn khó tại nhà cộng đồng.

 

12 hộ dân, hơn 50 con người xúm xít sống chung trong nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai tại trung tâm xã Trà Mai suốt từ bấy đến nay. Đồ đạc của nả còn giữ được cũng chất chồng tại đây. Bà Nguyễn Thị Lành cho biết: “Vợ chồng tôi cùng đứa con 4 tuổi chung 1 giường, tạm bợ qua ngày chờ thuê nhà khác rồi tính tiếp. Cực thì quá cực, nhưng nhà tôi còn chịu được. Chỉ tội mấy gia đình có người mang bầu, con nít ẵm ngửa, gia cảnh lại quá đỗi khó khăn, không biết lấy gì mà sống tiếp”. 8 gia đình, hơn 40 con người ông bà, vợ chồng, con cháu chung chạ ở khu trệt của nhà cộng đồng.  4 gia đình có người già yếu, phụ nữ mang bầu được ưu tiên tá túc ở tầng 2.

 

Cần cộng đồng hỗ trợ

 

Trong khi đó, 11 gia đình với khoảng 50 người khác ở nóc Tắc Pong, xã Trà Linh cảnh ngộ cũng chẳng hơn gì. Họ cũng bị núi đè “trọn gói” chừng ấy căn nhà, may mà lực lượng ứng cứu xã đã kịp sơ tán toàn bộ đồ đạc và người đến nơi an toàn trước khi xảy ra tai họa. Khi cơn mưa lũ vừa ngớt, lực lượng ứng cứu  cùng đồng bào đã dựng nhà tạm trên núi cao gần đó chờ qua cơn mưa lũ.

 

Hơn trăm người lâm cảnh “màn trời chiếu đất”  - 2
Ông Mỹ tại hiện trường vụ sạt lở núi Trà Mai. Ảnh: T.T.T

 

Ông Nguyễn Xuân Ba - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Nam Trà My - thở dài: “Tai họa giáng xuống do mưa lũ lớn quá bất ngờ, may mà công tác đối phó, ứng cứu được chuẩn bị sẵn sàng nên không có ai thiệt mạng. Trong lúc cấp bách, toàn bộ số người dân này được bố trí đến nhà cộng đồng và làm nhà ở tạm, nhưng lâu dài thì chắc chắn họ không thể sống tạm bợ như vậy được”.

 

Theo ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - sau khi xảy ra tại họa, tỉnh, huyện đã hỗ trợ 23 hộ trên mỗi hộ 1 triệu đồng, 50 - 100kg gạo, 2 thùng mì tôm, 1 bộ chăn màn. Huyện cũng đang tính toán, huy động mọi nguồn vốn từ các chương trình, chính sách nhà nước để hỗ trợ người dân xây nhà mới. Đối với 11 hộ đồng bào dân tộc Trà Linh, huyện sẽ hỗ trợ xây nhà kiên cố ở nơi đất mới ổn định do dân làng tự chọn vị trí, chính quyền sẽ đứng ra xây nhà  rồi bàn giao cho dân. Đối với 4 hộ đồng bào dân tộc ở Trà Mia, cũng sẽ làm tương tự. Riêng 8 hộ dân còn lại ở xã Trà Mia, huyện sẽ xem xét mức độ thiệt hại, hoàn cảnh cụ thể để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

 

“Đối với việc làm nhà cho 15 hộ đồng bào dân tộc, huyện đã huy động được 20 triệu đồng cho mỗi hộ, nhưng vẫn thiếu bởi làm nhà ở đảm bảo an toàn cho mỗi hộ chí ít cũng là 30 triệu đồng. Huyện đang rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân hảo tâm để cùng giúp đỡ họ qua cơn hoạn nạn này”.    

 

Theo Trương Tâm Thư

 Lao động