1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Hơn 1.500 lao động làm "chui" ở Trung Quốc

(Dân trí) - Theo thống kê mới nhất từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, số lao động làm “chui” cho tàu cá Trung Quốc đã lên đến con số hàng nghìn lao động. Hiện các ngành chức năng đang phối hợp để chấn chỉnh thực trạng trên.

Như Dân trí đã phản ánh, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa gửi Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp, về số người đi làm “chui” cho tàu cá Trung Quốc là 162 người.

Trước tình hình trên, Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cũng đã khẳng định việc ngư dân sang Trung Quốc làm việc “chui” là hành vi bất hợp pháp, vi phạm các quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi các địa phương có lao động làm “chui”. Theo đó, Sở này yêu cầu các địa phương ngăn chặn ngư dân Thanh Hóa tham gia đánh bắt hải sản trái phép cho các chủ tàu cá Trung Quốc.

Cuộc sống khó khăn khiến ngư dân phải tìm hướng mưu sinh.
Cuộc sống khó khăn khiến ngư dân phải tìm hướng mưu sinh.

Chủ động tuyên truyền để người dân hiểu về điều kiện cần thiết khi tham gia xuất khẩu lao động. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, khuyến khích ngư dân đi làm việc thuê trên các tàu cá Trung Quốc...

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp, chủ tàu khai thác hải sản trong nước cần xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trên biển theo định mức hiện hành của Nhà nước để trả công lao động tương xứng với kết quả của người lao động đặc thù trên biển.

Mới đây, theo con số báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 14/5/2013, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.560 lao động tập trung ở các huyện ven biển đi làm thuê trái phép tại Trung Quốc. Trong đó, huyện Hậu Lộc 272 người, Hoằng Hóa 275 người, thị xã Sầm Sơn 188 người, Quảng Xương 762 người, Tĩnh Gia 63 người.

Những lao động sang Trung Quốc làm việc “chui” chủ yếu thông qua con đường visa du lịch hoặc thông qua anh em, bà con rồi xuống tàu đi đánh cá tự do cho các ông chủ Trung Quốc. Các chế độ, tiền lương, tiền công, hai bên tự ý thỏa thuận mà phần thiệt luôn đứng về phía người lao động. Hầu hết những lao động này đi làm việc “chui”, một phần do thiếu hiểu biết, hơn nữa là do cuộc sống mưu sinh.

Cụ thể, số lao động làm việc trên bờ là 1.512 người, lao động làm việc trên tàu cá 48 người. Thời gian qua, có 49 người bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, trục xuất về nước. Một thực tế đáng buồn là có 5 lao động trong số đó bị chết; trong đó có 3 người chết do đắm tàu, 1 người chết vì đột tử và 1 người chết do bị đánh.

Cũng theo khảo sát của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, những lao động làm việc trên bờ được trả với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng; lao động đánh bắt cá có mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong trường hợp xảy ra rủi ro, những lao động này sẽ phải gánh chịu phần thiệt thòi.

Những lao động đi làm việc “chui” gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các ngành chức năng. Do hầu hết những lao động này đi làm không báo cáo chính quyền địa phương. Không chỉ có Bộ đội biên phòng mà ngay cả lực lượng chức năng của Trung Quốc cũng truy lùng gắt gao những lao động nhập cư bất hợp pháp để tham gia đánh bắt hải sản thuê cho chủ tàu bản địa.

Hiện nay UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đang giao cho Sở LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp về đầu tư kinh doanh tại các huyện ven biển nhằm thu hút lực lượng lao động.

Duy Tuyên