Quảng Bình:

Hơn 1 tháng sau lũ, dân vẫn “mù” thông tin

(Dân trí) - Trận lũ lịch sử đi qua hơn một tháng nay nhưng hàng nghìn hộ dân các xã vùng cao Tân Hóa, Minh Hóa và Thượng Hóa (Quảng Bình) vẫn sống trong cảnh “mù” thông tin vì các trạm phát lại truyền hình hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục.

Không truyền hình, không phát thanh, không báo chí

Chị Cao Thị Biền (thôn 5 xã Tân Hóa) rầu rĩ nhìn chiếc tivi bị nước lũ ngâm cả tuần vừa được sửa chữa miễn phí: “Sửa được cái tivi tui mừng lắm, nhưng bật lên xem thì không được vì trạm truyền hình đặt ở xã bị lũ cuốn trôi hết rồi. Loa truyền thanh của thôn cũng hỏng, nên muốn nghe đài cũng chẳng được. Từ sau lũ đến giờ, nhà tui không biết thông tin gì từ Trung ương và tỉnh, chỉ biết ai cho cái gì tốt cái đó thôi”.

Hơn 1 tháng sau lũ, dân vẫn “mù” thông tin - 1
Cột phát lại truyền hình Tân Hóa vốn cao 30m đã bị lũ cuốn trôi chỉ còn trơ gốc.

Hoàn cảnh của chị Biền cũng là hoàn cảnh của gần 1.500 hộ dân ở các xã Tân Hóa, Thượng Hóa và một phần của xã Minh Hóa. Nguyên nhân là do các trạm phát lại truyền hình đặt ở các xã này bị hư hại nặng sau trận lũ lịch sử đầu tháng 10/2010.

Anh Đinh Quang Lưu - cán bộ kỹ thuật của đài thường trực tại trạm Tân Hóa - buồn bã đứng bên cột thu phát sóng vốn cao 30m bị lũ cuốn trôi nay chỉ còn trơ trọi phần gốc. “Đã một tháng nay, nhiệm vụ của tôi là sáng đi, chiều về để trông coi mớ dây nhợ, máy móc đã bị biến thành sắt vụn”, anh Lưu cho biết. Trong trận lũ, nước ngập cao tới nóc nhà hai tầng của trạm, phá hủy toàn bộ máy móc trị giá 400 triệu đồng.

Hơn 1 tháng sau lũ, dân vẫn “mù” thông tin - 2
Nhiệm vụ của anh Lưu trong một tháng gần đây là trông coi những "cục sắt" này tránh bị lấy cắp.

Theo ông Cao Văn Lục - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa: trước mùa lũ toàn xã có khoảng 600 cái tivi. Sau nhiều ngày bị lũ ngâm, số tivi phục hồi được khoảng một nửa, song dân Tân Hóa đành “bó tay” vì không thể tiếp sóng truyền hình ngoài số ít người đầu tư chảo “lậu” để bắt sóng từ vệ tinh.

“Hệ thống loa truyền thanh giao cho 7 thôn quản lý cũng bị hư hại hoàn toàn, nên nhân dân không có cách gì tiếp cận với thông tin. Báo chí xưa nay cũng không đến được Tân Hóa, nên có thể nói dân Tân Hóa “mù” thông tin hoàn toàn”, ông Lục cho hay.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Thượng Hóa và một phần xã Minh Hóa - những xã nghèo bậc nhất nước - khi trạm phát lại truyền hình xã Thượng Hóa cũng bị hư hỏng nặng, khiến gần 1.000 hộ dân không thể tiếp cận với thông tin đại chúng.

Phục hồi: “Bất khả thi”!

Theo ông Cao Văn Hồng - Trưởng Đài PT&TH Minh Hóa: toàn huyện có 5 trạm phát lại truyền hình, phục vụ cho 5 xã vùng lõm Trọng Hóa, Tân Hóa, Thượng Hóa, Hóa Hợp và Hoán Tiến. Trong trận lũ vừa qua, ngoài trạm Tân Hóa bị phá hỏng hoàn toàn, trạm Thượng Hóa cũng bị hư hại nặng nề chưa có khả năng khắc phục.

Để chứng minh, ông Hồng mở kho của Đài, trong đó toàn bộ máy phát, máy tính… của trạm Tân Hóa vừa được mang về đài phơi, sấy nhưng cũng chỉ chờ bán… sắt vụn. “Chi phí trang cấp lại cho trạm Tân Hóa khoảng 300 - 400 triệu đồng, chi phí sửa chữa trạm Thượng Hóa cũng khoảng 40 triệu đồng nhưng đó là số tiền quá lớn với Đài”, ông Hồng cho biết.

Hơn 1 tháng sau lũ, dân vẫn “mù” thông tin - 3
Hệ thống máy phát, máy nổ, thiết bị... của trạm được đưa về Đài sấy, phơi và chờ bán... đồng nát.

Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách trả lương cho cán bộ, PV, BTV và nhân viên, đài được huyện Minh Hóa cấp 250 triệu đồng trang trải chi phí nghiệp vụ. “Trong đó, tiền điện đã mất 140 triệu đồng để “nuôi” 9 máy phát, 110 triệu còn lại chưa đủ để bảo dưỡng, sửa sang thiết bị”, ông Hồng nói.

Ngoài ra, hiện toàn đài chỉ còn duy nhất 1 chiếc camera hoạt động được, nên việc phục vụ công tác thông tin bị hạn chế. “Hàng ngày, nhiều đoàn cứu trợ về Minh Hóa nhưng chúng tôi không biết phải chọn đoàn nào vì được duy nhất 1 máy quay. Nhiều PV dùng chung một máy, nên việc phản ánh thông tin đời sống, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt gặp nhiều khó khăn”, một phóng viên đài PT&TH Minh Hóa chia sẻ.

Hồng Kỹ